Trong cuốn Lược sử tương lai (Homo Deus), Yuval Noah Harari đã đưa ra một nhận định gây nhiều tranh cãi, rằng trên con đường tìm kiếm hạnh phúc viên mãn và sự bất tử, con người (sapiens) thực ra đang cố nâng cấp bản thân thành các vị thần (deus). Tuy nhiên, điều này có lẽ sẽ chỉ đúng một nửa.
Năm ngoái, cựu chủ tịch Facebook Sean Parker từng gây sốc tại một sự kiện chuyên về đổi mới trong nghiên cứu ung thư, khi đề xuất rằng giới siêu giàu có thể sẽ tìm ra cách để chiến thắng cái chết. “Bởi vì tôi là một tỷ phú, cho nên tôi sẽ được tiếp cận những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Khi ấy, tôi có thể sống tới 160 tuổi và trở thành một phần của cái gọi là tầng lớp lãnh chúa bất tử”, ông nói.
Trên thực tế, ngay cả với những công nghệ y khoa tiên tiến nhất hiện nay thì chúng ta cũng vẫn chưa thể mơ đến liệu pháp tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ nào hiệu quả hơn việc tập thể dục và chế độ ăn uống lành mạnh. Có thể tuổi thọ của con người sẽ tiếp tục tăng lên, nhưng không có gì đảm bảo rằng chúng ta sẽ khám phá ra bí quyết để mở cánh cổng đến với sự bất tử thực sự. Mặc dù vậy, điều này đã không thể ngăn cản những bộ óc mơ mộng, trong đó có Parker và những ngôi sao khác của Thung lũng Silicon thôi không đổ tiền cho các dự án nghiên cứu nhằm kéo dài tuổi thọ của con người. Tuy nhiên, ngay đến các chuyên gia về tuổi già và tử vong cũng không mấy người tin rằng có thể đánh lừa thần chết mãi mãi.
Thứ nữa, cũng theo nhận định của Parker, đại bộ phận người dân sẽ không đủ khả năng để tiếp cận với những phương pháp điều trị như vậy. Bởi nếu điều đó xảy ra, nó sẽ tạo nên một cuộc khủng hoảng về dân số, khi có thêm nhiều đứa trẻ ra đời trong lúc người già thì lại không chịu đi theo thần chết.
Cuối cùng, chúng ta có thể thấy sự tái hiện của một giấc mơ xa xưa trong thế kỷ 21 này, từ vua Gilgamesh (á thần trong sử thi, được cho là đã cai trị Uruk – nay là Iraq – trong suốt 126 năm) cho đến nhân vật Dorian Gray (chàng trai sẵn sàng bán rẻ linh hồn cho ác quỷ để giữ mãi tuổi xuân và vẻ ngoài hoàn hảo) của nhà văn Ireland Oscar Wilde. Duy chỉ có điều, kết cục của nó lại thường chẳng bao giờ tốt đẹp.
Hải Đăng (Theo Futurism)