Một mạng lưới trung tâm sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ theo mô hình “trục xoay và nan hoa” đang được triển khai nhằm khắc phục tình trạng nhiều viện nghiên cứu và trường đại học Việt Nam còn lúng túng trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ.

dvgfg
Toàn cảnh hội thảo “Xây dựng chính sách SHTT cho các trường đại học và viện nghiên cứu” ngày 26 - 28/11/2018 tại Hà Nội.

Thời gian qua, các trường đại học và viện nghiên cứu ở Việt Nam đã tích lũy được năng lực, thể hiện ở số công bố trên các tạp chí quốc tế, đặc biệt là các tạp chí ISI, tăng nhanh. Thế nhưng, khu vực tư nhân và các chủ thể khác, chứ không phải các viện, trường, hiện đang đứng tên trên đa số đơn đăng ký sáng chế của người Việt ở Cục SHTT. Đó là hệ quả của việc các viện, trường còn khá “lúng túng”, chưa xác định được định hướng xây dựng chiến lược SHTT cho riêng mình, chưa hiểu rõ kết quả nào nên đăng ký SHTT…, Nói cách khác, các viện, trường còn chưa quen với việc bảo hộ tài sản, biến tài sản trí tuệ có giá trị thành tiền thông qua thương mại hóa.

Tình trạng nêu trên không chỉ riêng có ở Việt Nam và đó lý do để Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới WIPO triển khai dự án “Khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ”, nâng cao năng lực quản lý và thương mại hóa công nghệ cho một số nước đang phát triển và kém phát triển trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Iran, Mông Cổ, và Việt Nam.

Tại Việt Nam, Dự án đang ở giai đoạn khởi động và sẽ thực hiện trong 5 năm 2018-2022. Trong khuôn khổ Dự án, một mạng lưới theo mô hình “trục xoay và nan hoa” sẽ được hình thành, bao gồm các tổ chức hỗ trợ (trục xoay) và các trường đại học, viện nghiên cứu (nan hoa). Trong đó, trục xoay đóng vai trò hỗ trợ và điều phối các “nan hoa” trong quá trình phát triển công nghệ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là bảo hộ sáng chế và thương mại hóa đối với các công nghệ có tiềm năng. Các hoạt động chính của Dự án có thể kể đến đào tạo cán bộ cho mạng lưới; thiết lập liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với nhau và với các nhà đầu tư; hỗ trợ thương mại hóa sáng chế.

Trước đó, từ ngày 25-29/9/2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với WIPO tổ chức Hội nghị phỏng vấn các viện /trường tại TP Hồ Chí Minh và tại Hà Nội để lựa chọn các đơn vị tham gia Dự án và đồng thời tổ chức Khóa đào tạo nâng cao về chuyển giao công nghệ thành công (STL) tại TP. Hồ Chí Minh.

Đến thời điểm này, Bộ KH&CN đã kết nối được mạng lưới gồm 30 trung tâm SHTT và chuyển giao công nghệ (TISC) trong các viện, trường. Trong số đó, có 20 viện, trường đăng ký tham gia Dự án “Khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ” do WIPO hỗ trợ. Sau lần phỏng vấn thứ nhất, WIPO đã sơ bộ chọn 12 đơn vị tham gia Dự án. Tới đây, vào ngày 29-30/11/2018 tại Hà Nội và ngày 3-4/12/2018 tại TP Hồ Chí Minh, WIPO sẽ tổ chức cuộc họp tham vấn lần 2 với các đơn vị được lựa chọn tham gia Dự án. Những đơn vị này sẽ nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ WIPO và Cục SHTT để phát triển tài sản trí tuệ đối với công nghệ mà mình tạo ra.

Sau cuộc họp tham vấn lần 2, WIPO cũng sẽ chính thức ký kết và triển khai các hoạt động của Dự án. Để triển khai Dự án, Bộ KH&CN sẽ xem xét thành lập Ban chỉ đạo gồm lãnh đạo các cơ quan quản lý, các trường đại học, viện nghiên cứu. Văn phòng Dự án sẽ được thành lập và được đặt ở Cục SHTT.

addfd
Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại hội thảo “Xây dựng chính sách SHTT cho các trường đại học và viện nghiên cứu” ngày 26 - 28/11/2018 tại Hà Nội.

Trong giai đoạn tới, Bộ KH&CN cam kết tập trung nguồn lực để Mạng lưới trung tâm SHTT và chuyển giao công nghệ trong các viện, trường vận hành ổn định, giúp cho các viện, trường tăng cường năng lực nội tại trong việc xác lập quyền SHTT và chuyển giao công nghệ - Thứ trưởng Bùi Thế Duy khẳng định tại hội thảo “Xây dựng chính sách SHTT cho các trường đại học và viện nghiên cứu” do WIPO phối hợp với Cục SHTT tổ chức từ ngày 26 - 28/11/2018 tại Hà Nội.

Hội thảo - cũng là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Khởi tạo - có sự tham gia của các chuyên gia WIPO cùng khoảng 100 đại biểu đến từ các trường đại học/ viện nghiên cứu, và các cơ quan quản lí nhà nước.

Tại đây, các chuyên gia đã trình bày các nội dung chính như: Bối cảnh chung về SHTT và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu; Chính sách của cơ quan SHTT: Các điều kiện tiên quyết cần thiết cho chuyển giao bí quyết thành công và thương mại hóa tài sản trí tuệ; Các yếu tố quan trọng của nền tảng chính sách SHTT; Chuyển giao công nghệ dựa trên SHTT: quản trị, quản lý, hoạt động và tài trợ; Các chính sách SHTT cần thiết; Cơ chế thực thi chính sách SHTT; Khuyến khích cho nhà nghiên cứu và nhân viên tổ chức quản lý SHTT; Thảo luận bàn tròn: Hướng đi của dự án Khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Song song với loạt hoạt động thuộc Dự án Khởi tạo, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với một số tập đoàn đa quốc gia trên thế giới xây dựng mô hình trung tâm ĐMST, kết nối trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp để hình thành nên mạng lưới ĐMST và cũng là mạng lưới thúc đẩy SHTT.