Dự thảo Lộ trình kinh tế tuần hoàn của Đà Nẵng hé lộ những thách thức và cơ hội mà thành phố sạch đẹp nhất Việt Nam này có thể làm để trở thành một nơi tiết kiệm tài nguyên hơn.
Kinh tế tuần hoàn ngày càng hiện diện ở Đà Nẵng. Một vài năm trước, chỉ có các tổ chức phi chính phủ nói về nó. Giờ đây, tại một số tòa nhà chung cư và trường học, ta sẽ thấy những trạm đong đầy (refill) chất tẩy rửa sinh học được tạo ra từ chính rác thải hữu cơ thu gom được từ người dân. Khách hàng đến đây sẽ tự mang theo chai của mình, do vậy các trạm đong đầy có thể giúp giảm từ 50-80 chai nhựa thải ra.
Nếu đi chợ Thanh Khê, khả năng lớn là người mua hàng sẽ phải tự mang túi đi đựng đồ, vì đây là nơi thí điểm mô hình "chợ không sử dụng túi nilon" của thành phố. Năm ngoái, một giải chạy đầu tiên trên thế giới với tiêu chí tổng phát thải ròng bằng 0 cũng được tổ chức ở Đà Nẵng bởi chính cộng đồng địa phương.
Không chỉ người dân bắt đầu quan tâm đến mô hình kinh tế tuần hoàn, chính quyền Đà Nẵng cũng đang xem xét đến cách tiếp cận tuần hoàn để chấm dứt tình trạng khối lượng chất thải liên tục tăng nhưng không có phương án xử lý hiệu quả và không khai thác được giá trị kinh tế từ chất thải. Như đã nêu trong kế hoạch “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 – 2030, các dự án kinh tế tuần hoàn liên quan đến chất thải rắn phải được triển khai trước năm 2025.
Tuy nhiên, kinh tế tuần hoàn là một vấn đề mới và phức tạp. Nó đòi hỏi những thay đổi cơ bản về cơ sở hạ tầng, hậu cần, mô hình hành vi xã hội, mô hình kinh doanh và tổ chức không gian. Chẳng hạn, nhìn từ góc độ hẹp, việc quản lý chất thải - mà Đà Nẵng hay tất cả thành phố khác đang thực hiện – chỉ là câu chuyện của dọn rác hoặc phân loại rác. Nếu không giảm thiểu được khâu đầu vào, tức khâu tạo rác, thì việc quản lý không bao giờ xuể.
Bắt đầu từ giai đoạn thiết kế, các công ty có thể tạo ra các sản phẩm không tạo rác (ví dụ một bánh xà phòng không có bao bì, hoặc bao bì tự phân hủy khi cho vào nước). Họ cũng có thể tập trung vào việc kéo dài vòng đời của sản phẩm (bằng cách cung cấp các dịch vụ sửa chữa thêm) và thiết kế các phương pháp sản xuất mới (chẳng hạn như vận hành theo modul), mô hình kinh doanh mới (cho thuê máy thay vì bán chúng) và tiêu dùng xanh (khuyến khích mua hàng trong chai lọ thủy tinh có thể nạp lại thay vì chai nhựa dùng một lần) để tạo ra nền kinh tế tuần hoàn hơn.
Câu hỏi là liệu Đà Nẵng đã sẵn sàng tạo ra không gian cho những hoạt động kinh tế tuần hoàn phát triển và nở rộ?
Dự thảo Lộ trình của Đà Nẵng
Vào mùa xuân năm ngoái, UBND Thành phố đã giao cho Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng (DISED) thực hiện một nghiên cứu nhằm xem xét thực trạng phát triển kinh tế tuần hoàn ở địa phương, và lựa chọn các lĩnh vực trọng tâm mà thành phố nên ưu tiên, từ đó vạch ra một lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn theo cho thành phố trong thập kỷ tiếp.
Về một mặt nào đó, nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng. Nó đánh dấu quyết tâm của chính quyền thành phố trong việc theo đuổi con đường kinh tế tuần hoàn, đồng thời định vị Đà Nẵng như một trong những đô thị tiên phong trong việc chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính lãng phí tài nguyên sang nền kinh tế tuần hoàn tiết kiệm tài nguyên hơn. Phải biết, ở cấp độ quốc gia, Chính phủ mới tuyên bố Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam hồi tháng 6/2022 (mặc dù ý định này đã được đề cập trong vài năm trở lại đây), tuy nhiên phải đến cuối năm 2023, người ta mới hy vọng nhìn thấy được Kế hoạch hành động cụ thể để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trên cả nước.
Trong bối cảnh một kế hoạch chung của quốc gia chưa được hình thành thì những nghiên cứu ở địa phương này có tiềm năng rất lớn để quay lại giúp xây dựng cái chung. Mặt khác, sự chuẩn bị của Đà Nẵng – dù mới ở cấp độ ý tưởng và nghiên cứu – cũng hé lộ những tiềm năng mà thành phố muốn khai thác.
Bản dự thảo Lộ trình của Đà Nẵng đã hoàn thành hồi tháng 8/2022. Đội ngũ nghiên cứu – bao gồm các cán bộ của DISED, Liên minh không rác Việt Nam, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế, Cộng đồng Google Developer Group Miền Trung, Phòng Thí nghiệm Đổi mới sáng tạo AccLab UNDP Việt Nam và chuyên gia từ nhiều tổ chức trong và ngoài nước – nhất trí rằng Đà Nẵng đã thiết lập được một số nền tảng bước đầu tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế tuần hoàn.
Từ trước đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có một số ngành/lĩnh vực kinh tế quan tâm đến việc thiết kế mô hình hoạt động theo nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn như sản xuất gạch không nung, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong giai đoạn 2015-2019, Khu công nghiệp Hòa Khánh được lựa chọn để thí điểm xây dựng khu công nghiệp sinh thái.
Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trên địa bàn thành phố đã có hơn 37 mô hình gắn với tiêu dùng xanh được triển khai thực hiện như: Thùng thu gom pin thải; Mái nhà xanh (lắp đặt tấm pin mặt trời); Điểm tập kết rác văn minh; Khu dân cư tự quản về môi trường; Tổ thân thiện môi trường; Thôn không rác; Trường học không rác...
Tuy nhiên, để tiến tới khép vòng tuần hoàn ở một số ngành/lĩnh vực, hay xa hơn là đạt được thành phố tuần hoàn, thì Đà Nẵng vẫn còn rất nhiều điểm phải cải thiện. Chẳng hạn, khi nói đến nhận thức, phần lớn mọi người – từ các cá nhân, tổ chức, đến cơ quan quản lý nhà nước – đều chưa thực sự hiểu hết về mô hình kinh tế tuần hoàn và biết mình có thể làm gì để chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn. Cả khu vực công và khu vực tư đều được đánh giá là chưa đủ năng lực để thực hiện tuần hoàn.
Thành phố cũng chưa có các chương trình R&D và chương trình đào tạo cho những dự án thực hiện liên quan đến mô hình tuần hoàn – vốn là những công việc gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến mà các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ ở địa phương khó lòng tiếp cận. Thậm chí, các công cụ đắc lực của chính quyền như mua sắm công cũng chưa được sử dùng như một đòn bẩy để thúc đẩy các dự án tuần hoàn.
Mặc dù bức tranh về kinh tế tuần hoàn của địa phương có vẻ còn nhiều thách thức, nó không ngăn cản thành phố đặt mục tiêu giảm các tác động xấu đến môi trường, cải thiện năng suất và lợi nhuận của nền kinh tế thông qua những cách tiếp cận bền vững hơn, và nâng cao chất lượng cuộc sống của công dân.
Lộ trình dự kiến của Đà Nẵng là phát triển các hệ sinh thái tuần hoàn thông qua những thử nghiệm, ứng dụng công nghệ số và kết nối mạng lưới. Giai đoạn đầu tiên từ năm 2022-2025 nhấn mạnh đến việc tuyên truyền, giáo dục nhân thức, kỹ năng và chuẩn bị tiền đề (về chính sách, vốn, nhân lực, lộ trình, nhiệm vụ…) để bước vững vàng hơn vào giai đoạn phát triển. Ở giai đoạn này, các tổ chức và doanh nghiệp phải chứng minh được tiềm năng và lợi ích của kinh tế tuần hoàn.
Giai đoạn phát triển từ năm 2025-2030 vạch ra bảy lĩnh vực ưu tiên để thực hiện chuyển đổi, đó là quản lý chất thải rắn, nguyên liệu, năng lượng, khu công nghiệp sinh thái, tuần hoàn lương thực thực phẩm, tuần hoàn nước, và công dân tiêu dùng xanh. Sau năm 2030, thành phố kỳ vọng rằng kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng chủ đạo, lan tỏa sang những lĩnh vực còn lại để đến năm 2045, Đà Nẵng có thể gọi mình là một thành phố tuần hoàn.
Ở thời điểm mà dự thảo lộ trình của Đà Nẵng đã bắt đầu được Sở KH&ĐT xem xét thì viện nghiên cứu Think tank của Huế cũng bày tỏ sự quan tâm về việc thực hiện một nghiên cứu lộ trình tương tự.
Các quan điểm phát triển kinh tế tuần hoàn
Một lộ trình rõ ràng với các nguyên tắc hướng dẫn sẽ đảm bảo thành phố có thể đi đúng hướng trong quá trình thực hiện. Mặc dù chỉ là dự thảo và rất có thể có thay đổi trước khi một Lộ trình chính thức được tuyên bố, nghiên cứu của DISED đã đặt xuống những quan điểm có tính chắc chắn về việc phát triển kinh tế tuần hoàn ở địa phương.
Những quan điểm này ít nhiều chịu ảnh hưởng từ phía đối tác của họ, phòng thí nghiệm đổi mới sáng tạo AccLab UNDP Việt Nam. Từ năm 2019, AccLab đã kết hợp với Sở TN&MT Đà Nẵng thực hiện các thử nghiệm chính sách nhằm góp phần thay đổi hệ thống quản lý rác thải ở địa phương, bao gồm mô hình phân loại rác thân thiện tại khu chung cư Cẩm Lệ, nghiên cứu về hệ sinh thái thu gom rác phi chính thống và tác động của COVID với nhóm ve chai, và sử dụng công nghệ viễn thám vào phát hiện các điểm nóng chất thải nhựa của thành phố.
Năm 2020-2021, đội ngũ này bắt tay với vườn ươm doanh nghiệp DNES để thực hiện một chương trình ươm tạo sáng kiến kinh tế tuần hoàn trong cộng đồng khởi nghiệp, từ đó thúc đẩy 12 dự án có khả năng cải thiện hệ thống xử lý rác thải rắn và thực hành tiêu dùng xanh.
Đại diện của AccLab đã mô tả cách họ tiếp cận những dự án ở Đà Nẵng là các “phòng thí nghiệm đổi mới sáng tạo xã hội” (hoặc đơn giản là phòng thí nghiệm xã hội ‘Social Lab’). Chúng tạo ra một không gian cho phép mọi người đến để giải nghĩa về những khái niệm mới và học hỏi lẫn nhau nhờ quá trình tương tác giữa các nhóm đại diện cho từng khía cạnh nhất định của xã hội, từ đó các thành viên trong cộng đồng đó sẽ có được những hiểu biết sâu sắc ở cấp độ hệ thống để xác định lại các vấn đề của mình và tìm ra cơ hội đưa vào đó những thử nghiệm can thiệp có hiệu quả cao.
Các nhà nghiên cứu đã lồng ghép những đặc điểm của Social Lab - như cách tiếp cận gắn kết, tính bao trùm, hệ thống, dựa trên cơ sở khoa học, có căn cứ thực tiễn cộng đồng...- vào trong quan điểm Lộ trình để đảm bảo rằng những mô hình kinh tế tuần hoàn mà thành phố theo đuổi sẽ tránh được những hậu quả xã hội tiêu cực.
AccLab cũng nhấn mạnh, vì kinh tế tuần hoàn ở cấp độ địa phương có sự gắn bó chặt chẽ với các yếu tố văn hóa và bản địa, do vậy việc xây dựng tốt các mạng lưới chuyên gia bản địa, các cộng đồng thực hành và những nhân tố thúc đẩy niềm tin là rất quan trọng.