Mỗi một màu sắc đều có một ý nghĩa, đều tạo ra nguồn năng lượng cho con người. Cùng một màu sắc, nhưng thay đổi sắc độ đậm nhạt, sáng tối, lại tác động khác nhau đến cảm xúc, tâm lý của con người. Sự phối trộn, kết hợp đa dạng sẽ làm cho thế giới thêm sắc màu, cuộc sống phong phú hơn, giàu cảm xúc hơn.
Miên man sắc màu để dẫn nhập vào “câu chuyện màu xanh”. Nói đến màu xanh, mọi người thường nghĩ đến xanh dương và xanh lá cây. Theo nhiều nghiên cứu, xanh lá cây là màu sắc đại diện cho cây cối, núi rừng. Nó còn là biểu tượng của sự an toàn, chính vì thế mà đèn báo giao thông trên toàn cầu đều có màu sắc này. Ngoài ra, màu xanh lá cây còn mang ý nghĩa của sự sinh sôi, phát triển, sự tái sinh, tươi mát. Đây là màu sắc chủ đạo cho thiên nhiên, gắn với cuộc sống con người, có mặt ở khắp mọi nơi.
Là một trong bảy màu cơ bản, giờ đây màu xanh lá gắn với xu thế định hình tương lai cả thế giới. Lần giở tìm kiếm thông tin mỗi ngày, đâu đâu cũng nhắc đến màu xanh, các sự kiện gắn với chữ xanh. Nào là kinh tế xanh, rồi tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh. Nào là nông nghiệp xanh gắn với khởi nghiệp xanh. Nào là lối sống xanh gắn với tiêu dùng xanh. Nào là xu thế đô thị xanh, khu phố xanh, trường học xanh, bệnh viện xanh,… Một màu xanh quen thuộc quanh nhà ra đến đồng ruộng, lên đến đồi núi non cao trở thành giá trị, mục tiêu phổ quát, khuyến khích mọi người cùng hướng đến, cùng hành động, cùng đổi thay.
Vì sao chỉ là một trong nhiều sắc màu, mà màu xanh lại có “tiếng nói” đầy sức nặng như thế? Từ chính trị gia cho đến các nhà quản trị đất nước đều nhắc đến màu xanh như một thông điệp. Từ nhà khoa học cho đến doanh nghiệp đều trăn trở tìm con đường để đến mục tiêu xanh hóa hành trình phía trước. Từ các diễn đàn cấp độ địa phương, quốc gia cho đến các hội thảo, tọa đàm cấp độ khu vực, toàn cầu, liên tục được tổ chức dưới tên gọi “sáng kiến xanh”. Hình như có điều gì đó ẩn chứa bên trong những khái niệm, những nội hàm liên quan đến từ khóa “xanh”.
Có tựa đề một quyển sách gợi lên dòng suy ngẫm “Khí hậu đang biến đổi, sao chúng ta lại không?”. Thế giới không ngừng thay đổi, không thể ngồi trông chờ thế giới trở lại ngày xưa. Ngược lại, mỗi người, mỗi ngành, mỗi tổ chức, mỗi địa phương phải chủ động thích ứng. Nhiều người cao tuổi thường trầm ngâm chuyện ngày xưa. Ngày xưa đó, “trên cơm dưới cá”, với “….những đồng lúa ma không trồng mà gặt, những ruộng cá không nuôi mà sẵn bắt…”. Ngày xưa đó, “mưa thuận gió hòa”, hy hữu mới có những cơn bão giông. Ngày xưa đó, đất nặng phù sa, nước ngọt quanh năm.
Để vượt lên phía trước con người đã tác động vào hệ sinh thái bằng mọi giá. Có ai tính được bao nhiêu “điểm cộng” cho tăng trưởng phải đánh đổi bằng bao nhiêu “điểm trừ” do suy thoái môi trường, do biến dạng hệ sinh thái, do giảm tính đa dạng sinh học.
Ngày xưa đó đúng là chuyện của… ngày xưa, khi màu xanh còn ngút ngàn! Ngày nay đã thay đổi do màu xanh đang mất dần. Nguyên nhân do trời đất cũng có, mà do cả con người cũng có. Mà ngay nguyên nhân đất trời cũng do con người góp phần đáng kể. Để mưu cầu cuộc sống tốt hơn, con người đã lấy quá nhiều từ thiên nhiên, mà không tính đến thời gian để thiên nhiên tự phục hồi như đã diễn ra ngàn năm trước, trăm năm trước. Để nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn, con người vô tình làm mất đi sự cân bằng tự nhiên. Để vượt lên phía trước con người đã tác động vào hệ sinh thái bằng mọi giá. Có ai tính được bao nhiêu “điểm cộng” cho tăng trưởng phải đánh đổi bằng bao nhiêu “điểm trừ” do suy thoái môi trường, do biến dạng hệ sinh thái, do giảm tính đa dạng sinh học.
Vậy là cả thế giới tỉnh thức. Màu xanh tự nhiên đã dần biến thành màu nâu, màu xám, giờ là lúc phải chuyển từ màu nâu, màu xám trở lại màu xanh. Mỗi sự thay đổi đâu dễ đạt được sự đồng thuận ngay lập tức của xã hội. Tất cả là do xung đột lợi ích giữa cá nhân và cộng động, giữa trước mắt và lâu dài, giữa ngắn hạn và dài hạn. Tất cả là do “điểm cộng” thì dễ thấy rõ, còn “điểm trừ” thì khó nhận ra ngay. Tất cả là do lầm tưởng con người đứng trên thiên nhiên, có sức mạnh chinh phục thiên nhiên.
Theo dõi chuyển đổi xanh dưới góc độ ngành nông nghiệp sẽ thấy rõ hơn. Vì nhu cầu đảm bảo lương thực, thực phẩm hằng ngày, con người chuyển từ hái lượm, đánh bắt tự nhiên sang nuôi trồng, vậy là ngành nông nghiệp ra đời. Nhưng con người đâu chỉ cần ăn cần uống, mà còn bao nhu cầu khác: quần áo để mặc, ngôi nhà để che nắng che mưa, phương tiện đi lại để giao lưu, giao thương,… Như vậy, sản lượng nuôi trồng không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ căn bản của người sản xuất, canh tác, mà còn cho cả nhu cầu trao đổi những hàng hóa không tự sản xuất ra được.
Con người ngày càng sinh sôi, nhưng đất đai lại không nảy nở, do đó phải sản xuất nhiều hơn trên một đơn vị diện tích. Muốn sản xuất nhiều hơn trong khi không còn dư địa thâm dụng tài nguyên đất đai, con người phải dùng đến những tác nhân phi tự nhiên. Lai tạo giống cao sản, tăng trưởng nhanh, giúp năng suất cây trồng, vật nuôi tăng cao. Nhưng rồi khoa học kỹ thuật cũng dần chạm ngưỡng, lại cần đến những chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng, trong đó có cả những chất độc hại. Từ sử dụng sang lạm dụng, làm suy thoái môi trường, suy giảm chất dinh dưỡng tự nhiên trong mặt đất, nguồn nước. Giảm cái này, thì phải tăng cái kia để bù lại, vậy là tiếp tục lạm dụng, ngày càng khó kiểm soát hơn. Một vòng lặp lẩn quẩn.
Con người vốn dĩ thường chỉ nhìn cái trước mắt, cái hiện hữu chung quanh mình, mà ít khi nhìn xa hơn, quan tâm đến hệ lụy có thể xảy ra. Điều đó nhắc nhở rằng “câu chuyện màu xanh” không dễ thay đổi nhận thức một cách nhanh chóng. Ngay cả nhận thức đúng rồi để chuyển thành hành động, thì vẫn còn nhiều khó khăn: kiến thức, khoa học công nghệ, thị trường, quán tính,… Chuyển đổi xanh không thể từ chiến lược, đề án, mà phải bằng hành động cụ thể. Chuyển đổi xanh không thể chỉ từ cấp cao nhất, mà phải có sự tham gia của cấp cơ sở, cấp cộng đồng. Chuyển đổi xanh không thể chỉ từ cách tiếp cận hàn lâm, mà phải lan tỏa đến được doanh nghiệp và hàng chục triệu nông dân - những đối tượng vừa là tác nhân tham gia, vừa là đối tượng bị tác động trực tiếp.
Hoạt động nông nghiệp vừa thực hiện sứ mạng đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu, vừa vô hình chung là tác nhân góp phần gây ra biến đổi khí hậu, làm suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chi phí, nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi nông nghiệp xanh tại Việt Nam không phải là thấp. Nhưng cũng từ nghiên cứu ấy lại cho thấy: “thời gian chuyển đổi càng lâu, thì chi phí sẽ càng cao”. Ngoài ra, mặc dù chi phí, cùng khoản đầu tư ban đầu cho chuyển đổi xanh là khá cao, nhưng lợi ích đem đến lại tích cực, khó có thể đo đếm được trong trung hạn và dài hạn. Đấy là lợi ích được “vun trồng” từ phát triển bền vững, gia tăng khả năng cạnh tranh, nhất là khi thị trường và xu thế tiêu dùng toàn cầu ngày càng yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất phát thải thấp, thân thiện với môi trường.
“Mỗi thay đổi đều khó khăn, nhưng không thay đổi càng khó khăn hơn”. Hãy tự tin mà hành động, dù là những việc nhỏ nhất: “Khi người khác đếm điều không thể thì mỗi người có thể làm điều gì đó có thể”! Gieo trồng một mầm cây cũng là góp phần làm tươi thêm màu xanh cuộc sống./.