Với mong muốn truyền cảm hứng về vẻ đẹp của khoa học và sự thú vị của nghề nghiên cứu, Trường hè Khoa học Việt Nam đã song hành với nhiều bạn trẻ yêu khoa học suốt 5 năm qua, kể từ ngày khóa học đầu tiên được tổ chức tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội.

Trong số gần 1.000 cựu học viên Trường hè, hiện nay nhiều người đang tiếp tục theo đuổi nghiên cứu ở các nước phát triển như Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Ý, Bỉ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.

Vì sao Trường hè?

Thực tế cho thấy, giới trẻ Việt Nam có năng lực không hề thua kém bạn bè thế giới khi được đặt vào cùng một môi trường ganh đua trong lĩnh vực đòi hỏi trí tuệ và nỗ lực: khoa học. Nhưng khi được hỏi về lựa chọn nào cho nghề nghiệp tương lai, phần đông các bạn trẻ mà chúng tôi khảo sát đều không xác định theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học lâu dài.

Chúng tôi tổng kết được ba nguyên nhân. Đầu tiên, đó là công tác nghiên cứu khoa học chưa được quan tâm đúng mức và triển khai nghiêm túc, khiến các em hiểu sai về làm khoa học. Thứ hai, công tác đào tạo bậc đại học còn xơ cứng, đối nghịch với những thay đổi nhanh chóng ở đại học các nước khác, khiến các em không có nhiều hứng thú với học tập và nghiên cứu bậc cao. Cuối cùng, không thể không nhắc đến thực tế là trong xã hội Việt Nam hiện nay, với nhiều người, giá trị vật chất vẫn hấp dẫn hơn những giá trị lâu dài. Trong khi đó, đãi ngộ dành cho nhà khoa học ở Việt Nam được cho là thấp.

Khi nghề nghiên cứu không thu hút được các bạn trẻ tài năng và đam mê, đó là nguy cơ cho sự phát triển bền vững của khoa học, nền tảng của những đổi mới sáng tạo giúp thúc đẩy quốc gia phát triển. Một trong những giải pháp chiến lược lâu dài là trang bị cho các bạn trẻ những hành trang cơ bản về khoa học, về tư duy phương pháp luận cùng những kỹ năng cần thiết, để từ đó, những người yêu thích có thể mạnh dạn dấn thân theo đuổi nghề nghiên cứu.

Trường hè Khoa học 2014 do trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, đăng cai tổ chức. Ảnh: VSSS

Dưới tinh thần ấy, Trường hè được thành lập nhằm giúp các bạn trẻ hiểu hơn và có thêm động lực theo đuổi con đường nghiên cứu trong tương lai. Nội dung đào tạo là những kiến thức cơ bản về lịch sử, tư duy khoa học, một số kỹ năng cơ bản cần có của nghề nghiên cứu, cách tiếp cận các nguồn tài nguyên khoa học và cơ hội du học, và quan trọng hơn cả là mục tiêu truyền cảm hứng.

Chương trình giảng dạy tại Trường hè được thiết kế phù hợp cho những người bắt đầu theo đuổi con đường nghiên cứu và học thuật: giảng viên đại học trẻ mới vào nghề, sinh viên sau đại học (thạc sĩ, nghiên cứu sinh) và sinh viên đại học đang bắt đầu định hướng con đường nghiên cứu, hoặc học sinh phổ thông đang khát khao tìm hiểu khoa học. Nội dung giảng dạy bao gồm cả các kiến thức thuộc khối khoa học kỹ thuật và khối xã hội, kinh tế.

Trường hè 2018: Cạnh tranh về nội dung và phong cách giảng dạy

Những năm đầu, Trường hè đều được tổ chức ở Hà Nội với sự ủng hộ và hỗ trợ đáng quý của Đại học Quốc gia Hà Nội. Kể từ năm 2016, Trường hè trở thành một hoạt động thường niên của Quỹ Gặp gỡ Việt Nam, một tổ chức phi lợi nhuận do vợ chồng GS Jean Trần Thanh Vân gây dựng. Năm 2017, Trường hè lần đầu được tổ chức ở thành phố biển Quy Nhơn xinh đẹp, nơi trường nhận được sự ủng hộ tối đa của tỉnh, thành phố và trường đại học khu vực. Năm nay, trường còn có sự tham gia tổ chức của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) và Học viện Sáng tạo S3.

Trường hè lần thứ 6, có tên gọi “Chân trời say mê”, sẽ diễn ra trong ba ngày 23, 24 và 25 tháng 7 với nhiều nét mới lạ so với những năm trước: Có sự tham gia của nhiều giảng viên nhất và 1/3 trong số đó đã bay về từ Anh, Mỹ, Úc, Hồng Kông và Kazakhstan; các bài giảng được tổ chức theo các phiên song song để đáp ứng được số bài giảng tăng lên gấp đôi, đồng nghĩa với việc các giảng viên sẽ phải “cạnh tranh” về nội dung và phong cách để thu hút các em đến nghe bài giảng của mình; nhiều nội dung mới được đưa vào như: kiến thức về ung thư, phụ nữ làm khoa học, đổi mới giáo dục đại học, đào tạo STEM trước ngưỡng cửa cách mạng công nghiệp 4.0 , hay ứng xử ra sao với thất bại trên con đường nghiên cứu... hứa hẹn sự hấp dẫn của khóa học.

Theo hướng tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, Trường hè 2018 được thiết kế theo hình thức một hội thảo khoa học. Các bài giảng toàn thể (plenary lectures) dành cho tất cả các đối tượng sẽ cung cấp nền tảng khoa học và kỹ năng nghiên cứu mà nhà nghiên cứu nào cũng cần có. Trong khi đó, các bài giảng chuyên sâu sẽ diễn ra tại các tiểu ban, được tổ chức song song với nhau, cho phép học viên lựa chọn và tập trung vào chủ đề mình quan tâm. Tổng cộng trường hè sẽ có 8 bài giảng phiên toàn thể và 13 bài giảng song song.

Những bạn trẻ muốn tham gia Trường hè cần nộp trực tuyến CV và thư ứng tuyển cho Ban Chương trình để được chấm điểm. Ứng viên được chọn sẽ nhận được thư mời chính thức thông qua e-mail.

Dưới sự tài trợ của Quỹ Gặp gỡ Việt Nam, Trường hè sẽ hỗ trợ một phần chi phí đi lại cho 30 học viên xuất sắc có hoàn cảnh khó khăn từ các địa phương xa tham dự. Ngoài ra, 30 học viên của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng được Câu lạc bộ Nhà khoa học của trường hỗ trợ một phần chi phí tương tự. Toàn bộ 120 học viên chính thức được hỗ trợ chỗ ở trong bốn đêm tham gia Trường hè cùng với các suất ăn trưa trong thời gian diễn ra lớp học.

Thông tin chi tiết về trường hè như chương trình, hồ sơ giảng viên, địa điểm học, cũng như cách thức nộp hồ sơ đều được cập nhật trên website http://www.truonghekhoahoc.com và mạng xã hội https://facebook.com/truonghekhoahocvietnam/.

Trường hè Khoa học Việt Nam là sáng kiến của ba nhà nghiên cứu: Ngô Đức Thế, Lưu Quang Hưng và Giáp Văn Dương trong thời gian cùng làm việc chung tại Đại học Quốc gia Singapore. Họ kỳ vọng truyền cảm hứng để Việt Nam ngày càng có nhiều bạn trẻ theo đuổi con đường khoa học.

Trường hè được điều hành thông qua Hội đồng quản trị, hoạt động không nhận lương, đứng đầu bởi TS Nguyễn Ngọc Anh và được cố vấn bởi GS Jean Trần Thanh Vân. Các thành viên khác của Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2017-2019 bao gồm các tiến sĩ: Ngô Đức Thế, Giáp Văn Dương, Lưu Quang Hưng, Đặng Văn Sơn, Nguyễn Tô Lan và Nguyễn Đức Dũng.