Vì lo sợ trước corona và do thiếu hiểu biết, nhiều người dân Ấn Độ sử dụng không đúng liều lượng cortisone, nên đã bị mắc một bệnh nấm có tên là nấm đen còn nguy hiểm, gây tử vong nhiều hơn cả virus corona.

Hằng ngày có tới hàng nghìn người ở Ấn Độ bị chết vì hậu quả của đại dịch corona. Nỗi lo sợ trước virus và từ đó dẫn đến dùng thuốc sai làm nảy sinh một nguy cơ còn tệ hại hơn cả bản thân con virus. Nhiều bệnh nhân covid nay lại bị nhiễm thêm một bệnh mới, có thể gây tử vong cao hơn cả virus corona, đó là một loại nấm. Trong phần lớn các trường hợp nấm thâm nhập vào xoang ở cánh mũi, từ đó lan ra rất nhanh qua xương, dây thần kinh và mạch máu, lan đến đâu ăn hại đến đấy và điểm đến cuối cùng là lan vào bộ não, gây tử vong. Nếu không điều trị bệnh nấm có tên là Mucormy-cosis sẽ gây tử vong trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Bệnh nấm đen thông thường xuất hiện ở người khi họ tiếp xúc và hít phải phân tử nấm mốc trong đất, thực vật ngoài môi trường tự nhiên. Bệnh tấn công hệ hô hấp, não bộ và có thể đe dọa tính mạng đối với những người có hệ miễn dịch yếu. Tỷ lệ tử vong của căn bệnh này lên tới 50%. Ảnh: VTV

Hiện còn thiếu số liệu về số người bị bệnh này. Chỉ biết, thuốc đặc trị bệnh nấm này ở Ấn Độ đang trở nên khan hiếm. Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi hôm thứ sáu đã cảnh báo người dân nước này về sự lan truyền của căn bệnh hiếm gặp này. Bộ Y tế kêu gọi tất cả các bang tại nước này cần báo cáo sớm về căn bệnh truyền nhiễm này. Tuy còn thiếu số liệu của nhiều địa phương, hiện tại ở Ấn Độ đã có khoảng 5000 trường hợp lây nhiễm nấm.

Các ca nhiễm bệnh nấm đen tạo thêm sức ép cho hệ thống y tế Ấn Độ.
Ảnh: Indiatvnews.com

Oliver Cornely, lãnh đạo Trung tâm Xuất sắc châu Âu về nhiễm nấm xâm lấn tại Trung tâm Y tế Đại học Cologne, cho biết vấn đề này không chỉ xảy ra tại Ấn Độ. “Các nước khác như Pakisstan, Bangladesch hay Bhutan cũng có vấn đề tương tự. Có điều Ấn Độ biết tương đối rõ những gì đang diễn ra trên đất nước mình”. Cùng với Team của mình từ 18 năm nay Cornely đã tập hợp danh sách các loại bệnh nấm hiếm gặp. Ông có quan hệ với nhiều bác sỹ trong khu vực.

Thực ra Mucormy-cosis là một căn bệnh hiếm gặp. Nguyên nhân gây bệnh là các loại nấm mốc chủ yếu sống trong đất, chúng thường phân hủy chất hữu cơ, trước hết là gỗ các loại. “Bào tử loại nấm này được gió phát tán đi các nơi” theo Cornely. Khi hít thở phải bào tử, hoặc nó thâm nhập vào các vết thương thì có thể dẫn đến lây nhiễm. Thường điều này chỉ xảy ra với những người hệ thống miễn dịch đã bị suy giảm hoặc những người từng bị đái tháo đường.

Có nhiều lý do vì sao các loại nấm này lại xuất hiện nhiều ở Ấn Độ. Ngay cả khi không bị đại dịch corona có hai lý do cho sự xuất hiện tương đối nhiều các trường hợp bị bệnh, thứ nhất có lẽ các loại nấm này xuất hiện ở vùng này tương đối nhiều, hơn nữa khu vực này có nhiều bệnh nhân đái tháo đường thiếu kiểm soát. Đây là những điều kiện làm cho nấm dễ xâm nhập vào cơ thể.

Tuy nhiên hiện tại đái tháo đường không phải là nguyên nhân chính mà là tại một loại thuốc được sử dụng để chống lại bệnh Covid-19, đó là cortisone. Đáng ra cortisone chỉ được dùng với liều lượng rất thấp đối với bệnh nhân corona và cũng chỉ trong một thời gian ngắn. Ở Đức các bác sỹ chỉ sử dụng cortisone khi bệnh nhân khó thở, thiếu không khí. Ở Ấn Độ có thể không phải bác sỹ nào cũng biết điều đó, vả lại cortisone được bán tự do trong các tiệm thuốc và người dân thì sợ virus nên có khi sử dụng thái quá.

Một điều nữa mà nhiều người không biết: cortisone khi liên quan đến bệnh nấm lại gây một số tác động phụ nguy hiểm. Nó làm tăng lượng đường trong máu. Đồng thời hệ miễn dịch suy giảm. Do đó các bào tử nấm có thể xâm nhập một lượng lớn vào cơ thể.

Điều trị bệnh này vừa tốn kém vừa phức tạp vì thiếu thuốc. Vả lại bệnh nhân nặng không uống được thuốc mà chỉ có cách truyền. Cho nên càng phức tạp hơn. Theo báo chí Ấn Độ hiện Chính phủ Ấn Độ đã có chỉ thị về việc sử dụng thuốc để điều trị căn bệnh này.

“Các loại nấm này phát triển nhanh và có tính hủy diệt. Chúng xâm nhập vào mô, thậm chí cả xương với tốc độ còn nhanh hơn cả các loại khối u ung thư. Hơn nữa thường bệnh này khi phát hiện thì đã quá muộn. Nấm có thể phát triển nhanh, bình thường, không gây đau đớn bởi vì chúng không gây tổn thương trực tiếp đến dây thần kinh. Có trường hơp, sáng ra, khi thức dậy bệnh nhân không nhìn được nữa, mắt đã bị mù, thần kinh thị giác bị tổn thương”, Cornely kể.

Với bệnh nhân đái tháo đường bào tử thâm nhập qua chất nhầy, chui qua mũi, lên đầu rồi lên não, đến lúc này thì vô phương cứu chữa. Người bị Mucormy-cosis tỷ lệ tử vong từ 50 đến 70%.

Chỉ thuốc không thôi không chặn đứng được bệnh, thường phải phẫu thuật để loại bỏ các mô chết. Nấm còn ăn xuyên các mạch máu, máu chảy ra ngoài và tích tụ ở những nơi hoại tử, do đó nhất thiết phải cắt bỏ, vì thế có khi bệnh nhân bị khoét mắt hay cắt bỏ các bộ phận của cơ thể, để cứu mạng sống. Tuy nhiên các ca phẫu thuật này lại vô cùng phức tạp, đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên gia phẫu thuật chuyên ngành, điều này ở các bệnh viện tuyến dưới thường không có.

Cũng cần nói thêm, lây nhiễm nấm là một bệnh dịch nhỏ hình thành từ một đại dịch. Riêng hôm thứ năm ở Ấn Độ đã có trên 250.000 ca Sars-CoV-2 mới với trên 4000 ca tử vong. Con số tử vong trong thực tế còn cao hơn nhiều.