Mới đây, một nhóm các nhà khoa học đã sử dụng hình ảnh vệ tinh và các phép đo thực địa để nghiên cứu về hệ sinh thái rừng ngập mặn ở một số quốc gia.

Họ đã phát triển một công cụ trực quan và dễ tiếp cận, cung cấp cho các nhà quản lý khu vực ven biển thông tin chính xác, đáng tin cậy, cập nhật và phù hợp với địa phương nhằm bảo tồn hiệu quả các khu rừng quan trọng này.

Người dân sử dụng GPS để lập bản đồ rừng ngập mặn ở Lamboara, Madagascar. Ảnh:Garth Cripps/Blue Ventures

Rừng ngập mặn là quần xã được hợp thành từ thực vật ngập mặn bởi nước triều ven biển nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới, vì vậy ta có thể tìm thấy loại rừng này ở hầu hết các đường bờ biển nhiệt đới và bán nhiệt đới trên thế giới. Hệ sinh thái rừng ngập mặn rất đa dạng, từ những cây bụi thưa thớt, còi cọc đến những rừng cây thân dày rậm rạp.

Những hệ sinh thái này cung cấp môi trường sống cho một loạt các loài động vật bao gồm cá (từ cá hồng đến cá mập), động vật không xương sống (như tôm và cua), bò sát (từ rắn đến cá sấu), chim (từ bói cá đến diều hâu), động vật linh trưởng (chẳng hạn như khỉ và vượn cáo) và cả hổ Bengal.

Rừng ngập mặn còn cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cho hàng triệu người thuộc các cộng đồng ven biển – chúng ngăn chặn xói mòn bờ biển, bảo vệ người dân khỏi bão, cung cấp thực phẩm, vật liệu xây dựng, và là nơi có ý nghĩa về mặt văn hóa và tinh thần. Chúng cũng lưu trữ một lượng lớn carbon nhiều hơn hẳn so với các loại rừng trên cạn khác – phần lớn lượng carbon này được lưu trữ trong các lớp đất cực kỳ sâu.

Bất chấp giá trị của chúng, việc nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, phát triển đô thị và các vụ thu hoạch không được quản lý đang chuyển đổi hệ sinh thái rừng ngập mặn trên hầu hết các vùng nhiệt đối. Chúng ta đã mất khoảng 35% diện tích rừng ngập mặn toàn cầu trong những năm 1980 và 90. Dù tỷ lệ mất rừng đã chậm lại trong hai thập kỷ qua – ước tính khoảng 4% từ năm 1996 đến năm 2016 – nhiều khu vực vẫn là điểm nóng về mất rừng ngập mặn, mà tiêu biểu là Myanmar.

Tôi* và các đồng nghiệp đã sử dụng hình ảnh vệ tinh và các phép đo thực địa để nghiên cứu về hệ sinh thái rừng ngập mặn ở một số quốc gia. Chúng tôi đã phát triển một công cụ trực quan và dễ tiếp cận, cung cấp cho các nhà quản lý khu vực ven biển thông tin chính xác, đáng tin cậy, cập nhật và phù hợp với địa phương mà họ cần nhằm bảo tồn hiệu quả các khu rừng quan trọng này.

Công cụ lập bản đồ rừng ngập mặn

Cho đến nay, thông tin từ hình ảnh vệ tinh về mức độ và sự thay đổi của rừng ngập mặn đều ở phạm vi toàn cầu chứ không chú trọng đến các khu vực nhỏ hơn – những nơi phụ thuộc vào nỗ lực bảo tồn của cộng đồng. Thêm vào đó, nếu hình ảnh vệ tinh tập trung đến quy mô địa phương thì nó đòi hỏi sự đầu tư về tiền của lẫn chuyên môn.

Kết quả là, các nhà quản lý tài nguyên địa phương thường thiếu thông tin mà họ cần để lập kế hoạch hiệu quả cho việc bảo tồn, phục hồi và quản lý chức năng rừng ngập mặn.

Công cụ mới của chúng tôi – Phương pháp Lập bản đồ Rừng ngập mặn trên nền tảng Google Earth Engine (GEEMMM) sẽ cung cấp miễn phí những thông tin này cho các nhà quản lý vùng ven biển, bao gồm cả các khu vực rừng nhỏ hơn mà họ quan tâm.

Người dân cùng nhau lập bản đồ rừng ngập mặn ở Lamboara, Madagascar. Ảnh: Garth Cripps/Blue Ventures

Nhu cầu về một công cụ như thế này là rất lớn. Các sản phẩm toàn cầu như Global Mangrove Watch không hướng đến mục đích sử dụng ở cấp độ địa phương. Và các phương pháp thông thường cần thiết để lập bản đồ cục bộ đòi hỏi phải vượt qua một loạt các rào cản kỹ thuật bao gồm dữ liệu sẵn có, kỹ thuật xử lý dữ liệu, khả năng tính toán và phần mềm chuyên dụng. Ngân sách của hầu hết các dự án bảo tồn thuộc địa phương không đủ chi trả cho những thứ này.

Công cụ mới của chúng tôi đã vượt qua những rào cản này và giúp những người không phải là chuyên gia dễ dàng sử dụng, với quy trình làm việc toàn diện, từng bước. Nó không yêu cầu kiến thức chuyên môn về hình ảnh vệ tinh, xử lý dữ liệu hoặc mã hóa. Công cụ này chỉ yêu cầu các kỹ năng máy tính cơ bản, kết nối Internet tương đối ổn định và vốn kiến thức cơ bản để lập bản đồ rừng ngập mặn.

Thử nghiệm công cụ mới

Để tiến hành thí điểm công cụ lập bản đồ rừng ngập mặn mới của mình, chúng tôi đã lấy Myanmar – một điểm nóng về mất rừng ngập mặn – làm mẫu điển hình. Việc mất rừng chủ yếu xảy ra do việc chuyển đổi sang nông nghiệp, chẳng hạn như lúa, cọ dầu và cao su, nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là tôm.

Công cụ này tạo ra các bản đồ tại thời điểm quá khứ lẫn trong hiện tại về phạm vi rừng ngập mặn, đánh giá độ chính xác và chất lượng của các bản đồ này, đồng thời tính toán những thay đổi đã xảy ra trong một khu vực nhất định. Kết quả của chúng tôi cho thấy Mymanmar đã mất 35% diện tích rừng ngập mặn ở ven biển nước này kể từ năm 2004.

Mất rừng ngập mặn ở bang Rakhine, Myanmar, dọc theo bờ biển Đông Nam của đảo Ramree và bờ biển phía Tây của thị trấn Taungup. Các ô bên trái (1) hiển thị hình ảnh vệ tinh Landsat trong quá khứ, giai đoạn 2004-08, và các ô bên phải (2) hiển thị hình ảnh trong hiện tại, giai đoạn 2014-18. Các ô (a) phía trên hiển thị các phong cảnh như trong một bức ảnh màu thông thường, trong khi các ô (b) phía dưới cung cấp độ tương phản bổ sung. Trong khoảng thời gian 10 năm này, những dải rừng ngập mặn lớn rõ ràng đã biến mất. Ảnh:Trevor Gareth Jones

Các đồng nghiệp của tôi ở Madagascar đang thử nghiệm công cụ mới dọc theo bờ biển phía tây của đất nước, nơi 21% rừng ngập mặn của hòn đảo này – một khu vực có diện tích tương đương 80.000 sân bóng đá – đã biến mất từ năm 1990 đến năm 2010.

Hệ sinh thái rừng ngập mặn đang bị đe dọa ở Madagascar, và việc hiểu chúng ở đâu – và cách chúng đang được sử dụng – vô cùng quan trọng đối với các cộng đồng ven biển. “Những cộng đồng này cần sử dụng một công cụ giám sát đơn giản, phù hợp với bối cảnh địa phương”, Cicelin Rakotomahazo, điều phối viên của Blue Forest ở Andavadoaka, Madagascar, cho biết.

Người dùng có thể truy cập miễn phí công cụ lập bản đồ rừng ngập mặn mới của chúng tôi và sử dụng trong Google Earth Engine với hướng dẫn chi tiết. Các nhà quản lý vùng ven biển có thể sử dụng kiến thức địa phương của mình để lập bản đồ hệ sinh thái rừng ngập mặn ở bất kỳ nơi nào họ tìm thấy. Những người sử dụng công cụ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thử nghiệm và định hình sự phát triển của nó.

*Tác giả bài viết là Trevor Gareth Jones, Giáo sư thỉnh giảng về Quản lý Tài nguyên Rừng và Cố vấn Chương trình MGEM, Đại học British Columbia