Giữa tâm điểm của cuộc tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ, Trung Quốc vừa đề xuất cấm chuyển giao công nghệ bắt buộc và những “can thiệp” bất hợp pháp của chính phủ vào các hoạt động kinh doanh nước ngoài.

Dự thảo luật đầu tư nước ngoài được công bố hôm 26/12/2018, vào thời điểm Trung Quốc cố gắng giải quyết những bế tắc kéo dài với Hoa Kỳ - quốc gia cáo buộc Trung Quốc có các hành vi thương mại không công bằng, bao gồm đánh cắp sở hữu trí tuệ (SHTT) và ép buộc chuyển giao SHTT.

Hoạt động tại một nhà máy ở Trung Quốc
Hoạt động tại một nhà máy ở Trung Quốc

Mặc dù Trung Quốc thường xuyên bác bỏ các cáo buộc như vậy, nhưng khi đối mặt với các khiếu nại ngày càng tăng và mức đầu tư nước ngoài bị chậm đi, chính quyền nước này đã cam kết cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài và bảo vệ tốt hơn các quyền của họ.

Dự thảo luật cuối cùng gồm 39 điều, ngắn hơn nhiều so với bản ban hành năm 2015, nhưng đã nhấn mạnh hơn đáng kể về việc bảo vệ SHTT.

Dự thảo nêu rõ: "Các cơ quan chức năng và cán bộ không được phép sử dụng các công cụ hành chính để ép buộc chuyển giao công nghệ", so với việc chỉ tuyên bố chung rằng “quyền sở hữu trí tuệ của các công ty nước ngoài sẽ được bảo vệ” như phiên bản luật năm 2015.

Khi căng thẳng thương mại bùng phát, các quốc gia như Hoa Kỳ và Đức càng trở nên thận trọng khi làm việc với các công ty Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn và đổ tiền để có được các công nghệ nước ngoài tiên tiến thông qua các cuộc thâu tóm quyết liệt tại nước ngoài.

Trong một động thái rõ ràng nhằm nhấn mạnh sự nhân nhượng có đi có lại, dự thảo luật cũng cho biết Trung Quốc sẽ bảo lưu quyền trả đũa các nước phân biệt đối xử với các khoản đầu tư của Trung Quốc bằng "các biện pháp tương ứng".

Dự thảo luật đầu tiên đã được đệ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bắt đầu phiên họp vào Chủ nhật (29/12), và sẽ tổ chức các cuộc tham vấn công chúng đến hết ngày 24/2/2019.

Có khả năng, dự thảo sẽ phải trải qua nhiều lần xét duyệt trước khi được thông qua chính thức, có thể mất thêm khoảng 1 năm nữa. Sau khi được thông qua, luật này sẽ thay thế cho 3 luật hiện hành quy định về các liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Theo Tân Hoa Xã, nhiều nhà lập pháp đang kêu gọi thảo luận nhanh chóng về dự thảo để đưa vào bỏ phiếu càng sớm càng tốt, nhưng vẫn có những thành viên cho rằng cần phải có thời gian thảo luận kỹ càng để làm rõ thế nào là “ép buộc chuyển giao công nghệ”

Một số chuyên gia luật và tư vấn kinh doanh vẫn giữ thái độ hoài nghi về việc luật pháp sẽ bảo vệ lợi ích của các công ty nước ngoài đến mức nào, do Trung Quốc thiếu sự thượng tôn pháp luật.

"Luật pháp ở Trung Quốc về những thứ như ép buộc công nghệ chỉ nằm trên giấy; thực tế thì có thể phù hợp hoặc không với văn bản đó” - Dan Harris, đối tác quản lý của công ty luật Harris Bricken có trụ sở tại Seattle chuyên hỗ trợ các công ty điều hướng những vấn đề pháp lý ở nước ngoài bao gồm cả ở Trung Quốc, nói.

"Nhìn chung tôi nghĩ với những vấn đề như thế này thì quá khứ là yếu tố dự đoán tốt nhất cho việc thực thi trong tương lai, và một vài người cho rằng, Trung Quốc đã nói rằng sẽ cởi mở suốt 10 năm qua nhưng tất cả đã dừng lại ở khoảng 5 năm trước."

Nguồn: