“Đây là dự án trồng rừng lớn và đầu tiên ở Việt Nam bởi kinh phí đề xuất 3,2 tỷ USD là con số quá khủng khiếp với một đất nước nghèo như Việt Nam thời đó. Nhiều người nghĩ chắc ông này điên bởi mấy ông khoa học thì hay bị thần kinh, viễn tưởng lắm” - ông cười xòa khi nhớ lại.
Ông Lung cho biết, với 2,45 triệu hécta rừng được trồng mới, dự án đã tạo ra 4,6 triệu lao động nông thôn vùng dân tộc, miền núi. “Tuy chưa đạt mục tiêu ban đầu, nhưng dự án đã có hiệu quả lớn về môi trường, xã hội và kinh tế. Tỷ lệ che phủ rừng của cả nước từ 32% năm 1998 đã tăng lên 39,5% vào cuối năm 2010” - nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói tại hội nghị tổng kết dự án.
Còn với GS Lung, ý nghĩa lớn nhất của dự án này chính là đưa ra ý tưởng xã hội hóa tài nguyên rừng. “Có thể nói, lâm nghiệp là một trong những ngành đầu tiên xã hội hóa tài sản quốc gia. Đến nay, diện tích giao cho tư nhân đã lên tới 2,8 triệu hécta, các lâm trường chỉ còn quản lý 1,4 triệu hécta” - ông vui mừng cho biết.
Dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng còn gọi là dự án 661, do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện bằng Quyết định số 661/QĐ-TT ngày 29/7/1998. Đây là một chương trình kinh tế - xã hội - sinh thái trọng điểm của Nhà nước với mục tiêu trồng mới và bảo vệ diện tích rừng hiện có nhằm nâng độ che phủ của rừng Việt Nam lên mức 43% vào năm 2010, góp phần đảm bảo an ninh môi trường, giảm nhẹ thiên tai, bảo tồn nguồn gene và tính đa dạng sinh học.
Dự án cũng nhằm tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, định canh, định cư, tăng thu nhập cho dân cư sống ở nông thôn và miền núi, ổn định chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, nhất là ở vùng biên giới; đưa lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội miền núi.
Dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng được Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện.