Các nhà thám hiểm phát hiện trên sa mạc Gobi dấu chân thuộc hàng lớn nhất thế giới thuộc về loài thằn lằn hộ pháp lang thang trên Trái Đất cách đây 70 triệu năm.
|
Dấu chân thằn lằn hộ pháp khổng lồ trên sa mạc Gobi ở Mông Cổ. Ảnh: AFP.
|
Đoàn thám hiểm đến từ Đại học Okayama Nhật Bản và Viện Khoa học Mông Cổ tìm thấy dấu chân khủng long khổng lồ dài 106 cm, rộng 77 cm trên sa mạc Gobi, trong lớp đất địa chất có niên đại 70-90 triệu năm, Mirror hôm qua đưa tin.
Các nhà nghiên cứu nhận định dấu chân thuộc thằn lằn hộ pháp (titanosaur), một loài khủng long cổ dài với kích thước cơ thể trên 30 m và cao 20 m. Dấu chân hình thành tự nhiên, khi cát chảy xuống vết lõm hình thành lúc con vật khổng lồ dẫm lên đất bùn.
"Đây là một phát hiện rất hiếm vì dấu chân hóa thạch được bảo quản tốt, dài hơn một mét và hằn rõ vệt móng", nhóm nghiên cứu cho biết.
|
Kích thước thằn lằn hộ pháp so với con người. Đồ họa: ABC.
|
Thằn lằn hộ pháp là loài khủng long ăn cỏ sống cách đây khoảng 67 triệu năm. Khi chào đời, thằn lằn hộ pháp non chỉ lớn bằng một em bé sơ sinh với trọng lượng 2,7-3,6 kg. Chỉ sau vài tuần, chúng có thể to bằng loài chó săn, nặng 32 kg. Từ sau 20 tuổi, chúng lớn hơn cả một chiếc xe buýt chuyên chở học sinh.
Theo VNExpress