Sự xuất hiện khuynh hướng tự truyện tiểu thuyết, như TS Đỗ Hải Ninh phân tích trong chuyên khảo “Tiểu thuyết có yếu tố tự truyện trong văn học Việt Nam đương đại” (2020), chỉ bắt đầu trỗi lên mạnh mẽ và gây chú ý trên văn đàn vào giai đoạn Đổi mới.

Đối diện và tự bộc bạch về bản thân, trong nỗ lực viết của văn giới Việt Nam, chưa bao giờ là một công việc dễ dàng. Và thay vì có thể nói thẳng thừng, tự thú, tự kể mọi điều về con người cá nhân mình, một cách lí tưởng và phần nào lắt léo hơn, họ sẽ tìm đến tiểu thuyết, nơi câu chuyện đã được đẩy đưa và dần lệch sang bờ hư cấu, thêm bớt.

Một nơi mờ nhòe ranh giới thể loại, đáng kể thay, lại cho phép độc giả nhìn thấy rất nhiều mảnh ghép đời tư tác giả, và nhất là, nhận ra trạng thái dao động tựa con lắc đơn, giữa công khai và che giấu sự thật của nhà văn Việt Nam trong điều kiện không phải ai cũng cộng cảm với tất thảy sự thành thực, chân xác.


Nhưng theo TS Đỗ Hải Ninh (Viện Văn học) thì lựa chọn tiểu thuyết để gài cắm các yếu tố tự truyện, thực ra không xuất phát từ mục đích khu trú vào sự an toàn. Bởi sự “hôn phối thể loại” giữa tự truyện (autobiography) và tiểu thuyết (novel), trong tính cách khăng khít cao nhất, đòi hỏi nhà văn phải tính toán, điều chỉnh sao cho sáng tạo, nhuần nhuyễn, tinh tế. Trong khi tự truyện cho phép tác giả “tự viết về mình” thì tiểu thuyết hướng đến tính chất hư cấu, li kì, mới lạ, vì thế, nếu không có những kĩ thuật, bút pháp tự sự cao tay thì tác phẩm dễ trở thành một văn bản mắc kẹt giữa những níu kéo tự thuật và mong muốn đẩy xa, mở rộng phạm vi kể chuyện.

Theo Đỗ Hải Ninh, việc nhà văn sử dụng chất liệu tự truyện trong tiểu thuyết, “thực chất vẫn là sáng tạo tác phẩm hư cấu” nên họ có thể “tiểu thuyết hóa câu chuyện đời mình” với độ song trùng chặt chẽ giữa tiểu sử và nhân vật, cốt truyện hoặc có thể “tiểu thuyết hóa một số chi tiết tiểu sử và những trải nghiệm” để hình bóng tác giả đan cài với những hư cấu, tưởng tượng. Hai cách thức này, nhìn chung, chưa phải là khuôn mẫu nhất song khá phổ biến và đang được thử nghiệm theo nhiều biến thể khác nhau.

Sự xuất hiện khuynh hướng tự truyện tiểu thuyết, đúng như TS. Đỗ Hải Ninh phân tích, chỉ bắt đầu trỗi lên mạnh mẽ và gây chú ý trên văn đàn vào giai đoạn Đổi mới. Ở thời điểm đó, cùng với những chuyển biến lớn về đời sống chính trị, kinh tế và văn hóa, thì tư duy sáng tạo văn chương đã trở nên gai góc, phức tạp hơn. Những công thức viết văn theo chủ trương, đường lối văn nghệ dần nhường chỗ cho những phiêu lưu, khám phá, thử nghiệm lối viết cũng như cách biểu đạt góc nhìn, quan điểm của nhà văn. Đặc biệt, “sự giải tỏa ý thức cá nhân sau thời gian bị kìm nén” đã khiến văn giới thêm phần tự tin bày biện, thể hiện con người đời tư, cái tôi của mình trên trang viết.

Một lí do quan trọng khác theo nhìn nhận của Đỗ Hải Ninh mà tôi cho là rất đáng lưu tâm: nhiều tác giả bỏ qua hồi kí, nhật kí hay tự truyện mà lựa chọn tiểu thuyết, truyện ngắn để chuyển hóa những kí ức, tự sự về một chấn thương nào đó. “Vết thương chiến tranh - Đỗ Hải Ninh bình luận, và những biến cổ ‘long trời lở đất’ trong đời sống xã hội Việt Nam đã được hàn gắn nhưng vết thương trong tâm hồn con người thì vẫn còn lại những dư chấn mạnh mẽ”. Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, Chuyện kể năm 2000, Ba người khác,..., theo tác giả chuyên khảo, “chính là sự kiếm tìm lời đồng vọng từ quá khứ đau thương”.

Dĩ nhiên, vì mang hình thức tiểu thuyết, vấn đề “nguyên mẫu” và “nhân vật”, vấn đề “câu chuyện cuộc đời” và “cốt truyện tiểu thuyết” sẽ phải có những khúc xạ, vênh lệch để câu chuyện kể ra không bị đơn tuyến, sa đà hồi ức thuần túy. Hành trình nới lỏng, phát hiện, thậm chí ngụy tạo bản thân, cái tôi cá nhân trong tiểu thuyết, ngay cả khi nhà văn tỏ ra thành thực nhất, vẫn là hành trình nhiều sức hút mời gọi. Do vậy, hầu hết các tiểu thuyết có yếu tố tự truyện như Thời xa vắng, Thượng đế thì cười, Mùa lá rụng trong vườn, Một mình một ngựa, Tiền định, Chuyện của thiên tài, Chuyện lan man đầu thế kỉ,... đều có một đích ngắm rộng hơn về bối cảnh thời đại, về tâm thế, số phận của thế hệ. Tôi nghĩ, hiện tượng tiểu thuyết có yếu tố tự truyện sở dĩ vẫn đang tạo sức hút là nhờ chính sự đan xen, xâm lấn của thể loại, nơi mà các đường biên thể loại chỉ có ý nghĩa tương đối để nhà văn thiết lập cách viết của mình. Văn chương nghệ thuật ngày nay, trong chiều hướng tìm kiếm thể loại, dường như đang rời bỏ thái độ cứng nhắc, xác tín tuyệt đối về một thể loại cụ thể, duy nhất.

Tiếp nhận tiểu thuyết có yếu tố tự truyện, thường xuyên, đặt người đọc vào tâm thế tò mò, phỏng đoán hoặc đối chiếu với các chi tiết tiểu sử đời thực của nhà văn. Cho dù cái tôi, cuộc đời nhà văn đã được che đậy dưới nhiều lớp vỏ kĩ thuật kể chuyện thì mỗi một chi tiết thoáng qua vẫn có thể làm một tín hiệu cho người đọc nhận biết đời tư nhà văn. Có lẽ lường trước được thói quen đọc chưa hẳn đã tỉnh táo này nên trong chuyên khảo, Đỗ Hải Ninh đã sử dụng lí thuyết thi pháp học, tự sự học để diễn giải các “chiến lược tự sự và phương thức trần thuật” nhằm giúp độc giả hiểu rõ những phạm vi, giới hạn của việc qui chiếu, liên tưởng giữa văn chương và cuộc đời.

Trên thực tế, nhiều tiểu thuyết-tự truyện đã gây ra không ít phản ứng, tranh cãi ngoài văn chương vì điểm nhìn của người đọc bị đóng khung trong thao tác truy tìm các “sự thật” liên quan đến tác giả, nhân vật, tình tiết. Rõ ràng, không thể đọc tiểu thuyết có yếu tố tự truyện như đọc bản sơ yếu lí lịch dài trang, mà phải đọc chúng như những sáng tạo nghệ thuật viết. Chính từ đây, cách hiểu về “sự thật” trong tiểu thuyết-tự truyện cũng phải thay đổi. Với người viết, “sự thật” đôi khi là “sự thật tâm hồn, là tiếng vọng của thời đại lắng lại trong cảm nhận cá nhân”. Với người đọc, đến lượt mình đối diện với “sự thật” được phơi mở trong tác phẩm, phải giữ được cự li phân biệt, nhận diện khách quan, thấu đáo nhất. Nếu không đạt được trạng thái này, việc đọc tiểu thuyết-tự truyện, vô tình, biến thành cuộc truy vết những sự thật mà chúng ta tin rằng nhà văn đã cam kết truyền tải.

Với không ít nhà văn, bởi kinh nghiệm viết lách đã được trui rèn trong một môi trường văn hóa văn chương ngần ngại nói thẳng nói thật, đã khôn khéo mượn hình thức tiểu thuyết để bao trọn nhiều chất liệu tự thú, tự kể vốn dĩ thuộc về tự truyện. Quả thực, như Đỗ Hải Ninh nhấn mạnh, đó là một “thử thách đối với người viết và chỉ những ai giàu trải nghiệm, giàu bản lĩnh, bút lực dồi dào mới có thể vượt qua thử thách ấy”.

Gần đây, văn đàn Việt Nam chứng kiến không ít những cuốn tự truyện làm phật lòng người trong cuộc và công chúng mà nguyên nhân cốt yếu vẫn do những “sự thật” được bạch hóa quá mức chịu đựng và thể tất. Như thế, liều lượng và cách xỉ lí “sự thật” không những đang ám ảnh giới cầm bút mà còn chi phối, dẫn dắt cảm xúc, suy nghĩ của người đọc. Khi chưa thể giải thoát, hoặc ít nhất, chưa vượt qua những lấn cấn về “sự thật”, tự truyện sẽ lại tìm đến tiểu thuyết để chờ đợi một nương tựa an toàn hơn. Và do đó, tôi tin, như dự đoán của Đỗ Hải Ninh, “tiểu thuyết có yếu tố tự truyện là một cánh cửa mở ra nhiều hứa hẹn phía trước cho cả giới sáng tác và người tiếp nhận”.