Nhờ có độ tương phản cao và độc tính thấp, chất tương phản này có thể được ứng dụng trong chụp ảnh cộng hưởng từ MRI
Là những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được sử dụng phổ biến nhất hiện nay trong y học, chụp cộng hưởng từ hạt nhân và chụp cắt lớp vi tính MRI lại có hạn chế chính là độ nhạy tương đối thấp, do đó trong nhiều trường hợp đòi hỏi sử dụng sự hỗ trợ của các chất tương phản để tăng chất lượng hình ảnh.
Đối với phương pháp chụp cắt lớp vi tính, hiện nay các chất từ iot đang được sử dụng làm chất tương phản do iot có thể làm tăng khả năng hấp thụ năng lượng tia X sử dụng trong chụp CT. Tuy nhiên, đây cũng là một chất có thể gây suy thận với những người bị yếu thận, những người bị tiểu đường hay những người không cung cấp đủ nước để đào thải iot ra khỏi cơ thể. Do đó, TS. Nguyễn Thị Thùy Khuê và nhóm nghiên cứu Viện Kỹ thuật nhiệt đới (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã nghiên cứu tổng hợp và đánh giá độc tính của thuốc tương phản trên cơ sở vật liệu nano Gd2O3 bọc bởi các polyme tương thích sinh học ứng dụng trong kỹ thuật chụp ảnh cộng hưởng từ MRI.
Vật liệu nano Gd2O3 mới này một mặt cải thiện tốc độ hồi phục r1 cho ra ảnh chụp MRI với sự tương phản tốt hơn, mặt khác có thể làm giảm độc tính do chúng được bọc một lớp vỏ ligand có tác dụng hạn chế quá trình giải phóng ra các ion Gd3+ ra cơ thể. Các hạt nano Gd2O3 có thể nhanh chóng đào thải ra khỏi cơ thể hơn ở dạng phức rất nhiều bằng đường thận.
Theo đó, nhóm đã điều chế Gd2O3, Gd2O3 @PMAO và Gd2O3 @PVP có kích thước nano bằng phương pháp hóa học đơn giản, đồng thời khẳng định được tiềm năng to lớn của chất lỏng từ với độ ổn định cao trong dải pH=2-11 và trong môi trường muối [NaCl] lên tới 380mM (cao hơn nồng độ muối trong cơ thể sống). Điều này cho thấy vật liệu này là một ứng viên tiềm năng để ứng dụng trong chụp chẩn đoán hình ảnh.
Hà Trang