Tại sao cách ly đủ 14 ngày, xét nghiệm nhiều lần âm tính, nhưng cuối cùng virus SARS-CoV-2 vẫn có thể lọt ra ngoài?

Gần đây, có trường hợp hai mẹ con người Ấn Độ đã hoàn thành cách ly 21 ngày và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 nhưng sau đó khoảng một tuần lại có kết quả dương tính dù họ không tiếp xúc với bệnh nhân đã biết nào. Trước đó, trong số các ca lây nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, có ít nhất ba bệnh nhân (một người trở về từ Nhật Bản, một chuyên gia Trung Quốc và một chuyên gia Ấn Độ) đã hoàn thành cách ly tập trung 14 ngày với 2-3 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính nhưng sau khi ra ngoài cộng đồng lại có biểu hiện bệnh và xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bên cạnh những giả thiết như lây nhiễm chéo trong khu cách ly, lây nhiễm trong cộng đồng nhưng không truy vết được nguồn lây…, còn có một khả năng khác có thể dùng để giải thích cho các trường hợp này, đó là hiện tượng âm tính giả.

Ảnh minh họa.

Âm tính giả là hiện tượng người bệnh mang virus trong người nhưng kết quả xét nghiệm lại biểu hiện âm tính. Có hai khả năng chính dẫn tới âm tính giả: do sai sót lấy mẫu và làm xét nghiệm- khả năng này được loại trừ vì mẫu xét nghiệm được lấy độc lập nhiều lần trong suốt thời gian cách ly. Khả năng thứ hai là thời gian ủ bệnh lâu, do virus đã xâm nhập vào cơ thể nhưng không nhân lên mạnh mẽ dẫn đến việc người bệnh không có triệu chứng gì nổi bật. Ở giai đoạn đầu, lượng virus trong cơ thể quá ít thì xét nghiệm sẽ không đủ nhạy để phát hiện được. Đó cũng là lí do mà kể từ ngày 5/5, Bộ Y tế đã quyết định kéo dài thời gian cách ly tập trung từ 14 lên 21 ngày.

Ngoài hai khả năng kể trên, còn có một khả năng khác dẫn tới âm tính giả mà chúng ta ít nghĩ tới đó là mẫu xét nghiệm được lấy ở cơ quan, bộ phận mà virus không có mặt. Xưa nay, chúng ta vẫn cho rằng SARS-CoV-2 là virus gây bệnh đường hô hấp nên chỉ lấy mẫu xét nghiệm ở mũi và họng. Tuy nhiên, khác với các loại virus cúm thông thường chỉ tập trung chính ở phổi, SARS-CoV-2 có thể tấn công nhiều cơ quan khác trong cơ thể như tim, gan, thận, ruột non, não, mắt,…. Hãy đặt giả thiết nếu SARS-CoV-2 trước tiên xâm nhập và nhân lên ở các bộ phận khác không phải đường hô hấp thì trong thời gian đầu kết quả xét nghiệm dịch mũi họng chắc chắn sẽ cho kết quả âm tính giả.

Để hiểu hơn về khả năng có thể xảy ra hiện tượng vừa nêu, chúng ta hãy đi sâu hơn một chút về cơ chế xâm nhập của virus. Những chiếc gai chúng ta hay nhìn thấy trên hình ảnh vốn đã trở nên quá quen thuộc của SARS-CoV-2 được gọi là spike protein. Để xâm nhập vào tế bào, trước hết spike phải bám vào được một protein khác trên bề mặt tế bào của người, gọi là thụ thể. Mỗi loại virus sẽ thông qua một loại thụ thể khác nhau để tấn công tế bào. Một trong những thụ thể chính của SARS-CoV-2 được biết hiện giờ là ACE2 (Angiotensin Converting Enzyme). Hiểu nôm na, nếu tế bào có nhiều ACE2 thì sẽ dễ bị tấn công bởi virus hơn những tế bào có ít ACE2 trên bề mặt. Điều ngạc nhiên ở chỗ: tuy là virus gây bệnh đường hô hấp, nhưng nhiều kết quả nghiên cứu đã chỉ ra thụ thể ACE2 của SARS-CoV-2 không có nhiều ở tế bào phổi và khí quản, mà lại tập trung rất nhiều ở ruột non. Đây cũng là nơi khu trú thường gặp của virus này. Một số bệnh nhân có triệu chứng đi ngoài, nôn mửa là do sự có mặt của virus trong đường tiêu hóa. Ngoài ra, mẫu xét nghiệm từ phân hoặc nước tiểu của nhiều bệnh nhân COVID-19 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Theo nghiên cứu được công bố bởi các nhà khoa học HongKong, có khoảng 17% số bệnh nhân Covid-19 xuất hiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, buồn nôn) và 48.1% số bệnh nhân có mẫu phân cho kết quả dương tính khi làm xét nghiệm PCR.

Phải nhắc lại rằng con đường lây nhiễm chính của SARS-CoV-2 là qua hô hấp: virus trước tiên theo đường mũi họng xâm nhập và nhân lên ở cơ quan hô hấp sau đó theo máu tấn công các bộ phận khác trong cơ thể. Tuy nhiên, có khả năng xảy ra là virus xâm nhập vào cơ thể người và khu trú ở ruột non trước khi tấn công lên phổi và các cơ quan khác. Trên thực tế, một số bệnh nhân biểu hiện các rối loạn đường tiêu hóa trước khi có biểu hiện bệnh ở hệ hô hấp. Một số thậm chí chỉ có triệu chứng rối loại tiêu hóa mà không bị ho trong quá trình mắc bệnh. Như vậy, nếu trong giai đoạn đầu, virus nhân lên trong ruột non trước mà chưa có mặt ở phổi hay cuống họng thì việc lấy mẫu xét nghiệm thuần túy từ dịch mũi họng như chúng ta đang làm sẽ dẫn đến kết quả âm tính giả. Bệnh nhân cũng không biểu hiện các triệu chứng hô hấp thông thường nên dễ bị bỏ qua. Một thời gian sau, khi virus tấn công lên tới phổi thì người bệnh mới có biểu hiện ho, khó thở, sốt nhẹ, và xét nghiệm dịch mũi họng mới cho kết quả dương tính. Có phải đây chính là lý do mà chúng ta có nhiều trường hợp bệnh nhân dương tính sau thời gian cách ly với nhiều lần xét nghiệm âm tính?

Theo giả thiết đó, để có kết quả xét nghiệm chính xác và phát hiện ca bệnh sớm hơn, có thể cân nhắc việc xét nghiệm hậu môn bên cạnh việc xét nghiệm mũi họng. Năm ngoái, một trường hợp đã được báo cáo ở Trung Quốc: một phụ nữ 25 tuổi nhập viện, dịch mũi họng của người này cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2 khi làm xét nghiệm PCR; ngày hôm sau người ta làm lại xét nghiệm PCR với mẫu phân lấy từ hậu môn của bệnh nhân này và nhận kết quả dương tính. Nếu không làm xét nghiệm hậu môn, rất có thể những ca bệnh như thế này sẽ bị bỏ sót.

Việc xét nghiệm COVID-19 qua hậu môn cũng không phải hoàn toàn mới, mà đã được áp dụng ở Trung Quốc (cũng là quốc gia có những nghiên cứu đầu tiên về virus SARS-CoV-2 và hệ tiêu hóa). Họ kết hợp xét nghiệm hậu môn và xét nghiệm dịch mũi, họng đối với những người có nguy cơ mắc covid-19 cao (chẳng hạn như di chuyển trên chuyến bay có hơn năm hành khách dương tính, hoặc đến từ vùng có dịch đang bùng phát mạnh hoặc có biểu hiện về đường tiêu hóa như tiêu chảy). Ngoài ra, phương pháp xét nghiệm này cũng được sử dụng ở một số nơi khác, chẳng hạn Tây Ban Nha, cho trẻ sơ sinh hoặc những bệnh nhân không thể lấy được dịch mũi họng.

Có nhiều tiếng nói phản đối việc xét nghiệm của Trung Quốc. Nhật bản và Mỹ đã yêu cầu nước này không xét nghiệm hậu môn đối với công dân của họ. Tuy nhiên, những tranh cãi xung quanh việc xét nghiệm hậu môn của Trung Quốc chủ yếu về cách làm chứ không phải về độ chính xác. Vì xét nghiệm này được thực hiện vị trí nhạy cảm và riêng tư trên cơ thể nên nhiều người cảm thấy lo lắng và e sợ. Vì vậy, có thể tạo điều kiện để người được xét nghiệm tự lấy mẫu để họ cảm thấy thoải mái hơn.

Việc lấy mẫu hậu môn hoàn toàn không khó, không cần đến một nhân viên chuyên môn mà người dân hoàn toàn có thể tự làm. Người dân chỉ cần đưa một tăm bông vô trùng vào hậu môn khoảng 3-5cm, sau đó bỏ vào ống nghiệm đóng kín. Hơn nữa, mẫu này có thể gộp chung với dịch mũi họng để làm xét nghiệm PCR, nên sẽ không tốn kém thêm chi phí xét nghiệm. Cũng phải nói thêm rằng, xét nghiệm mẫu từ hậu môn không thể thay thế hoàn toàn mà chỉ có thể sử dụng để bổ sung cho kết quả xét nghiệm dịch mũi họng. Vì như đã chỉ ra ở trên, không phải bệnh nhân COVID-19 nào cũng có virus ở đường tiêu hóa. Nhưng chỉ cần bỏ sót một bệnh nhân có virus ở ruột mà không có ở hệ hô hấp trong thời điểm xét nghiệm, là có thể dẫn đến các ca lây nhiễm cộng đồng.

Giả thiết virus lây truyền qua đường khác ngoài hô hấp vẫn còn cần được kiểm chứng trong tương lai. Tuy nhiên, xét nghiệm hậu môn với một số trường hợp có nguy cơ cao là điều đáng cân nhắc để giảm đáng kể các trường hợp âm tính giả và nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Đi xa hơn, những kết quả xét nghiệm đó có thể sử dụng cho nghiên cứu trong nước để góp phần vào hiểu biết toàn diện và sâu sắc hơn về sinh lý học của loại virus mà phần nhiều tính chất vẫn còn là ẩn số với toàn nhân loại này.