Garage nơi Hewlett-Packard được thành lập vào năm 1939 giờ đây trở thành một bảo tàng tư nhân - một tượng đài thể hiện sức sáng tạo và tinh thần kinh doanh khiến Silicon Valley trở nên nổi tiếng. Cách đó 20 phút lái xe là một địa danh khác không hề liên quan tới công nghệ, nhưng vào tháng 2 vừa rồi, một căn hộ với hai phòng ngủ nhỏ nơi đây, được quảng cáo là một dạng “garage” thích hợp làm trụ sở cho startup, chỉ trong vòng hai ngày đã được bán với giá 2 triệu USD, cao hơn 40% so với giá chào bán. Có nghĩa là mỗi mét vuông đất Silicon Valley có giá 25.386 USD.
Thành công của Silicon Valley trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ đã biến nơi đây có mức chi phí sinh hoạt cao nhất nước Mỹ. Một căn nhà có giá trung bình là 940.000 USD, gấp bốn lần rưỡi mức trung bình của Mỹ. Kết quả là, trong một cuộc khảo sát gần đây, 46% cư dân vùng Vịnh San Francisco cho biết họ dự định sẽ rời đi trong vài năm tới.
Không chỉ những người có “thu nhập khiêm tốn” mới có ý định rời đi. Tại FOO Camp, sự kiện thường niên của các hacker, được tổ chức năm nay, một phiên họp với chủ đề “Tôi/Bạn có nên rời bỏ Vịnh Francisco?” đã thu hút rất nhiều người tham dự. Những người tham gia chia sẻ ý kiến của họ về chi phí sinh hoạt cao, giao thông xuống cấp và một nền văn hóa “độc hại” bị ám ảnh bởi tiền bạc những chính sách bất lợi của chính phủ, khiến Silicon Valley vẫn là nơi phát triển những ý tưởng mới, tìm kiếm vận may và tạo ra những sản phẩm làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu người, nhưng nó không thể thống trị thế giới công nghệ theo cách trước đây nữa.
Không thể thay thế nhưng đang mất dần lợi thế
Với những mạng lưới chuyên gia mạnh, các trường đại học xuất sắc, văn hóa ưa mạo hiểm, các nhà đầu tư túi đầy tiền giúp các startup phát triển thành những gã khổng lồ. Trong nhiều thập kỷ qua Silicon Valley là trung tâm của những chu kỳ hủy diệt và tái sinh kinh tế theo học thuyết của Schumpeter, như chip silicon, máy tính cá nhân, phần mềm và dịch vụ internet. Các công ty của Silicon Valley đã tạo ra các hệ điều hành được trên 95% số điện thoại thông minh của thế giới sử dụng.
Từ năm 2010 đến nay, các nhà đầu tư mạo hiểm rót 168 tỷ USD vào các công ty ở vùng Vịnh. Không có khu vực nào khác có thể sánh được. Tới quý 2 năm 2018, Silicon Valley là quê hương của ba trong số năm công ty đắt giá nhất thế giới: Apple, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Facebook, với giá trị trung bình là 2,5 nghìn tỷ USD. Apple và Alphabet, những công ty bản xứ thật sự, được sinh ra trong những garage để xe ở Los Altos và Menlo Park. Nơi đây cũng là trụ sở của 57 kỳ lân - những startup tư nhân giá trị hơn 1 tỷ USD, bao gồm Airbnb và Uber.
Tuy nhiên, AnnaLee Saxenian, Hiệu trưởng của Trường Thông tin tại Đại học California, người đã dành cả đời gắn bó với Silicon Valley, cho rằng đã đến lúc cần phải có cú biến chuyển trong văn hóa doanh nghiệp tại Silicon Valley.
Trong nghiên cứu “Lợi thế khu vực” được công bố năm 1994, bà Saxenian đã so sánh văn hóa Silicon Valley với cụm công nghệ địch thủ quanh Boston, Massachusetts, được gọi là Route 128. Silicon Valley vượt đối thủ của mình vào cuối những năm 1980 do Route 128 bị chi phối bởi các công ty lớn, phân cấp vốn có xu thế hướng nội và bí mật, đồng thời đánh giá cao lòng trung thành và không khuyến khích nhân viên tự kinh doanh.
Trong khi đó, tại Silicon Valley, thông tin được chia sẻ tự do hơn trong và giữa các công ty. Khởi nghiệp cũng được khuyến khích. Nhưng giờ đây Saxenian cho rằng những gã khổng lồ công nghệ đã phát triển một nền văn hóa ngày càng “tự phát” đi ngược với cách thức mà Silicon Valley từng hoạt động, làm “nghẽn luồng lưu thông nhân tài” và “rơi vào lối mòn của Route 128”.
Bên cạnh đó, những gã công nghệ lớn tại Silicon Valley luôn nắm bắt những đổi mới nhanh hơn các công ty mới khởi nghiệp; và ngoài ra còn được hỗ trợ bởi nguồn lực mạnh. Điều đó đã khiến cho các công ty mới khởi nghiệp gặp khó khăn hơn khi phát triển thành những công ty lớn, thậm chí bị mua lại khi vẫn còn non trẻ. Thậm chí, một số học giả đã dùng thuật ngữ “vùng chết chóc” nhằm ám chỉ những khu xung quanh các công ty lớn, nơi mà các startup không thể hoạt động thuận lợi, một trong những thế mạnh của Silicon Valley.
Các startup đang lựa chọn rời đi?
Đối mặt với chi phí cao và hiệu ứng từ những gã công nghệ khổng lồ, những doanh nhân từng có ý định xây dựng doanh nghiệp của họ hoàn toàn tại Silicon Valley đang phân nhánh, theo đuổi ba xu hướng sau: xây dựng các startup ở nơi khác; di chuyển trụ sở tới nơi khác khi startup của họ đạt đến kích thước nhất định; hoặc duy trì trụ sở tại Thung lũng nhưng mở rộng hoạt động của họ ở nơi khác.
Mark Pincus, người sáng lập Zynga, một công ty phát triển trò chơi, dự đoán các công ty “sẽ phải tính tới nhiều địa điểm khác sớm hơn trong quỹ đạo phát triển của họ.” Ví dụ,Indinero, startup bán phần mềm kế toán đặt trụ sở tại vùng Vịnh San Francisco và mở rộng hoạt động tại Philippines. Hiện nay, công ty thuê 200 nhân viên, nhưng chỉ có khoảng 30 nhân viên là ở vùng Vịnh.
Theo CB Insights, một công ty nghiên cứu, năm 2013, các nhà đầu tư có trụ sở tại Silicon Valley đã bỏ một nửa số tiền của họ vào các công ty khởi nghiệp nằm ngoài khu vực Vịnh; còn năm nay (2018), tỷ lệ đó đã tăng lên 62%. Xu hướng giảm sút này còn được phản ánh ở phân bố theo địa lý của “kỳ lân”: năm 2013 khoảng 41% có trụ sở tại Silicon Valley; hiện nay chỉ còn 16%, và 35% có trụ sở tại Trung Quốc. Ngay cả những nhà đầu tư mạo hiểm của Silicon Valley cũng đang sẵn sàng không ký hợp đồng thuê mới không gian văn phòng gần San Francisco.
Đến Silicon Valley để kết nối và huy động vốn vẫn sẽ tiếp tục mang lại lợi thế cho Silicon Valley. Nhưng ở lại và thành lập công ty ở nơi đây sẽ trở nên không còn quan trọng. “Silicon đang trở thành một ý tưởng thay vì là địa điểm. Các công ty công nghệ với những dự án đầy tham vọng không nhất thiết phải đặt trụ sở ở thành phố nơi những garage được rao bán làm trụ sở cho startup với giá trên trời.