Vương quốc Anh cho phép tổ chức một số sự kiện thể thao, lễ hội đông người để nghiên cứu cách virus SARS-CoV-2 lây lan trong các sự kiện này, làm cơ sở cho các chính sách mở cửa trở lại các địa điểm giải trí với rủi ro thấp nhất.

Thế vận hội ở Tokyo hoàn toàn khác với các sự kiện thể thao lớn khác trên thế giới, chẳng hạn như trận chung kết giải vô địch bóng đá EURO 2020 vào ngày 11/7 vừa qua. Trong khi Olympic không có khán giả trực tiếp, trận chung kết Euro tại Sân vận động Wembley đã chứng kiến ​​60.000 người hâm mộ hò reo trên khán đài.

Khán giả tại Wembley đã đồng ý tham gia vào một thử nghiệm của chính phủ để theo dõi sự lây lan của COVID-19 trong các sự kiện tập trung đông người. Thử nghiệm này thuộc Chương trình Nghiên cứu Sự kiện, nghiên cứu một số buổi hòa nhạc, lễ hội mùa hè và các sự kiện đại chúng khác. Một số quốc gia đã bắt đầu các nghiên cứu tương tự, mặc dù ở quy mô nhỏ hơn.

Đầu tháng này, chính phủ Anh đã công bố kết quả giai đoạn đầu tiên của Chương trình - bao gồm các sự kiện từ tháng 4 đến tháng 5/2021 (chưa bao gồm trận chung kết Euro 2020). Dù cung cấp một số thông tin hữu ích, các sự kiện thử nghiệm cho đến nay vẫn chưa đưa ra được kết luận về sự lây lan của SARS-CoV-2 tại các sự kiện. Các nhà nghiên cứu cũng lên tiếng về việc chính phủ Anh đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp giãn cách phòng dịch trên khắp cả nước chỉ trong tuần này mà không chờ kết quả mang tính kết luận hơn từ các sự kiện thử nghiệm tiếp theo.

Người hâm mộ đội tuyển Anh tại sân vận động Wembley của London trong trận chung kết EURO 2020 vào ngày 11/7.

Theresa Marteau, nhà khoa học hành vi tại Đại học Cambridge, chủ tịch hội đồng khoa học của Chương trình, cho biết, khó bắt kịp tốc độ làm việc của các nhà tổ chức sự kiện, "đôi khi quy trình khoa học còn đang hoàn thiện thì vé thì đã bán hết".

Chương trình Nghiên cứu Sự kiện được khởi động vào tháng Hai năm nay, theo đó những khán giả có xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong thời gian gần được tham dự chương trình biểu diễn và các sự kiện thể thao với số lượng người tham gia hạn chế. Dự kiến, kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp thông tin về cách tổ chức các sự kiện này một cách an toàn, và giúp đưa ra các chính sách về việc mở cửa trở lại các địa điểm giải trí với rủi ro lây nhiễm thấp nhất.

Tuy nhiên, tỷ lệ lây nhiễm ở Anh vốn thấp khi các sự kiện đầu tiên bắt đầu, và ít người tham gia chịu làm xét nghiệm PCR trước và sau sự kiện, do đó dữ liệu thu được không đủ quy mô và phạm vi để đưa ra câu trả lời, các tác giả của báo cáo cho biết.

Số ca nhiễm COVID trong những người tham dự chín sự kiện nằm trong giai đoạn đầu của Chương trình Nghiên cứu Sự kiện (từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2021) là rất nhỏ. Chỉ 28 trong số hơn 55.000 khán giả tại các sự kiện - bao gồm Giải vô địch bi-a thế giới tại nhà hát Sheffield, trận chung kết cúp Liên đoàn bóng đá Anh tại Sân vận động Wembley và Giải thưởng BRIT tại Nhà thi đấu O2 ở London - có kết quả dương tính với SARS- CoV-2. Trong số này, các nhà nghiên cứu xác định 11 người có thể bị lây nhiễm tại một sự kiện và 17 người khác có khả năng bị nhiễm gần khoảng thời gian xảy ra sự kiện, theo kết quả được công bố vào ngày 1/7.

Các tác giả của báo cáo kêu gọi diễn giải những số liệu này một cách "hết sức thận trọng" vì virus không lưu hành rộng rãi trong cộng đồng vào thời điểm đó, và chỉ có 15% trong số những người tham gia sự kiện tuân thủ yêu cầu xét nghiệm PCR trước và sau sự kiện.

John Edmunds, nhà dịch tễ học tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London và là thành viên hội đồng khoa học của Chương trình Nghiên cứu Sự kiện, cho biết thêm, biến thể delta có khả năng lây nhiễm cao chưa chiếm ưu thế ở Anh. Edmunds nói: “Chúng tôi không có đủ số ca nhiễm để xem xét sự lây truyền".

Các nhà nghiên cứu đã xem xét các yếu tố đóng góp vào khả năng lây truyền virus tại các sự kiện, bao gồm môi trường không khí - như mức độ carbon-dioxide, phản ánh khả năng thông gió và mật độ đám đông - và các yếu tố hành vi, như người tham gia có tuân thủ các quy tắc về che mặt và giãn cách hay không.

Kết quả cho thấy các vị trí khác nhau tại cùng một sự kiện có các yếu tố nguy cơ lây truyền khác nhau. Ví dụ, không gian ngoài trời có ít yếu tố rủi ro hơn so với không gian trong nhà và một số khu vực nhất định của địa điểm ngoài trời, chẳng hạn như nhà vệ sinh, hành lang và quầy bán đồ ăn thức uống, nơi mọi người tập trung đông đúc, có nguy cơ cao hơn.

“Ngồi một chỗ trên khán đài ở Wembley có rủi ro lây truyền thấp", Edmunds nói. Nguy cơ nằm ở những "nút thắt" đông người của sân vận động như các điểm ra vào, nhà vệ sinh và những vấn đề xung quanh sự kiện, chẳng hạn như phương tiện giao thông công cộng hoặc các quán rượu xung quanh.

Đối với Marteau, những phát hiện này rất đáng giá. Chương trình này "phi thường" về cả quy mô của các thử nghiệm và tốc độ thực hiện. “Có những hạn chế, nhưng vẫn cần thực hiện những thử nghiệm như vậy," bà nói.

Hà Lan cũng đã đầu tư vào một chương trình nghiên cứu để tìm hiểu các biện pháp tổ chức các sự kiện kinh doanh, văn hóa và thể thao một cách an toàn, đó là Chương trình Sự kiện FieldLab. Vào vào ngày 26/6, chính phủ Hà Lan đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế liên quan đến COVID-19, bao gồm cả việc tụ tập đông người; nhưng phải rút lại quyết định này sau khi tỷ lệ lây nhiễm tăng 500%.

Trở lại Vương quốc Anh, với các sự kiện trong giai đoạn thứ hai và thứ ba của Chương trình, bao gồm cả trận chung kết Euro 2020, hiện đã hoàn thành ghi nhận nhưng chưa được phân tích, Edmunds và các đồng nghiệp hy vọng những dữ liệu này (kết hợp với một cách tiếp cận mới để theo dõi các ca nhiễm không dựa vào xét nghiệm trước và sau sự kiện) sẽ làm sáng tỏ hơn về các nguy cơ lây truyền tại các sự kiện lớn.

Nhưng kết quả đó sẽ không kịp cung cấp thông tin cho việc hoạch định chính sách. Anh đã dỡ bỏ hạn chế về số lượng người có thể tụ tập trong nhà và các yêu cầu về giãn cách xã hội, trước khi có các kết quả chắc chắn hơn từ các giai đoạn tiếp theo của thử nghiệm. Một số nhà khoa học tham gia nghiên cứu tỏ ra thất vọng trước quyết định này, và lo ngại rằng như vậy sẽ làm cho người dân nghĩ rằng việc tham dự các cuộc tập trung đông người là an toàn.

Nguồn: