Sự minh định của địa lý của GS Robert D. Kaplan vẽ lên một bức tranh địa chính trị toàn cầu, trong sự biến động không ngừng của những chen lấn, xô đẩy, những toan tính chính trị của các cường quốc lớn, nhỏ.

Đồng thời nêu bật vai trò nền tảng của địa lý trong cuộc đấu tranh bất tận về quyền lực trên toàn thế giới, qua đó đưa ra những gợi ý giúp bạn đọc hiểu được vị thế chính trị của đất nước mình, để ta luôn hành động đúng với logic địa lý và không bị bất ngờ trước những diễn biến của thời cuộc, bình tĩnh đối mặt và xử lý thật khéo léo những diễn biến ấy.

Xuyên suốt cuốn sách là luận điểm: Địa chính trị là sự ảnh hưởng của hoàn cảnh địa lý tới những cuộc đấu tranh của loài người. Hiểu rõ được địa lý của một quốc gia, là người ta có thể biết được tất cả về chính sách đối ngoại của quốc gia đó.


Luận điểm này được tác giả chứng minh trong suốt cuốn sách, bằng những ví dụ vô cùng sống động. Một ví dụ điển hình là Anh và Đức, Anh là một nước biển đảo, còn Đức là một cường quốc ở trung tâm của châu Âu, chỉ có một mặt giáp biển, không có núi che chắn, nên nước Đức hướng Âu rõ rệt và luôn tự thấy mình là trái tim của châu Âu. Trong khi Anh được bảo vệ bởi những đường biên giới biển, với định hướng vươn ra đại dương, và nhờ vậy đã phát triển một hệ thống dân chủ sớm hơn nhiều so với các nước láng giềng và gây dựng mối quan hệ xuyên Thái Bình Dương, đặc biệt với Mỹ.

Một ví dụ khác là châu Phi, có diện tích rộng lớn gấp năm lần châu Âu, nhưng nghèo nàn; bởi vì bờ biển ở đây ít tạo ra những hải cảng tốt, ngoại trừ các hải cảng ở Đông Phi. Sông suối không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, cũng không thể dùng cho giao thông đường thuỷ, vì nhiều ghềnh thác khiến phần nội địa của châu Phi bị cô lập với phần duyên hải ven biển, khó tạo nên một kết nối giao thương.

Sa mạc Sahara rộng lớn cũng là một cản trở lớn cho sự tiếp xúc với các nền văn minh Địa Trung Hải rực rỡ từ thời cổ đại. Thời tiết khắc nghiệt, ít mưa lớn và nhiệt độ cao, khiến vùng này không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Tuy thế, nên nhớ rằng địa lý thông báo nhiều hơn quyết định. Địa lý không đồng nhất với thuyết định mệnh.

Vì tác giả là công dân Mỹ, hẳn nhiên ông sẽ có thiên hướng bênh vực và bảo vệ quyền lực cho nước Mỹ, chứ không tìm kiếm một sự cân bằng chung cho toàn cầu. Tuy vậy, vẫn có thể đánh giá đây là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, tư liệu phong phú, trích dẫn đầy đủ, dày hơn 400 trang, kèm tài liệu tham khảo với nhiều nhận xét mới mẻ và được viết bằng văn phong sáng rõ, sắc sảo, rất đáng để bạn đọc dành thời gian nghiền ngẫm.