Nhờ thực hiện các biện pháp quản lý tổng hợp như cắt và tiêu hủy tàu lá, phun thuốc bảo vệ thực vật, và phóng thích ong ký sinh trên toàn tỉnh, diện tích dừa bị nhiễm sâu đầu đen đã giảm hơn 70%, phần còn lại chủ yếu nhiễm nhẹ.

Tỉnh Bến Tre có diện tích dừa lớn nhất cả nước với gần 80 nghìn ha và là thu nhập chính của phần lớn nông dân nơi đây. Từ đầu năm đến nay, diện tích dừa nhiễm sâu đầu đen trên địa bàn tỉnh chiếm hơn 592ha. Trong đó, diện tích nhiễm nhẹ là 295ha, nhiễm trung bình hơn 162ha, nhiễm nặng hơn 135ha. Vườn dừa nhiễm bệnh giảm năng suất hơn 50%, một số cây không cho quả khi bị sâu tấn công hết phần lá.

Không chỉ ở Bến Tre, hơn 200 ha dừa ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) hiện cũng đang bị sâu đầu đen phá hoại. Do cây dừa khá cao nên khi người dân phát hiện sâu đầu đen phá hoại thì tình trạng nhiễm bệnh đã rất nặng. Nhiều hộ không thể phục hồi, toàn bộ vườn dừa phải đốn bỏ.

Sâu đầu đen có tên khoa học là Opisina arenosella Walker, thuộc bộ cánh vảy, họ ngài đêm. Sâu có nguồn gốc từ miền Nam Ấn Độ và Sri Lanka từ giữa thế kỷ 19, sau đó lây lan, gây hại tại 16 quốc gia của Châu Á như, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc,… Riêng tại Việt Nam, sâu đầu đen xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 7/2020 tại ấp Giồng Tre, xã Phú Long, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, gây hại nặng 2 ha dừa giai đoạn 15 – 20 năm tuổi. Sau đó nhanh chóng bùng phát và lây lan đến các tỉnh phụ cận Bến Tre như Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh.

Do độ tuổi sâu non lên đến 40 ngày so với 10-30 ngày ở các loài gây hại khác, nên trong quá trình phát triển, chúng sẽ ăn hết lá, làm cây chết hàng loạt. Khi bị sâu đầu đen gây hại nặng, toàn bộ lá dừa trên cây bị cháy khô, cây suy kiệt dần, giảm năng suất và có thể chết. Sâu đầu đen sống ở mặt dưới lá dừa, ăn biểu bì lá và nhả tơ kéo hai mép lá dừa lại làm đường hầm và ở lại trong đó, nên việc phòng trừ bằng phun thuốc bảo vệ thực vật gặp nhiều khó khăn.

V
Một vườn dừa ở Bến Tre bị sâu đầu đen tàn phá. Ảnh: Internet

Ngay sau khi phát hiện sâu đầu đen vào tháng 7/2020, UBND tỉnh Bến Tre đã phê duyệt đề tài “Nghiên cứu đánh giá xác định mức độ gây hại của sâu ăn lá dừa và xây dựng mô hình, đề xuất các giải pháp quản lý và phòng trị theo hướng sinh học an toàn trên địa bàn tỉnh Bến Tre”, do Trường Đại học Nông Lâm TPHCM thực hiện.

Kết quả nghiên cứu cho thấy thành phần thiên địch có tiềm năng kiểm soát sâu đầu đen hại dừa khá phong phú, gồm 10 loài, như ong ký‎ sinh Brachymeria euphoeae, Brachymeria sp, Bracon hebitor, Trichospilus pupivorus, Habrobacon hebetor, Xanthopimpla punctata, bọ đuôi kìm,… Các loại thiên địch này ký sinh trên sâu đầu đen và tấn công chúng cả ở giai đoạn nhộng, sâu non. Đồng thời, nhóm nhân nuôi một số loại ong ký sinh như Brachymeria sp, Bracon hebetor, Trichospilus pupivorus, Habrobacon hebetor, để phóng thích (thả) vào vườn dừa khi bị bệnh.

Trước bước phóng thích ong là công đoạn cắt tỉa tàu bị nhiễm sâu đầu đen đem tiêu hủy, và phun thuốc bảo vệ thực vật dập dịch. Nhờ kết hợp các biện pháp này, mức độ gây hại của sâu tại các vườn dừa giảm từ 20 - 40%, khi phóng thích 5.000 con ong ký sinh ấu trùng và 10.000 ong ký sinh nhộng/ha/tháng. Sau năm tháng phóng thích ong, cây dừa đã khôi phục và cho trái bình thường.

Ngoài ra, người dân được hướng dẫn cách sử dụng phân bón và chăm sóc, để dừa phục hồi sinh trưởng, phát triển vườn dừa sau khi bị sâu đầu đen gây hại. Các quy trình kỹ thuật thực hiện như dùng vôi để khử chua đất, nâng pH đất > 5-6; sử dụng phân bón hợp lý; cắt tỉa cành;... Qua đó, các vườn dừa bị sâu hại có tàu lá phát triển xanh tốt, tốc độ ra lá mới trung bình đạt 13-15 tàu lá/cây. Buồng dừa có tỉ lệ đậu trái cao, số trái trung bình đạt 50 - 55 trái/cây/năm, cao hơn 5-10 trái/cây so với trước khi được phục hồi.

Từ năm 2022 - 2023, việc áp dụng biện pháp quản lý, đặc biệt là nhân nuôi thành công ong ký sinh để phóng thích trên các vườn dừa nhiễm sâu đầu đen đạt được hiệu quả cao tại Bến Tre.

Cụ thể, đầu năm 2023, diện tích nhiễm sâu trên toàn tỉnh ở mức cao là 854ha; nhưng sau khi ngành nông nghiệp phối hợp với các đơn vị thực hiện các biện pháp quản lý tổng hợp, như cắt tàu tiêu hủy, phun thuốc bảo vệ thực vật và kết hợp phóng thích trên 350 triệu con ong ký sinh trên toàn tỉnh, thì diện tích nhiễm sâu giảm xuống chỉ còn 265ha, chủ yếu là nhiễm nhẹ.

V
Vườn dừa tại huyện Bình Đại được phục hồi sau khi bị nhiễm sâu đầu đen. Ảnh: NNC

Năm 2024, thời tiết nắng nóng, ít mưa, là điều kiện cho sâu đầu đen phát triển thuận lợi, nhưng lại bất lợi cho sự phát triển của các loài thiên địch trong tự nhiên, đặc biệt là ong ký sinh.

Trước tình trạng trở lại của sâu đầu đen và nhằm hạn chế những rủi ro của loại sâu này, từ đầu năm 2024 đến nay, công tác nhân nuôi ong ký sinh kiểm soát sâu đầu đen trên địa bàn tỉnh được duy trì thực hiện tại các điểm như Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, Bình Đại,… và đã phóng thích 109 triệu ong ký sinh trên toàn tỉnh. Đồng thời, ngành nông nghiệp hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp tổng hợp nói trên, nên các vườn dừa đã có dấu hiệu phục hồi tốt về sinh trưởng. Diện tích phục hồi sau khi thực hiện các biện pháp phòng trừ đạt 82,1%, diện tích nhiễm toàn tỉnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, công tác phòng trừ chỉ đạt hiệu quả cao khi áp dụng trình tự và đồng bộ các biện pháp tổng hợp. Trước tiên là biện pháp thủ công, cắt tỉa tàu lá bị nhiễm sâu đem tiêu hủy để giảm mật độ sâu và tạo điều kiện xử lý thuốc hiệu quả. Kế đó là biện pháp hóa học, phun thuốc bảo vệ thực vật đúng cách theo khuyến cáo để diệt sâu. Cuối cùng là biện pháp sinh học, nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh để diệt nhộng và sâu tuổi lớn. Trong đó, biện pháp sinh học giữ vai trò rất quan trọng, vì giúp cân bằng hệ sinh thái trên vườn dừa, hạn chế tình trạng tái phát dịch hại, đặc biệt là đảm bảo chất lượng các sản phẩm từ dừa.

Tuy nhiên, để hạn chế thiệt hại do sâu đầu đen gây ra, người dân cần thăm vườn thường xuyên để sớm phát hiện đối tượng sâu hại và thực hiện biện pháp quản lý tổng hợp. Đặc biệt, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân không phun thuốc bảo vệ thực vật trên các vườn dừa đã thả ong ký sinh, nhằm duy trì nguồn thiên địch trong tự nhiên, để công tác phòng trừ đạt hiệu quả cao và bền vững.