Lịch sử huy chương Fields bắt đầu từ Đại hội toán học thế giới (Đại hội) năm 1924 tại Toronto.

Cho đến cuối thế kỷ 19, cộng đồng Toán học trên thế giới làm việc riêng rẽ, từng nhóm với nhau hoặc từng quốc gia với nhau, chưa có một cuộc đại hội nào ở quy mô toàn cầu. Lần đầu tiên, vào năm 1897, 208 nhà Toán học từ 16 nước khác nhau tụ họp tại Zürich, Thụy Sĩ. Đó là Đại hội các nhà Toán học lần thứ nhất (The International Congress of Mathematicians - ICM). Họ cũng thống nhất với nhau là Đại hội lần thứ hai diễn ra tại Paris (Pháp) vào năm 1900, và kể từ đó cứ 4 năm một lần Đại hội lại được tổ chức ở một địa điểm nào đó được thỏa thuận trước.

Theo quyết định của Đại hội lần thứ 6 năm 1920 họp tại Strasbourg (Pháp) thì Đại hội lần thứ 7 năm 1924 sẽ diễn ra tại Toronto (Canada). Một ủy ban chuẩn bị cho Đại hội được thành lập vào tháng 11 năm 1923, trụ sở đặt tại Đại Học Toronto, chủ tịch ủy ban do giáo sư John Charles Fields và thư ký là giáo sư John Synge, một đồng nghiệp của ông, đảm nhiệm.
Lịch sử huy chương Fields bắt đầu từ Đại hội toán học thế giới (Đại hội) năm 1924 tại Toronto. Trong khi tiến hành chuẩn bị Đại hội, Fields đã có ý định thiết lập một phần thưởng trao tặng cho một hoặc hai nhà Toán học xuất sắc nào đó, nhưng lúc đó ông chưa có điều kiện thực hiện. Cho tới cuộc họp ban trù bị năm 1931 chuẩn bị cho Đại Hội năm 1932 tổ chức lại Zürich – mà Fields tiếp tục là thành viên thì ông mới chính thức đưa ra ý kiến này. Trích báo cáo của ủy ban trù bị về ý kiến của Fields: “Sau Đại Hội 1924 đến nay, tổng kết số tiền còn lại là 2500 USD. Số tiền này sẽ được dành riêng để làm hai huy chương bằng vàng và phần thưởng trao tặng trong kỳ Đại Hội kế tiếp vào 1936. Một ủy ban do Đại Hội này bổ nhiệm sẽ chọn lựa ra người đoạt giải.” Fields cũng cho biết là các hội Toán học Pháp, Đức, Ý, Thụy Sĩ, và Mỹ hoàn toàn ủng hộ ý kiến này.

Trong biên bản Đại hội năm 1932 có ghi lại một số nguyên tắc chính cho giải thưởng do Fields đề nghị, trong đó có ý quan trọng sau đây: “Người được trao tặng huy chương không được quá 40 tuổi.” Bởi vì lý do mà ông đưa ra là: “Trong khi chúng ta công nhận công trình xuất sắc của người được giải, thì cùng một lúc chúng ta khuyến khích anh ấy và những người trẻ tuổi tiếp tục nỗ lực làm việc cho những thành tựu khác trong tương lai.” Ông cũng nói thêm: “Huy chương này có giá trị quốc tế, không gắn theo nó một ý nghĩa cá nhân hoặc một quốc gia dân tộc nào cả.”

Tiếc thay, Fields đã qua đời vào tháng 5 năm 1932 trước khi nhìn thấy ý định của mình được Đại hội nhóm họp vào tháng 8 năm ấy thông qua. Phần thưởng cao quý này có tên chính thức là Huy chương Quốc tế dành thưởng cho những khám phá xuất sắc của Toán học (International Medal for Outstanding Discoveries in Mathematics), nhưng để ghi nhớ công sức của Fields trong quá trình hình thành giải thưởng này nên giải thường được gọi tắt là Huy chương Fields.

Cuối Đại hội năm 1932, một ủy ban được thành lập, có nhiệm vụ tìm và chọn người sẽ được trao Huy chương Fields trong kỳ Đại Hội kế tiếp (sẽ tổ chức vào năm 1936 tại Oslo, Na-uy). Ủy ban này gồm các nhà Toán học tài giỏi và uy tín nhất thời ấy:

1. George David Birkhoff (1884 – 1944), người Mỹ.
2. Constantin Carathéodory (1873 – 1950), người Hy Lạp.
3. Élie Cartan (1869 – 1951), người Pháp.
4. Francesco Severi (1879 – 1961), người Ý.
5. Teiji Takagi (1875 – 1960), người Nhật.

Theo quy định, Huy chương Fields làm bằng vàng 14, có đường kính 63.5 mm. Huy chương được điêu khắc gia Robert Tait McKenzie người Canada thiết kế. Do giải thưởng có giá trị quốc tế nên các câu chữ ghi trên hai mặt huy chương được viết bằng tiếng La Tinh. Mặt trước có hình Archimedes (APXIMHΔOY∑) và có ghi:

Mặt trước của Huy chương
Mặt trước của Huy chương

Mặt sau của Huy chương
Mặt sau của Huy chương

TRANSIRE SVVM PECTVS MVNDOQVE POTIRI
(Vượt qua sự hiểu biết của anh và anh sẽ chế ngự được vũ trụ)

Mặt sau ghi:

CONGREGATI EX TOTO ORBE MATHEMATICI OB SCRITPTA INSIGNIA TRIBVERE
(Nhà Toán học được thế giới tặng thưởng huy chương này vì những công trình xuất sắc)

Chìm trong mặt sau là cành hoa nguyệt quế (tượng trưng cho vinh quang chiến thắng) và hình trụ ngoại tiếp hình cầu (hình ưa thích của Archimedes và được xem là biểu tượng của nhà Toán học này).
Giá thành của mỗi chiếc huy chương là 5.500 USD. Phần thưởng tiền mặt dành cho mỗi người là 15.000 USD. (Tính theo thời giá năm 2014)

John Charles Fields (1863 – 1932), nhà Toán học Canada, người sáng lập giải thưởng Fields.
John Charles Fields (1863 – 1932), nhà Toán học Canada, người sáng lập giải thưởng Fields.

Nhà toán học John Fields sinh ra ở thành phố Hamilton, Ontario, Canada, năm 1863. Cha của ông có một cửa hàng bán da thú ở đường King và gia đình ông sống ở gần đó (nay khu này là một phần thuộc Jackson Square và một phần khác thuộc khu vực khách sạn Ramanda). Sau khi tốt nghiệp Đại học Toronto năm 1884, ông chuyển đến học Cao học tại Đại hoc Johns Hopkins, một trường danh tiếng của Mỹ, trưởng khoa Toán thời ấy do J.J. Sylvester, một nhà Toán học nổi tiếng, đảm nhiệm.

Ông tốt nghiệp Ph.D. năm 1887 và ở lại giảng dạy tại đây trong 2 năm trước khi chuyển sang Đại học Allegheny, Pennsylvania. Không thỏa mãn với nền Toán học Bắc Mỹ thời ấy, năm 1891 ông sang sống và làm việc hơn 10 năm tại Châu Âu, chủ yếu là ở GÖttingen và Paris. Ở đây ông chịu ảnh hưởng sâu đậm về phong cách làm việc và nghiên cứu của một số nhà Toán học Châu Âu thời ấy như Klein, Frobenius, Weierstrass,…Trong 10 năm này ông đã công bố nhiều bài báo trong lãnh vực hàm-đại số và kết bạn với nhà Toán học nổi tiếng người Thụy Điển Gosta Mittag-Leffler. Năm 1902, Fields trở về Canada, giảng dạy tại Đại học Toronto, và công tác ở đó cho đến hết đời. Ông được giải thưởng Hoàng gia Canada (Royal Society of Canada) năm 1909 và giải thưởng Hoàng gia Anh (Royal Society of London) năm 1913.

Fields hoạt động không mệt mỏi trong việc quảng bá Toán học. Ông vận động thành phố Toronto và chính quyền Canada tài trợ cho Quỹ nghiên cứu khoa học của Đại học Toronto. Số tiền hàng năm đem về cho trường khoảng 75.000 USD, một con số rất có ý nghĩa (so với lương của một giáo sư khi ấy là 1.000 USD/ năm). Ông cũng vận động thành lập được Hội đồng Quốc gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật Canada. Ông giữ chức Chủ tịch Viện Nghiên cứu Hoàng gia Canada (Royal Canada Institute) từ năm 1919 đến năm 1925. Trong thời gian này, ông đã xây dựng cơ quan này trở thành một cơ quan quản lý nghiên cứu và phát triển Khoa học kỹ thuật. Nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới được ông mời về đây thuyết trình những đề tài mới nhất, thúc đẩy sự phát triển khoa học cho đất nước ông.