“Misogyny”, với các thành tố gốc trong tiếng Hi Lạp gồm misin (sự thù ghét) và gynē (phụ nữ), được định nghĩa là một cảm giác căm ghét và khinh miệt bất thường dành cho nữ giới.

Trải qua một lịch sử phát triển lâu dài của nhân loại, cái cảm quan gần như rất khó lí giải tường tận này đã tự chứng tỏ là một trợ thủ đắc lực cho việc cố định một hình dung thấp kém về phụ nữ, đồng thời liên tục góp phần duy trì các thực hành phân biệt giới.

A Brief History of Misogyny – The World Oldest’s Prejudice (Một lịch sử vắn về Chứng ghét nữ - Định kiến lâu đời nhất trên thế giới) là tác phẩm cuối cùng của Jack Holland, được xuất bản năm 2006, hai năm sau khi ông qua đời ở tuổi 57 do ung thư. Ảnh: INT

Sự hiện diện của “misogyny” trải rộng từ phương Đông sang phương Tây, từ những truyện cổ về phù thủy và dì ghẻ đến những sắc phong trinh tiết trung đại, từ những câu đùa cợt tưởng chừng vô thưởng vô phạt trong đời sống thường nhật đến các quảng cáo và gameshow trên những phương tiện truyền thông đại chúng … Và, trong khảo luận A Brief History of Misogyny – The World Oldest’s Prejudice (Một lịch sử vắn về Chứng ghét nữ - Định kiến lâu đời nhất trên thế giới), điều khiến Jack Holland trăn trở hơn cả là lí do vì đâu và bắt nguồn từ những căn nguyên nào, một “não trạng” kì thị giới lại có thể bám rễ sâu xa vào tư duy và hành động của chúng ta đến thế.

Một mối ác cảm chung

Jack Holland mở đầu cuốn sách của mình bằng câu chuyện về Mukhtaran Bibi, một cô gái vùng Punjab, Pakistan bị cộng đồng nơi cô sống kết án cưỡng bức tập thể với nguyên do anh trai cô bị bắt gặp có quan hệ bất chính với một phụ nữ ở tầng lớp cao hơn. Sự việc xảy ra vào ngày 2/6/2002. Cũng năm 2002, tại Nigeria, Amina Lawal bị kết án tử hình bằng cách ném đá vì có con ngoài giá thú. Jack Holland bắt đầu bằng những sự kiện “man rợ” từ những chốn xa xôi tưởng chừng không can hệ gì tới nơi ông sống (Belfast, thủ đô Bắc Ai-len), nhưng điều ông muốn nói đến là một cái nhìn miệt thị, một cảm thức thù ghét gần như được mọi thể chế nam quyền cùng chia sẻ khi nói về nữ giới – một điểm chung mà dẫu các xã hội tự cho mình là “văn minh” hơn như phương Tây thường ra sức phủ nhận, nhưng cũng không thể phủi tay chối bỏ:

“Nơi tôi sống cách xa Punjab, Bắc Hàn, và Đông Phi. Nhưng đây cũng là nơi từ ‘cunt’* biểu thị hình thức khinh miệt kinh khủng nhất mà một người có thể tỏ thái độ với một người khác. Nếu bạn ghê tởm hay khinh thị một ai đó, ‘cunt’ sẽ nói lên tất cả. Cái từ ấy được viết nguệch ngoạc trên những bức tường ở những con hẻm đầy rác hoặc những toa-lét công cộng nặng mùi phân và nước tiểu. Không có gì tồi tệ hơn là bị đối xử như một cái “cunt”, không có gì ngu ngốc hơn một cái “cunt” (…), và dù có xung đột tư tưởng, đảng phái chính trị, quan điểm xã hội đến mức nào, bất cứ ai cũng có thể chia sẻ một nhãn quan chung rằng, không có gì hạ tiện đáng tởm hơn một cái ‘cunt’.” (A Brief History of Misogyny, tr.16).

Việc tiến hành khảo cứu các văn bản quan trọng trong lịch sử tư tưởng phương Tây giúp Jack Holland minh chứng thêm nhận định ấy. Với ông, sự hằn thù với phụ nữ đã được tuyên bố rõ ràng từ 1800 năm trước qua lời của Tertullian (160-220 SCN), một trong những vị tổ phụ sáng lập nên Nhà thờ Công giáo: “Ngươi là cửa ngõ của ma quỷ; ngươi là kẻ phạm đến cây cấm; ngươi là kẻ đào ngũ đầu tiên của luật Thánh. Chính ngươi đã thuyết phục anh ta, kẻ mà đến ác quỷ cũng không dám cả gan tấn công. Ngươi, chính ngươi, đã hủy hoại hình ảnh của Chúa trời một cách quá dễ dàng”.

Jack Holland. Ảnh: Facebook của tác giả

Không quá khó để nhận ra, “misogyny” đã phát triển ở nhiều cấp độ khác nhau, ở bình diện triết học cao siêu nhất như trong trước tác của các triết gia Hi Lạp (đặc biệt là học thuyết của phái Platon) – những người đã đặt nền móng tư tưởng định hình cách các xã hội phương Tây nhìn về thế giới, lẫn ở những nơi chốn phàm tục như những con hẻm khuất của London thế kỉ 19 và các xa lộ Los Angeles ngày nay. Những cuộc săn lùng phù thủy, những phái tu khổ hạnh, những kẻ cầm đầu phiến quân Taliban ở Afganistan những năm cuối thập niên 1990… - ở tất cả các trường hợp ấy, đều có thể nhận ra một đòi hỏi kìm nén dục tình đã khơi mào cho việc ném mọi sự căm tức hận thù vào phái nữ. Chưa hết, dù ngầm ẩn hay hiển lộ, “misogyny” có ở cả những tác phẩm vĩ đại của các nghệ sĩ lừng lẫy nhất mà nền văn minh có thể sản sinh ra lẫn những tác phẩm khiêu dâm đồi trụy thô tục nhất. Nói như chính Holland, lịch sử của chứng ghét nữ thực chất là câu chuyện về một mối cừu hận độc nhất vô nhị vẫn đang không ngừng được nối dài, một tư tưởng nhất quán từ Aristotle đến tên sát nhân hàng loạt Jack The Ripper, từ King Lear đến James Bond

Việc truy nguyên lịch sử của bất kì một mối cừu thù nào đều là một vấn đề phức tạp. Dù vậy, “misogyny” có lẽ là một phức cảm khó lường hơn cả. Bởi, tại gốc rễ của một mối hận thù cụ thể, dù là hận thù giai cấp hay chủng tộc, người ta thường tìm ra được một sự xung đột. Nhưng, trên bản danh sách dài tuyệt vọng những nỗi hằn thù mà người với người dành cho nhau, không một trường hợp nào lại bao gộp trong nó cả ham muốn và sợ hãi, khao khát và khước từ, đòi hỏi và phủ nhận, như “misogyny”. Ở đây, hận thù cùng tồn tại với ham muốn theo một cách hết sức đặc biệt. Chính điều này khiến “misogyny” trở nên phức tạp: nó liên quan tới sự mâu thuẫn bên trong chính một con người. Sự tôn vinh Đức mẹ Đồng trinh Maria là một minh chứng cho thấy chứng ghét nữ có thể đẩy nữ giới lên đỉnh cao cũng như hạ thấp họ xuống đáy. Ở cả hai thái cực ấy, Holland nhận ra, nữ giới đều không được nhìn nhận như một con người.

Quá trình “phi nhân tính hóa” (dehumanized) kép này – đề cao và hạ thấp – trên thực tế, chính là câu chuyện về định kiến giới lâu đời nhất đã tồn tại dưới hình thức này hay hình thức khác suốt trường kì lịch sử, trơ trơ sau mọi biến động chính trị dữ dội đã nhấn chìm các triều đại và làm mai một các nền văn hóa. Nó đủ khả năng thách thức và cưỡng lại cả những trận đại hồng thủy đã cuốn phăng mọi tư tưởng và cảm xúc khác. Nó vẫn đó, sau các cuộc cách mạng triết học và khoa học dường như đã làm thay đổi vĩnh viễn cách chúng ta nhìn thế giới, sau những phong trào đấu tranh nhân quyền dân quyền. Nó không thôi trở lại ám ảnh lý tưởng bình đẳng của chúng ta với sự dai dẳng của một bóng ma không thể diệt trừ. Nó dài lâu như chính nền văn minh và ngày từng ngày vẫn liên tục được cập nhật chẳng khác nào những trang web khiêu dâm “hot” nhất.

Với ý thức ấy, Jack Holland đã làm một cuộc hành trình ngược về quá khứ để kiếm tìm những cội rễ sâu xa của tất cả những di sản tinh thần mà chúng ta đang được kế thừa. Chuyên khảo của ông chính là cuộc hành trình ngược ấy, một sự trở về với cội nguồn của các nền văn minh vĩ đại xa xưa đã định hình sâu sắc ý thức của chúng ta hôm nay, đã sắp đặt một cái bẫy nhị nguyên khiến chúng ta khó lòng thoát khỏi dù vẫn đang nỗ lực vẫy vùng, và khiến chứng ghét nữ, cho tới bây giờ, vẫn mặc nhiên tồn tại.

(Còn tiếp)
* Một từ tục dùng để chỉ bộ phận sinh dục của nữ giới.