Nghiên cứu mới được công bố của các nhà khoa học thuộc Đại học Harvard và Đại học Columbia tại Mỹ khẳng định tác động do cháy rừng và đốt than bùn trong lâm nghiệp và nông nghiệp ở Đông Nam Á đang gây ra những vấn đề lớn cho sức khỏe cộng đồng tại khu vực này.

Cháy rừng tại Indonesia đang gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với người dân tại Đông Nam Á. Ảnh: Hngn

Theo các nhà khoa học, các trường hợp tử vong do khói mù tại ba quốc gia - Indonesia và các nước láng giềng là Singapore và Malaysia - có thể dao động từ 26.300 và 174.300, với trung bình 100.300. Bệnh đường hô hấp và các vấn đề sức khỏe khác do tiếp xúc với khói bụi sẽ gây ra 2.200 trường hợp tử vong tại Singapore, 6.500 tại Malaysia và 91.600 ở Indonesia.

Trong tháng 10/2015, Cơ quan Quản lý thiên tai Indonesia báo cáo rằng khoảng 43 triệu người dân nước này đã tiếp xúc với khói và ít nhất một nửa triệu người mắc bệnh đường hô hấp cấp tính - theo tờ New York Times.

Tuy nhiên, nghiên cứu này mới chỉ tính đến các trường hợp người lớn bị ảnh hưởng bởi khói bụi và chỉ mới xét đến PM 2,5 - các hạt bụi có đường kính 2,5 micromet. Trong thực tế, ngoài PM 2,5 còn có nhiều độc tố được giải phóng trong các vụ cháy rừng và đốt các vùng đất than bùn, tất cả trong số đó là các mối đe dọa tiềm tàng cho người dân.

Từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2015, có khoảng 261.000ha rừng bị đốt cháy tại Borneo và Nam Sumatra. Một phần nguyên nhân là cháy rừng, phần còn lại là do người dân địa phương đốt rừng để làm nông nghiệp.

“Nhà ở tại Indonesia thông gió tốt nên các hạt bụi dễ dàng thâm nhập khiến rất khó phòng tránh tác hại của chúng. Trong khi đó, ở Singapore mọi người có thể hạn chế tiếp xúc với khói bụi bằng việc ở trong phòng máy lạnh nên hạn chế được nhiều tác động xấu” - Joel Schwartz - đồng tác giả của nghiên cứu - cho biết.