Trong một năm, tàu thám hiểm Perseverance của NASA đã đi hơn 3 km qua địa hình đá sao Hỏa, thu thập sáu mẫu đá quý giá dự kiến sẽ trả về Trái đất trong tương lai. Điểm đến tiếp theo của Perseverance là một vùng châu thổ cổ đại để tìm kiếm dấu hiệu sự sống.

Perseverance hạ cánh xuống miệng núi lửa Jezero, ngay phía bắc đường xích đạo của sao Hỏa, vào ngày 18/2/2021. Tìm kiếm sự sống trong quá khứ ở vùng châu thổ cổ đại là mục tiêu lớn nhất của nhiệm vụ Perseverance trị giá 2,7 tỉ USD, và tàu thám hiểm vẫn chưa đến được vị trí này. Tuy nhiên Perseverance đã thu được các mẫu đá quý giá và thực hiện một loạt khám phá đáng ngạc nhiên.

"Cánh tay" lấy mẫu của Perseverance

Khám phá thứ nhất là nềncủa Jezero được làm bằng đá mácma, hình thành khi đá nóng chảy nguội đi và đông đặc từ hàng tỷ năm trước. Phát hiện này cho thấy môi trường sao Hỏa có thể từng thân thiện với sự sống.

Nếu các mẫu này có thể gửi về Trái đất như dự kiến, các nhà nghiên cứu lần đầu tiên sẽ xác định được niên đại của các loại đá từ những vị trí khác nhau trên bề mặt sao Hỏa. Nói cách khác, Perseverance đã thu được các bằng chứng về lịch sử của cảnh quan sao Hỏa.

Thu thập và phân tích khoáng chất mẫu đá từ một khu vực có nhiều cồn cát tên là Seitah, Perseverance tiếp tục khám phá ra rằng đây cũng là đá núi lửa, chứ không phải đá trầm tích như giả thuyết ban đầu. Hơn nữa, đá núi lửa này có dấu hiệu tương tác với nước trong quá khứ và còn có thể chứa các phân tử hữu cơ, được tạo ra thông qua các quá trình phi sinh học.

Trong ảnh: mẫu đá thứ sáu mà tàu thám hiểm thu được đến nay, được giữ trong cánh tay lấy mẫu.

Perseverance dự kiến sẽ thu thập ít nhất 30 mẫu đá, bụi và khí quyển. Các mẫu này sẽ được đặt ở một hoặc nhiều vị trí khác nhau để các nhiệm vụ trong tương lai đến lấy và gửi về Trái đất. Tuy nhiên nhiệm vụ thu mẫu về trong tương lai, nếu có, sẽ cực kỳ phức tạp - đòi hỏi một tàu thám hiểm khác nhặt mẫu mà Perseverance để lại, một tên lửa để phóng các mẫu lên quỹ đạo sao Hỏa, và một tàu vũ trụ để thu mẫu và đưa về Trái đất. Sớm nhất cũng phải đến năm 2031 nhiệm vụ này mới bắt đầu được triển khai. NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu đang hợp tác xây dựng nhiệm vụ và NASA vừa thông báo đã chọn được nhà thầu để chế tạo tên lửa đưa các mẫu lên quỹ đạo sao Hỏa.

"Chúng ta đã có một số mẫu thực sự tuyệt vời để trả lời câu hỏi liệu có sự sống cổ đại trên sao Hỏa hay không. Tôi rất vui mừng vì các bên đang thực hiện những bước đầu tiên trong nhiệm vụ thu thập và gửi mẫu về Trái đất trong tương lai," Meenakshi Wadhwa, nhà khoa học hành tinh tại Đại học bang Arizona ở Tempe và là nhà khoa học chính của NASA về mẫu sao Hỏa, cho biết.

Nhờ các mẫu và phát hiện mới, đến nay nhiệm vụ Perseverance được coi là khá thành công, nhưng vẫn nhiều người đang chờ đợi tàu đến được đích đến mục tiêu ban đầu - vùng châu thổ cổ đại. Perseverance đang chạy nhanh nhất có thể. Đầu tháng 2, nó đã lập kỷ lục di chuyển trên sao Hỏa, hơn 240 mét trong một ngày. Nhưng có thể phải đến tháng 4 tàu mới đến được vị trí mong muốn. Quỹ thời gian ngày càng thu hẹp, Perseverance chỉ còn khoảng một năm (tính theo năm Trái đất) để hoàn thành mọi công việc trong lịch trình dự kiến: đến vùng châu thổ, thu thập mẫu và gửi mẫu ở một ví trí nào đó gần miệng núi lửa.

Nhiệm vụ cũng đã xảy ra một số trục trặc nhỏ. Vào tháng 12, một số mẩu vụn bị rơi ra trong
quá trình lấy mẫu và làm kẹt một số vị trí trong thiết bị lấy mẫu của Perseverance. May mắn là các kỹ sư đã có thể điều khiển làm tàu rung lắc cho các mẩu vụn rơi ra ngoài. Và trong vài tuần gần đây, những cơn gió mạnh bất ngờ đã làm cho bụi và những viên sỏi nhỏ mắc vào một số cảm biến gió của tàu, làm hỏng cảm biến. Nhưng nhìn chung, đến nay Perseverance đã làm việc nhanh hơn rất nhiều so với tàu thám hiểm Curiosity trước kia của NASA.

Nguồn: