Trong 30 năm gắn bó với nghề thủy nông, ông Nguyễn Anh Tú - Giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình khai thác thủy lợi Hưng Yên, luôn phát huy những sáng kiến từ sự quan sát nhu cầu của người nông dân và đồng ruộng.

Không nhất thiết phải là phát minh, sáng chế quan trọng mới đem lại lợi ích to lớn. Nhiều khi những sáng kiến nho nhỏ cũng góp phần cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống nếu chúng tìm ra và giải quyết được đúng những khúc mắc của con người. Trong 30 năm gắn bó với nghề thủy nông, ông Nguyễn Anh Tú - Giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình khai thác thủy lợi Hưng Yên, luôn phát huy những sáng kiến như vậy, từ sự quan sát nhu cầu của người nông dân và đồng ruộng. Trạm bơm không ống cột nước thấp là sáng kiến mới nhất của ông và cộng sự, có khả năng ứng dụng rộng rãi, giúp người nông dân khắc phục cả hạn hán và úng ngập.

"Việt Nam chưa có loại bơm như thế này"

Ánh mắt hạnh phúc, ông Tú nhớ lại giây phút đóng máy chạy thử của trạm bơm không ống đầu tiên do ông cùng cộng sự sáng chế được lắp đặt tại xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động, Hưng Yên, một ngày trước khi chính thức được đưa vào hoạt động. “Rập. Nước bắt đầu phun lên. Cảm xúc như vỡ òa. Khi máy bắt đầu chạy, anh em tôi kiểm tra đồng hồ và thấy công suất tiêu thụ đúng như tính toán - chỉ có 12 kWh với máy công suất 2.500m3 /h. Việc ‘ăn’ ít điện này có ý nghĩa vô cùng khi mà giá điện từ năm 2015 trở về đây tăng gấp đôi trong khi thủy lợi phí lại không được tăng”.

Để có được phút giây hạnh phúc đó, ông Tú đã “thai nghén” ý tưởng về một trạm bơm không ống từ năm 2015 sau những lần về cơ sở, chứng kiến vào mỗi vụ cấy, việc đổ ải và tưới nước của bà con gặp nhiều khó khăn, thậm chí nhiều khu vực phải cày sau, cấy muộn do mực nước sông Hồng trong những năm gần đây ngày càng xuống thấp, trong khi các trạm bơm được lắp đặt trước đó thường có cột nước (tức mức nước chênh giữa bể hút và bể xả) từ 4-5m, thậm chí có trạm lắp đến gần 9m, dẫn đến tình trạng nhiều trạm bơm hoạt động với hiệu suất chỉ quanh 50%, thậm chí có trạm chỉ dưới 40%.

“Có lần tôi đến tham quan mô hình máy bơm không ống của một nhà sáng chế không chuyên ở Ninh Bình nhưng thấy họ làm sơ sài và bé. Tôi nghĩ tại sao mình không kết hợp với những nhà chuyên sản xuất máy bơm và những kiến thức đã được học để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh, có thể áp dụng rộng rãi cho các công trình thủy nông. Sau đó, tôi trình bày ý tưởng với một người bạn chuyên về máy bơm, anh ấy rất hào hứng” - ông Tú kể. Thế là sau 6 tháng, từ tháng 4 đến tháng 10/2015, ngày nghĩ ý tưởng, đêm về vẽ phác thảo, vừa làm, vừa sửa, trạm bơm không ống đầu tiên của ông Tú đã được hoàn thiện.

Ông Tú phấn khởi khi nói về đứa con tinh thần của mình: “Trạm bơm không ống chỉ có một củ bơm và một đoạn ống dẫn ngắn. Phần thân máy bơm được lắp đặt ngay trên cống có sẵn của hệ thống thủy nông, nên sau khi được bơm ra khỏi máy bơm, nước sẽ chạy thẳng vào kênh, trong khi với trạm bơm truyền thống thì cần phải dùng ống dài gần chục mét, bể xả, bể hút, cống xả, cống lấy nước. Trạm bơm loại này đảm nhiệm cả nhiệm vụ tưới và nhiệm vụ tiêu nhờ hệ thống cánh cống. Một ưu điểm rất đáng kể đó là công trình hầu như không phải đền bù giải phóng mặt bằng vì nằm giữa sông, tiết kiệm nhiều về kinh phí và rút ngắn tiến độ thi công”.

Ông Nguyễn Anh Tú -Giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình khai thác thủy lợi Hưng Yên. Ảnh: Đoàn Dung

Đặc biệt, trạm bơm không ống có thể tiết kiệm tới 65% lượng điện tiêu thụ, ông Tú cho biết thêm và dẫn chứng: Năm 2016, công ty phụ trách tưới 55% diện tích nông nghiệp toàn tỉnh trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi; sang năm 2017, công ty phụ trách tưới cho 100% diện tích nông nghiệp, cộng với thời tiết không thuận lợi - đầu năm hạn hán; tháng 7, tháng 10 mưa nhiều phải bơm chống úng - nhưng chi phí cho tiền điện năm nay ước tính chỉ bằng năm ngoái - khoảng 21 tỷ đồng.

GS.TS Dương Thanh Lượng - Đại học Thủy lợi, đánh giá, “Đây là trạm bơm được cải tiến, sử dụng phù hợp, không chiếm mặt bằng và có thể ứng dụng rộng rãi ở nhiều nơi. Trên toàn quốc chưa có loại máy bơm thích hợp như thế này”.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Khanh - Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - thì với những vùng có cột nước thấp, việc ứng dụng trạm bơm không ống cột nước thấp rất hiệu quả, giúp chủ động được nguồn nước tưới, việc lấy nước sẽ nhanh hơn, đặc biệt là ở vùng cuối kênh, xa vùng cấp nước.


Tìm động lực trong niềm vui của người nông dân

Tháng 10 vừa qua, khi đỉnh lũ ở hai huyện Khoái Châu và Văn Giang dâng cao, một diện tích lớn vườn cam, vườn nhãn có nguy cơ mất mùa nếu bị ngân nước quá ba ngày. Nhưng nhờ hệ thống tiêu nước của trạm bơm không ống, hàng trăm hécta cam, nhãn có giá trị lên tới 100 tỷ đồng của bà con nông dân đã được cứu.

Ông Nguyễn Văn Oanh - Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hưng Yên - cũng xác nhận, nếu như cây lúa có thể chịu úng ngập trong nhiều ngày thì cây nhãn, cam, bưởi khi bị ngập nước 2-3 ngày sẽ ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển. Thêm nữa, nếu thời điểm ngập trùng với thời điểm cây nhãn đang ra hoa, kết quả thì sẽ làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm, dẫn đến giảm hiệu quả kinh tế.

Xuất thân con nhà nông, lại có 30 năm gắn bó với nghề thủy nông, từ một anh cụm trưởng cụm thủy nông đến kỹ thuật viên rồi trở thành giám đốc Công ty Thủy nông huyện và giờ đây là giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hưng Yên, ông Tú luôn tâm niệm, khi người dân phải đối phó với nạn úng ngập hay hạn hán mà gặp được người có thể tham mưu, giúp họ khắc phục thì họ phấn khởi lắm. Chính niềm vui của người dân luôn là động lực để ông suy nghĩ, tìm tòi những giải pháp, sáng kiến.

Là người đã lâu năm công tác trong ngành thủy lợi, ông Tú rất trăn trở khi thời tiết không thuận lợi sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, nhất là cây lúa.

Ông kể, năm 2004, khi còn là giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi Văn Lâm, ông có đề xuất ý tưởng xây dựng trạm bơm Lương Tài theo hình thức cấp nước 2 cấp, tức là nước từ sông to chảy vào sông con, rồi từ sông con lên ruộng - mô hình lần đầu tiên triển khai ở Hưng Yên. “Trước đây, người dân phải dùng máy hút bùn để bơm nước từ dưới lòng sông mới đủ nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp; nhưng từ khi trạm bơm được xây xong, nước được cấp từ Hải Dương về sông Lương Tài cách đó 10km, tưới cho hơn 1.000ha” - ông kể về một sáng kiến “nho nhỏ” của mình mà theo phản hồi của người dân là đem lại lợi ích vô
cùng to lớn.

“Bây giờ là thời đại 4.0. Những thành tựu 4.0 sớm muộn sẽ được áp dụng trong ngành thủy nông; nhưng trước khi chờ điều đó xảy ra, mình cứ phải hiện đại hóa, cơ giới hóa. Tôi có nói với mọi người rằng, nếu như ngày trước các đồng chí phải quay cống bằng tay, từ sáng tới trưa mới xong được một cái cống thì bây giờ tôi trang bị các nút bấm điều khiển bằng điện, chỉ cần một nút bấm là xong. 4.0 trong ngành thủy nông thì tôi không nói nhưng tôi đã làm như thế, áp dụng khoa học, kỹ thuật để giảm nhân công” - ông giám đốc có nhiều sáng kiến thành thật chia sẻ.