Hiện nay nhân loại đang bước tới giai đoạn hậu COVID, ngày càng nhiều quốc gia, quay trở lại cuộc sống bình thường, nhưng với những người suy giảm miễn dịch hoặc miễn dịch yếu, thì COVID còn lâu mới kết thúc.

Janet Handal từng rất lạc quan khi bà đặt vé máy bay đến Texas đầu năm 2021. Bà cẩn trọng đếm từng ngày cho đến khi có thể đi du lịch an toàn, háo hức gặp lại gia đình sau hơn 18 tháng xa cách.

Nhưng sự lạc quan tan biến khi mẫu máu được lấy một tháng sau tiêm mũi hai cho thấy cơ thể Handal hầu như không tự sinh kháng thể chống lại COVID. Với người đã ghép thận và uống thuốc chống thải sau ghép như bà, hai liều vaccine mRNA không mang lại miễn dịch mạnh giống như hàng chục nghìn người từng tham gia thử nghiệm vaccine.

Với người miễn dịch yếu, vaccine không đủ cung cấp khả năng bảo vệ và được khuyến cáo sử dụng kháng thể đơn dòng. Ảnh: Science

Handal nằm trong số hàng chục triệu người, mới chỉ tính riêng ở Mỹ, có hệ miễn dịch yếu hoặc suy giảm miễn dịch. Không giống những người khác, cơ thể của họ tạo phản ứng miễn dịch yếu hơn nhiều với một số loại vaccine.

Khi các công ty dược phẩm thử nghiệm vaccine COVID vào năm 2020 và 2021, họ đã loại trừ những người bị suy giảm miễn dịch, không tiến hành các thử nghiệm lâm sàng riêng biệt.

Tại sao vaccine kém hiệu quả trên nguời miễn dịch yếu?

Khi cơ thể chúng ta nhận được một mũi vaccine COVID, hệ miễn dịch bắt đầu hoạt động. Nó kích thích sản xuất các kháng thể có thể gắn vào virus và ngăn chúng xâm nhiễm các tế bào. Nó cũng kích hoạt các tế bào miễn dịch đặc biệt gọi là tế bào T, cũng như dạy các tế bào “ghi nhớ” cách phản ứng với tình trạng nhiễm COVID.

Đối với những người bị suy giảm miễn dịch, các phản ứng này yếu hơn. Họ là những bệnh nhân mắc bệnh tự miễn đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh nhân ghép tạng, ung thư, nhiễm HIV và các bệnh khác.

Khi một bệnh nhân được ghép tạng từ người khác, hệ thống miễn dịch của họ sẽ nhận dạng và cố gắng tấn công tạng ngoại lai. Để ngăn chặn cuộc tấn công này, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc ức chế miễn dịch. “Đó là một sự cân bằng mong manh, giữa bảo tồn một số cơ chế miễn dịch và ức chế hệ miễn dịch vừa đủ để không gây hại”, bác sĩ phẫu thuật ghép tạng Dorrow Segev tại Đại học Johns Hopkins cho biết. “Nhưng thuốc cũng làm giảm khả năng đáp ứng với vaccine”.

Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng 2 mũi vaccine mRNA hoàn toàn không đủ đối với người bị suy giảm miễn dịch, đặc biệt là người được ghép thận. Một nghiên cứu được công bố hồi tháng 5/2021 cho thấy 46% trong tổng số 658 người được ghép thận, phổi, gan và tim tại Hoa Kỳ không tạo được phản ứng miễn dịch sau khi nhận 1 hoặc 2 liều vaccine mRNA. So với người bình thường, bệnh nhân ghép tạng sau tiêm 2 liều vaccine vẫn có nguy cơ nhiễm đột phá cao hơn 82 lần, nguy cơ nhập viện và tử vong cao hơn 485 lần.

Sau mũi tiêm thứ 3, 77 trong tổng số 197 người đã tạo được kháng thể với SARS-CoV-2, điều họ không thể nhờ 2 liều vaccine cơ bản trước đó. Trong một nghiên cứu khác, 26 trong số 60 người được ghép tạng sau mũi vaccine thứ 3 đã tạo được kháng thể tương đương với người khỏe mạnh sau 2 liều cơ bản.

Nghiên cứu cũng cho thấy, với một số người suy giảm miễn dịch lớn tuổi hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã dùng liều cao các thuốc này, mũi vaccine thứ 3 hoặc 4 cũng chỉ đem lại hiệu quả hạn chế.

Và câu chuyện ngày càng phức tạp hơn – các nhà chuyên môn không chắc liệu kháng thể có đủ để chống lại Omicron và các biến thể mới có thể xuất hiện sau này.

Tiêm quá nhiều vaccine có giải quyết vấn đề?

Bác sĩ Segev đã đo nồng độ kháng thể trong máu sau tiêm vaccine cho những người được ghép tạng, trong đó có Handal. Xét nghiệm cho thấy có sự gia tăng kháng thể sau liều bổ sung vào tháng 04/2021, nhưng vẫn yếu hơn so với người có hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Vì vậy, đến tháng 10/2021, tức sáu tháng sau mũi 3, Handal được tiêm mũi 4. Một số bệnh nhân vẫn không đáp ứng miễn dịch đủ mạnh và cần tiêm mũi 5. Trong một nghiên cứu gần đây, ông đã ghi nhân sự gia tăng kháng thể sau mũi 5 ở một số bệnh nhân không đáp ứng miễn dịch đầy đủ với 4 mũi tiêm. Segev kết luận rằng cần tiêm từ 2 đến 5 mũi vaccine, tùy đối tượng.

Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, quá nhiều liều vaccine giống nhau có thể gây ra vấn đề về dung nạp, nghĩa là phản ứng miễn dịch kém. “Cơ thể nhận ra mũi vaccine tiếp theo là người quen cũ và tỏ ra thờ ơ”. Và việc cần tiêm thêm một vài liều vaccine bổ sung là điều khó chấp nhận với các bệnh nhân, khi mà không có trong khuyến cáo của các cơ quan quản lý y tế là CDC và FDA.

Đó là quyết định ngoài khuôn khổ mà Segev phải đưa ra trên cương vị bác sĩ, sao cho có lợi nhất cho bệnh nhân của ông, [bất chấp tiềm ẩn rủi ro pháp lý và sự nghiệp].

Các thử nghiệm lâm sàng thắp lên hy vọng

Các nhà khoa học đang nghiên cứu các phương pháp thay thế để tăng cường đáp ứng miễn dịch cho bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch. Ví dụ, Segev đang dẫn đầu một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên trên các bệnh nhân được ghép thận và gan không tạo được kháng thể sau 2, hoặc 3, hoặc 4 liều vaccine mRNA và tiêm cho họ thêm 1 liều vaccine bổ sung. Ông cũng giảm liều thuốc ức chế miễn dịch của họ một tuần trước và hai tuần sau tiêm để xem sự điều chỉnh như vậy có cải thiện đáp ứng miễn dịch hay không, tương tự những gì từng được quan sát trên các bệnh nhân mắc bệnh tự miễn.

Một nhóm nghiên cứu của Aileen Wang tại Trung tâm Ghép tạng thuộc Đại học UC Davis đang thử nghiệm lâm sàng tương tự trên bệnh nhân ghép thận không đáp ứng đủ mạnh với 2 hoặc 3 liều vaccine mRNA. Trước và sau tiêm mũi bổ sung, bà dự định giảm nửa liều lượng thuốc ức chế miễn dịch mycophenolate, loại thuốc ngăn cơ thể người nhận từ chối tạng cấy ghép.

Tình nguyện viên cũng như nghiên cứu viên của các nghiên cứu này sẽ phải chờ đợi ít nhất ba tháng nữa, để tìm hiểu phương pháp tiếp cận của Segev, Wang và các đồng nghiệp của họ có thành công hay không.

Trong khi đó, COVID vẫn tiếp tục là nguy cơ nghiêm trọng đối với nhiều người bị suy giảm miễn dịch. Họ đang rất khó tiếp cận thuốc Evusheld, loại kháng thể đơn dòng được chấp thuận trong dự phòng COVID cho đối tượng không thể tiêm vaccine COVID do dị ứng nghiệm trọng hoặc đối tượng suy giảm miễn dịch. Thuốc cần được tiêm bắp một lần mỗi sáu tháng trong thời kỳ dịch bệnh lưu hành, trong khi nguồn cung đang cực kỳ thiếu thốn. Éo le hơn nữa, FDA đã xem xét tăng liều khởi đầu Evusheld lên mức cao hơn trong bối cảnh biến thể Omicron đang thống trị.

Nguồn: nationalgeographic