Với niềm tin ngoại ngữ sẽ mở ra cơ hội được khám phá thế giới cho mọi đứa trẻ, nên khát vọng của Edupia là “mang chất lượng giáo dục từ trường quốc tế đến 9 triệu học sinh tiểu học Việt”.

Cựu quản lý Viettel khởi nghiệp

Đầu tháng chín vừa qua, Edupia gọi vốn thành công 14 triệu USD tại vòng series A trở thành sự kiện nổi bật của thị trường khởi nghiệp Việt Nam năm 2022. Trong bối cảnh nhà đầu tư chặt tay hơn khi rót vốn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, thì việc Edupia công bố số tiền gọi vốn kỷ lục ngay từ vòng gọi vốn series A đã khiến Edupia trở thành biểu tượng mới trong lĩnh vực Edtech với sự phát triển thần tốc chỉ sau bốn năm thành lập


Nhìn lại năm 2018, khi Edupia được manh nha ý tưởng thành lập, ông Trần Đức Hùng có hơn 10 năm làm việc tại Viettel - nhà cung cấp dịch vụ viễn thông số một tại Việt Nam với vai trò là Giám đốc Trung tâm dịch vụ số. Được trực tiếp làm việc với các nhà lãnh đạo cao nhất của Viettel, ông Hùng học hỏi được cách thức xây dựng, quản lý một doanh nghiệp từ lúc thành lập đến lúc trở thành một tập đoàn với doanh thu hàng chục tỷ USD. Có thể nói, ông Hùng có được công thức quản trị vận hành doanh nghiệp với doanh thu vài tỷ đồng lên tới hàng trăm tỷ USD. Điều mà hầu hết startup đều thiếu.

Thêm vào đó, theo ông Hùng: “Khi tiếp xúc với các nhà lãnh đạo tài năng, tôi được truyền cảm hứng về việc theo đuổi ước mơ để có thể tạo ra một doanh nghiệp lớn, đóng góp nhiều cho cộng đồng và xã hội”. Lúc này, ước mơ về việc xây dựng một doanh nghiệp cho riêng mình xuất hiện. Nhưng làm gì trong lĩnh vực nào vẫn là câu hỏi lớn?

Làm việc trong lĩnh vực Digital Services, nhà sáng lập Edupia chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của làn sóng chuyển đổi số (Digital Transformation), và thấy rõ cơ hội của việc chuyển dịch số trong các lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục.

Ông Hùng sinh ra và lớn lên trong gia đình giáo viên tại nông thôn nên thấy được sự khác biệt về điều kiện học tập so với học sinh ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt phụ huynh đều đánh giá môn tiếng Anh hết sức quan trọng và sẵn sàng đầu tư, nhưng thực tế học sinh ở các khu vực ngoài các thành phố lớn đều yếu, rất ít học sinh có thể giao tiếp cơ bản 12 năm học ở trường.

Cuộc thi Vì Ninh Bình giỏi tiếng Anh được tổ chức tại Ninh Bình thu hút sự quan tâm của hàng nghìn học sinh.

Đặt chân vào lĩnh vực này, Edupia nhìn thấy rõ ràng rằng thị trường đang thiếu giải pháp thỏa mãn nhu cầu của đại đa số người dân - những học sinh ở khu vực ngoài thành phố lớn, không có cơ hội được tiếp xúc với tài liệu chuẩn.

Công nghệ và dịch vụ số có thể giải quyết các vấn đề của giáo dục truyền thống. Trình bày ý tưởng về Edupia với các chuyên gia giáo dục, công nghệ, tất cả đều khẳng định “con đường này khả thi”. Quan trọng là ai sẽ làm được nó ra trò.

“Ở đâu có vấn đề, ở đó có cơ hội”, việc giải quyết vấn đề này được xác định là cần phát triển một “Nền tảng tiếng Anh tiên tiến cho trẻ em” - ông Trần Đức Hùng nói. Điều đó đã trở thành động lực để ông Hùng xây dựng Edupia như một giải pháp góp một phần cho sự phát triển của học sinh Việt Nam nói chung và quê hương nhà sáng lập nói riêng.

Chiến lược “nông thôn vây thành thị”

Edupia phải làm thế nào để tạo ra khác biệt? Để tìm ra “Unique Selling Point” (điểm bán hàng độc nhất), đội ngũ Edupia dành nhiều thời gian nghiên cứu, phân tích những vấn đề cốt lõi nhằm thấu hiểu khách hàng. Với thời gian dài nghiên cứu thị trường, đội ngũ phát triển sản phẩm thấu hiểu sâu sắc đặc điểm tâm lý cũng như yếu tố tác động đến quá trình học tập của trẻ em, từ đó tạo nên chương trình giáo dục chất lượng cao, giúp rút ngắn khoảng cách giữa học sinh Việt Nam và ngôn ngữ toàn cầu.

Họ nhận ra rằng, việc học tiếng Anh qua các hình thức online còn chưa phổ cập ở các khu vực ngoại tỉnh. Để tạo ra sự gắn kết lâu dài của học sinh với hình thức học online cũng không dễ dàng, cần có hình thức học hấp dẫn. Thách thức cuối cùng, giao tiếp vốn là điểm yếu của học sinh Việt Nam nên cần phương thức giải quyết.

Ông Hùng kể: “Chúng tôi coi mô hình self-learning (app tự học) đóng vai trò là sản phẩm đầu tiên tiếp cận với khách hàng và dùng mô hình gia sư online (Tutoring) để tạo sự kết nối liên tục với họ. Mô hình này được triển khai từ tháng 3/2021 như một phiên bản nâng cấp sau hơn ba năm tiếp cận và xây dựng thói quen với thị trường”.

Điểm khác biệt của Edupia ở chỗ, hướng toàn bộ sự chú ý tới học sinh ở khu vực ngoài trung tâm các thành phố lớn. Điều này khiến chúng ta liên tưởng tới chiến lược “lấy nông thôn vây thành thị” mang lại thành công rực rỡ cho nhà mạng Viettel. Xuất thân từ nông thôn và trưởng thành ở Viettel đã mang đến nhiều bài học lớn về kế hoạch kinh doanh và việc tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình.

Edupia không định nghĩa sản phẩm self learning là ứng dụng học tiếng Anh đơn thuần mà phát triển dựa trên concept “Virtual English school” (Trường Tiếng Anh số). Trong đó, đơn vị này tập trung xây dựng các bài giảng kết hợp hoạt hình và giáo viên để tạo ra các câu chuyện thú vị, lôi cuốn. Các bài tập cũng được thiết kế theo hướng gamification để tạo cảm giác vừa chơi vừa học cho học sinh. Bên cạnh bài giảng có sẵn, Edupia còn kết hợp với yếu tố offline để đảm bảo hiệu quả học tập tốt hơn, làm tăng sự gắn kết lâu dài của học sinh.. Đơn cử, mỗi học sinh đều được xếp vào một lớp học bao gồm khoảng 40 học sinh dưới sự dẫn dắt hỗ trợ của một giáo viên. Hằng tuần giáo viên sẽ giao nhiệm vụ học tập cho học sinh và gửi đánh giá về cho học sinh/phụ huynh vào cuối tuần.

Edupia cũng khai thác tối đa công nghệ nhận diện giọng nói để tạo ra các hình thức tương tác trực tiếp cho học sinh: giúp cho các em học sinh có thể luyện phát âm với máy, với các bạn học sinh khác… dưới các hình thức phù hợp với độ tuổi. Các bài giảng được bổ sung tối đa hoạt động tương tác giữa video giúp học sinh có thể trả lời câu hỏi của giáo viên ngay trong bài giảng. Các cuộc thi thuyết trình được tổ chức online để các em có thêm nhiều điều kiện thực hành giao tiếp tiếng Anh - điều mà học sinh khu vực lower tier areas vốn rất ít có cơ hội. Nhờ sự kết hợp khéo léo này, học sinh dù ở bất kỳ đâu cũng có được môi trường học khá đầy đủ với mức chi phí thấp nhất.

“Học sinh của Edupia có sự tiến bộ và tỷ lệ retention (chỉ số gia hạn khóa học) cao vượt trội” – ông Hùng tự hào nói.

Có thể hình dung, Edupia đang triển khai mô hình Online to Offline – một mô hình rất hiệu quả trên thế giới. Không đơn thuần chỉ tổ chức các lớp dạy và học trực tuyến, startup này cũng kết hợp với Sở Giáo dục các tỉnh thành phố tổ chức chuỗi cuộc thi “Vì một Việt Nam giỏi tiếng Anh”. Điều đó giúp học sinh ở mọi địa phương được học tập, rèn luyện tiếng Anh với điều kiện tốt như học sinh ở trường quốc tế.

Bên cạnh các lớp học đại trà, Edupia còn cung cấp các lớp học với gia sư theo nhu cầu (Tutoring). Với mô hình Tutoring, học sinh có thể theo học các lớp 1-1, 1-2 hoặc kết hợp mô hình Semi – Tutor. Nghĩa là học sinh học 1 tuần 3 buổi, 1 buổi với giáo viên trực tiếp và 2 buổi tự học qua app theo sự hướng dẫn của giáo viên. Điều này giúp cho Edupia tạo ra các lớp học có chất lượng có giá thành tốt nhất.

Edupia đang có 5 triệu người dùng và với mức doanh thu hàng chục triệu USD. “Chúng tôi có kế hoạch sẽ vượt qua mức doanh thu 100 triệu USD trong ba năm tới” – CEO của Edupia nói. Để đạt được mục tiêu đó, nghĩa là Edupia sẽ phải tăng trưởng gấp đôi hằng năm. Chiến lược của họ là tập trung đầu tư xây dựng các nền tảng công nghệ tiến tiến nhất, đồng thời triển khai mở rộng kinh doanh sang các thị trường tiềm năng trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Myanmar trong năm 2022-2023.

“ Việc trang bị cho 20 triệu học sinh Việt Nam khả năng ngoại ngữ tốt là mục tiêu, sứ mệnh và động lực của chúng tôi trong hành trình đưa công nghệ thu hẹp khoảng cách giáo dục. Ngoài tiếng Anh, học sinh còn có nhu cầu rất lớn học online các bộ môn như Toán hay Lập trình. Ngoài ra, cơ hội cho Edtech không chỉ bó hẹp tại Việt Nam mà còn ở khu vực Đông Nam Á” - ông Hùng nói.