Nghiên cứu thuốc chữa bệnh mới từ thảo dược thay cho chất tổng hợp hóa học đang là xu hướng của thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới, trên 80% dân số sử dụng thuốc cổ truyền, đặc biệt là sản phẩm từ thảo dược. Các hoạt chất thiên nhiên như taxol chữa ung thư từ thông đỏ, axit shikimic chữa cúm từ hồi, vinblastin, vincristin chữa ung thư từ dừa cạn... đang mang lại doanh thu hàng chục tỷ USD.
Việt Nam sở hữu trên 5.000 loài thực vật có thể làm thuốc, gần 200 loài có tiềm năng lớn. Tại hội nghị toàn quốc về dược liệu mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lợi thế này khi cả 63 tỉnh, thành đều có thể phát triển dược liệu: “Dược liệu không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn giúp làm giàu nếu tổ chức, quản lý tốt”. Mục tiêu biến Việt Nam thành vườn dược liệu của thế giới cũng đã được nhiều nhà khoa học, nhà quản lý nói đến.
Hoa xạ can - một cây thuốc quý của Việt Nam. Ảnh: Phạm Bình
Mặc dù vậy, thị trường dược liệu Việt Nam - giá trị khoảng 5 tỷ USD - vẫn đang bị hàng ngoại chiếm lĩnh. Khoảng 80% trong số 60.000-80.000 tấn dược liệu Việt Nam cần mỗi năm phải nhập khẩu. Nghĩa là chúng ta chỉ mới chiếm được 1/5 cái bánh lẽ ra phải thuộc về mình.
Để cung khớp với cầu hơn, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cần mở rộng phạm vi ứng dụng của dược liệu: “Không nên nghĩ dược liệu chỉ phục vụ y học cổ truyền, chiết xuất hoạt chất cho tân được, mà còn là nguyên liệu làm thực phẩm chức năng và đồ thực dưỡng. Trung Quốc - nước đứng đầu về y học cổ truyền - đang chuyển trọng tâm từ y học cổ truyền sang thực phẩm chức năng, sản phẩm có hàm lượng hoạt chất cao làm thuốc, hàm lượng thấp làm thực phẩm chức năng. Có như vậy, đầu ra mới lớn”.
PGS-TS Trần Văn Ơn - Trưởng bộ môn Thực vật, Đại học Dược Hà Nội - nêu một ví dụ để làm rõ quan điểm trên: “Trái gấc trong tiếng Anh được gọi là gac-fruit. Điều này cho thấy gấc Việt Nam đã có thương hiệu và từ nó có thể tạo ra hàng trăm sản phẩm chăm sóc sức khỏe giá trị cao. Màng gấc đông lạnh dùng làm sinh tố thực dưỡng, màu nhuộm thực phẩm, mỹ phẩm. Hạt gấc có thể chiết xuất hoạt chất trị ung thư...”.
Rất dễ nhận ra sự đúng đắn trong những điều Bộ trưởng Tiến và TS Ơn đề cập, nhưng làm được điều đó không dễ. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phải đầu tư nghiên cứu khoa học và công nghệ, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị; tăng cường bào chế, chế biến và quảng bá mạnh mẽ, phải tổ chức lại ngành dược liệu trong tất cả các khâu... Đây là một mục tiêu đòi hỏi sự năng động và tận sức của không chỉ ngành y tế mà cả các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp.
Ở phương diện khác, TS Ơn cho rằng việc biến Việt Nam thành “vườn dược liệu thế giới” cần gắn với du lịch, với những vườn dược liệu organic - nơi du khách có thể vừa khám phá, trải nghiệm văn hóa, vừa thưởng thức thực dưỡng, nghỉ ngơi và chữa bệnh. “Đây là xu hướng phát triển mới trên thế giới mà chúng ta có thể bắt nhịp nhờ lợi thế đa dạng sinh học” - TS Ơn nói.