Đây cũng là cuốn sách được tựu thành từ kết quả của nghiên cứu so sánh về Flaubert mà tác giả tiến hành và trình bày tại Đại học Paris-Diderot (Pháp).
Trên cơ sở đối chiếu các bản dịch tiếng Việt tiểu thuyết Bà Bovary của nhà văn Pháp Gustave Flaubert - hai bản dịch của NXB Văn học năm 1978 và một bản phóng tác tại Miền Nam trước năm 1975 - với nhau và đối chiếu các bản dịch này với văn bản tiếng Pháp, cuốn sách khẳng định dịch thuật “như là một sự viết lại, một sự tái diễn giải” (tr.20).
Dù đối tượng nghiên cứu là các văn bản tiếng Việt trong bối cảnh văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử Việt Nam liên quan đến các văn bản đó, nhưng công trình này có độc giả quốc tế tiềm tàng khi tác giả ý thức rõ về mục tiêu các phân tích của mình là hướng tới những vấn đề mang tính lí thuyết - hoặc bổ sung, hoặc chứng minh, và hoặc đối thoại với những quan điểm về dịch thuật đang thống trị nền học thuật phương Tây như quan điểm tái diễn giải trong hành vi dịch (của Walter Benjamin, Yourie Lotman), “hành vi thông tin giữa cái tôi (ego) và kẻ khác” của kinh nghiệm thẩm mĩ (của H.-R Jauss, Charles Moran, hay Jean-Pierre). Đây còn là công trình mang tính liên ngành, hướng tới không chỉ độc giả của ngành nghiên cứu văn học mà còn các ngành khoa học xã hội và nhân văn khác như lịch sử và ngôn ngữ học.
Điều thú vị nhất, với luận điểm “Kinh nghiệm thẩm mĩ dịch”, cuốn sách dường như ngầm đề xuất một cách hóa giải đối với sự đánh giá đúng/sai, tốt/xấu vốn đang thống trị trong cái nhìn đối với bản dịch và người dịch. Theo đó, mỗi văn bản đều có những tiềm năng sẽ được phát lộ và phát triển khi có sự can thiệp của kinh nghiệm thẩm mĩ đặc thù của dịch giả, người có những lựa chọn riêng về từ ngữ, cú pháp, thẩm mĩ cũng như xã hội học trong việc biểu hiện sự tiếp nhận và diễn giải của mình. Kết quả là, mỗi cách dịch là một sự diễn giải “riêng phần” của người dịch, là một khía cạnh trong tính đa nghĩa-đa diện của tác phẩm được dịch. Không có bản dịch nào là toàn thể và toàn trị; mọi bản dịch đều là hiện thân của cái khả năng tiềm ẩn của một tác phẩm.
Đặc biệt, những luận bàn của cuốn sách về sự dịch như là một “kẻ khác” trong nền văn hóa nhận gợi nhắc độc giả đến chiến lược phản kháng của văn hóa nhược tiểu với văn hóa thống trị trong lí thuyết hậu thuộc địa. Ở bản dịch luôn tồn tại sự “dịch sai” so với bản gốc và sự “xa lạ”, sự “lệch chuẩn” về ngôn từ và cách nghĩ so với cách viết, cách nghĩ thống trị, đã được thiết lập trong nền văn hóa bản địa.
Sự “sai” và sự “lệch chuẩn” này va chạm với các chuẩn mực của văn hóa bản địa. Nhưng theo lập luận của các nhà lí thuyết hậu thuộc địa, chúng lại là một hình thức “phản kháng” ngầm đối với văn hóa thống trị, làm phát lộ những giá trị, những khả năng cũng như những vấn đề trong các chuẩn mực, các điển phạm của nền văn hóa đó. Chúng cũng có khả năng phát lộ và bù đắp vào những thiếu hụt, hạn chế, hay khoảng trống của nền văn hóa đó. Theo cách hiểu như vậy, người dịch đóng vai trò như những anh hùng văn hóa khi họ “phá vỡ chính những quy tắc của mình và xã hội từng được thiết lập” (tr. 318) để làm mới, làm khác nền văn hóa bản địa.