Nếu điều trị COVID-19 bằng liệu pháp kháng thể đơn dòng, cần tiêm kháng thể càng sớm càng tốt và không cần dùng liều lượng nhiều như hiện nay, theo kết quả nghiên cứu mới.
Kháng thể đơn dòng là phiên bản nhân tạo của các phân tử miễn dịch tự nhiên. Các phân tử này gắn vào virus và ngăn không cho virus lây nhiễm vào tế bào người. Biến thể Omicron với quá nhiều đột biến đã vô hiệu hóa một số liệu pháp điều trị COVID-19 hiện có, và kháng thể đơn dòng là một trong số rất ít các liệu pháp còn lại.
Một khay chứa thuốc và dụng cụ tiêm kháng thể đơn dòng điều trị COVID-19.
Để tìm ra cách sử dụng tối ưu kháng thể đơn dòng, David Khoury, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học New South Wales và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu từ 37 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng về kháng thể đơn dòng và kháng thể từ máu của bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh. Kết quả cho thấy kháng thể đơn dòng tiêm càng sớm sau khi nhiễm bệnh thì càng có hiệu quả cao.
Nhóm Khoury ước tính điều trị sớm bằng kháng thể đơn dòng có thể giảm nguy cơ nhập viện khoảng 70%. Họ cũng xác định, liều lượng kháng thể đơn dòng cần tiêm có thể thấp hơn từ 7 đến 1.000 lần so với liều đang sử dụng hiện nay mà vẫn đạt được hiệu quả gần như tương tự.
Tuy nhiên, biến thể Omicron làm mất tác dụng của nhiều loại kháng thể đơn dòng. Trong số sáu loại kháng thể đơn dòng trong nghiên cứu, chỉ có hai loại có khả năng duy trì hiệu quả chống lại Omicron là imdevimab và sotrovimab. Nhóm nghiên cứu dự đoán imdevimab sẽ có hiệu quả 60% trong việc ngăn ngừa nhập viện do Omicron, nếu được sử dụng với liều lượng rất cao. Sotrovimab sẽ có hiệu quả 43 hoặc 63% trong việc ngăn ngừa nhập viện, tùy theo người bệnh nhiễm biến thể phụ BA.1 hay BA.2 của Omicron. Các phát hiện này sẽ giúp các nhà thiết kế thuốc tạo ra các kháng thể đơn dòng ít có khả năng bị mất tác dụng hơn khi đối mặt với các biến thể mới, theo Davenport.
Kháng thể đơn dòng mất rất nhiều thời gian chế tạo và rất đắt đỏ, do đó nếu có thể dùng với liều lượng thấp hơn hiện nay thì liệu pháp này sẽ trở nên dễ tiếp cận hơn với nhiều người. Tuy nhiên, các nhà quản lý và các bác sĩ điều trị thường có xu hướng bảo thủ, và tiềm năng cắt giảm liều chưa chắc đã được hiện thực hóa. "Tôi không nghĩ rằng có bác sĩ nào sẽ đọc nghiên cứu này và quyết định cắt liều kháng thể đơn dòng còn 1/3 để điều trị cho 3 bệnh nhân thay vì 1," John Moore, nhà nghiên cứu vắc xin tại Weill Cornell Medicine ở Thành phố New York, cho biết.
Nguồn:
Hoàng Nam tổng hợp