50 năm kể từ lần đầu tiên loài người gửi đại diện cắm cờ trên Mặt trăng, đến nay cuộc đua này đã xuất hiện thêm nhiều người chơi mới là các công ty tư nhân. Nhưng đến cả Space X cũng liên tục phải lùi kế hoạch đưa người lên Mặt trăng.
Vậy tại sao đến nay các công ty không dễ dàng lặp lại thành công của 5 thập kỷ trước với công nghệ tân tiến ngày nay?
Cần xây hệ sinh thái và lộ trình rõ ràng
Sau hơn một thập kỷ Google đưa ra giải thưởng Lunar X trị giá 20 triệu USD tài trợ cho các công ty khởi nghiệp về vũ trụ, thì kết cuộc vẫn không có chủ nhân. Sau nhiều lần Google dời hạn chót so với dự tính ban đầu là năm 2012, cuộc thi đã chính thức bị khai tử vào tháng 1/2018 khi không có một công tư tư nhân nào có thể đáp ứng ba nhiệm vụ: (1) Đổ bộ thành công lên bề mặt Mặt trăng, (2) Di chuyển quãng đường 500 mét, (3) Truyền video và hình ảnh chất lượng cao về Trái đất.
Kể từ ngày cuộc thi được phát động, chỉ có 3 phương tiện hạ cánh thành công trên Mặt trăng. Cả ba đều là chương trình của nhà nước, và chỉ duy nhất tàu Hằng Nga 3 được Trung Quốc phóng lên năm 2014 có khả năng di chuyển.
Nhân loại đã đổ bộ lên Mặt trăng từ năm 1969, nên rõ ràng đây là một nhiệm vụ trong tầm tay. Vậy tại sao không thể dễ dàng lặp lại thành công đó?
Điểm mấu chốt ở đây là nguồn lực. Khi Mỹ tiến hành đổ bộ lên Mặt trăng lần đầu tiên, NASA đã chọn hướng tiếp cận nhanh nhất, mục tiêu tối thượng là đánh bại Liên Xô, chứ không phải xây dựng một lộ trình rõ ràng, phát triển một hệ sinh thái đầy đủ cho những chuyến thám hiểm tương lai. “Thay cho những bước đi hợp lý để xây dựng một mô hình bền vững nhằm tiếp cận và vận hành liên tục trên Mặt trăng, người ta đã quá ham muốn in dấu chân ở đây,” theo Blair DeWittt, CEO của Lunar Station Corp (LSC), một công ty khởi nghiệp về dữ liệu Mặt trăng tại Cambridge, Massachusetts. “Một chương trình hoạt động không theo quy luật thị trường, gạt đi việc xây dựng chuỗi cung ứng cần thiết nhằm hỗ trợ sự vận chuyển liên tục các trang thiết bị và nhân lực lên Mặt trăng.”
Còn ngày nay, động lực thám hiểm Mặt trăng phải đến từ khát khao khám phá, chứ không phải khát khao chiến thắng.
Mặc dù chi phí khám phá không gian đang giảm xuống, nhưng thám hiểm Mặt trăng vẫn không hề rẻ. Thời giá hiện nay của một tên lửa đẩy Saturn V được sử dụng trong chương trình Apollo là 1,16 tỷ USD (có vẻ cách đốt tiền nhanh nhất là cho vào động cơ tên lửa). Thật sự khó khăn trong việc thuyết phục chính phủ nhanh chóng bỏ ra núi tiền ấy, thậm chí nhiều tiền hơn nữa, để sản xuất một tên lửa có sức mạnh tương đương hoặc hơn.
Hiện nay, chúng ta không còn thấy mẫu tên lửa đẩy nào mạnh như Saturn V, khiến cho các chuyến du hành Mặt trăng đi kèm những khoang hàng nặng gặp trở ngại. Tên lửa đẩy Falcon Heavy của Space X vừa được phóng thử nghiệm thành công đã thắp lên một hy vọng cho các chuyến thám hiểm Mặt trăng với mức giá tương đối rẻ là 90 triệu USD, nhưng nó chỉ tạo ra được 2/3 sức mạnh so với lực đẩy khủng khiếp của tên lửa Saturn V. Mặt dù nhà sáng lập SpaceX, Elon Musk trước đây từng tuyên bố rằng công ty sẽ gửi khách du lịch lên Mặt trăng trong năm 2018 nhưng kế hoạch đã bị hoãn lại. NASA vẫn tiếp tục nghiên cứu tên lửa đẩy SLS (Space Launch System), là loại có lực đẩy mạnh hơn cả Saturn V. Nó là một phương tiện đắt tiền với chi phí phát triển hàng tỷ USD, nhưng vẫn phải chờ nhiều năm nữa mới có thể ra mắt.
Thu hút sự chú ý xã hội và vốn đầu tư
Những cuộc thi như Lunar X có thể làm là tạo tiền đề cho các nỗ lực đổ bộ Mặt trăng tư nhân trong 5 năm tới, gây được sự chú ý của xã hội đối với du lịch không gian cá nhân và thu hút cả vốn đầu tư.
Tất cả những hoạt động đó trong một thập kỷ qua sẽ giúp xây dựng ngành này trở thành một lĩnh vực kinh doanh thực thụ vượt ra khỏi khuôn khổ cuộc thi.Thật vậy, mặc dù không công ty nào đáp ứng được hạn chót, nhưng cuộc thi đã phát triển thành một cuộc đua lớn hơn nhiều so với việc giành lấy giải thưởng 20 triệu USD. Cho đến tháng 7/2018, đã có hơn 300 triệu USD được đầu tư cho các đội thi. Các công ty Moon Express và Team Indus lần lượt thiết lập quan hệ và ký hợp đồng với các chương trình không gian nhà nước của Mỹ và Ấn Độ. SpaceIL và những đội khác tìm kiếm nguồn vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm. “Chúng tôi tạo dựng những cơ hội hợp tác chưa từng có tiền lệ với các công ty - đặc biệt là các công ty có truyền thống không dính dáng gì đến không gian - đem đến cho họ những giá trị ở tương lai,” theo nhà sáng lập và CEO của iSpace là Takeshi Hakamada. Ông đang đề cập đến các lựa chọn in quảng cáo trên phi thuyền, hệt như người ta in quảng cáo trên xe đua vậy, cũng như tiềm năng của dịch vụ quảng cáo ngay trên thân xe tự hành Mặt trăng.
Astrobotic, nhóm duy nhất thắng tất cả các giải thưởng bước đệm đến giải thưởng chính, đã đạt được những dấu mốc nhất định, đã có 11 khách hàng được xác nhận cho đợt phóng đầu tiên trong năm 2020, trong số hơn 100 khách hàng đăng ký. Nhiều đối thủ cạnh tranh, gồm Astrobotic, SpaceIL, Moon Express, đã lên kế hoạch ra mắt sản phẩm, mặc dù vẫn cần vài năm nữa để hoàn thiện. Loại hình dịch vụ kinh doanh của các công ty này đa dạng và trải dài nhiều lĩnh vực từ khai thác tài nguyên của Moon Express cho đến dịch vụ giao hàng của Astrobotic.
Tuy nhiên, các công ty này vẫn gặp nhiều thách thức, cả về kỹ thuật và tài chính, đặc biệt là nhận thức của công chúng và nhà đầu tư về các nhiệm vụ không gian. “Nếu bạn đi xuống phố và khoe rằng mình đang xây dựng một công ty vận tải lên Mặt trăng, bạn sẽ bị giễu cợt. Mọi người trên thế giới phải có ‘một bước nhảy vọt’ về niềm tin, rằng bạn có thể kinh doanh trên Mặt trăng,” John Thornton, CEO của Astrobotic Technology nói. “Tất cả mọi hành trình khám phá Mặt trăng trước đây đều được tài trợ bởi các nhà nước siêu cường. Liệu một công ty tư nhân có thể đổ bộ và thu lợi từ Mặt trăng?”
Musk, ông chủ Space X cũng không cho rằng đầu tư vào lĩnh vực không gian dễ sinh lời. Ông viết trên twitter, “Tạo lập một công ty tên lửa đẩy là cách ngu ngốc và khó khăn nhất để ‘kiếm tiền’. Nếu chỉ ham làm giàu, tôi đã lập thêm một công ty internet khác.”
Thornton nói công thức tốt nhất để vượt qua sự nghi ngờ của công chúng là thời gian, sự hùn vốn từ đối tác và nhà đầu tư, và thu lãi từ tiến bộ công nghệ để hướng tới mục tiêu lâu dài. Các nhà đầu tư bắt đầu xuất hiện. Theo CB Insights, năm 2016 chứng kiến mức đầu tư mạo hiểm tăng kỷ lục lên đến 2,8 tỷ USD là cho các công ty khời nghiệp về không gian. Cuối tháng 6/2018, Relatibity Space, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Los Angeles chuyên về động cơ tên lửa in 3D, đã chốt đợt gọi vốn và thu về 35 triệu USD.
Giải thưởng Lunar X, dù không có ai hoàn thành đúng hạn, vẫn đạt được phần lớn mục tiêu đề ra. Nó trao tổng cộng 5,25 triệu USD tiền thưởng cho các công ty tư nhân đạt được dấu mốc nhỏ hơn, làm xuất hiện các công ty thám hiểm Mặt trăng tư nhân, khiến chúng ta thấy rằng, không phải chỉ có nhà nước, với nguồn lực khổng lồ mới đạt được thành tựu trong lĩnh vực này.
Các doanh nghiệp mới được thành lập liên quan tới giải thưởng chỉ là một mảnh trong bức tranh tổng thể. Chính phủ và các công ty khác cũng đang tái xây dựng chuỗi cung ứng [cho thám hiểm Mặt trăng] mà Mỹ từng thực hiện thất bại vào thập niên 1960. Công ty Relativity Space đang phát triển máy in 3D để in các phương tiện phóng, trong khi LSC tập trung thu thập và cung cấp các dữ liệu Mặt trăng cho đối tác. LSC cũng đề xuất MoonHacker nhằm cung cấp dự báo khí tượng trên Mặt trăng. Nó cũng có kế hoạch mở rộng dữ liệu của mình thông qua chuỗi vệ tinh bay trên quỹ đạo của Trái đất và Mặt trăng. Rõ ràng, đã có sự phân khúc thị trường và các công ty khác nhau gia nhập vào cuộc đua tới Mặt trăng này đã tạo ra một hệ sinh thái mới chớm nở, nhằm cung ứng nhiều dịch vụ cho hành trình khám phá Mặt trăng, theo Dewitt, CEO của LSC.
“Chúng ta đang nhìn nhận Mặt trăng như một nguồn tài nguyên, một bước đệm, và một tài sản”, theo John Thornton, CEO của Astrobotic Technology
Về phía mình, các chính phủ cũng đang xây dựng chuỗi cung ứng Mặt trăng, mục tiêu dài hạn và rộng lớn hơn việc đơn thuần in thêm những dấu chân trên Mặt trăng và lặp lại sứ mệnh năm 1959. Mục tiêu thực sự là tạo nên một bước tiến vĩ đại khác của nhân loại. Các chính phủ giàu tham vọng đang để mắt tới sao Hỏa, và Mặt trăng có vẻ chỉ là nền tảng thử nghiệm thích hợp cho sứ mạng lớn hơn. “Chúng ta đang nhìn nhận Mặt trăng như một nguồn tài nguyên, một bước đệm, và một tài sản,” John Thornton, CEO của Astrobotic. “Chúng ta bắt đầu nghĩ về nó như một tài nguyên, chứ không chỉ là một điểm đến.”
Cuối năm 2017, Tổng thống Trump đã công bố bảo trợ cho sứ mệnh gửi phi hành gia lên Mặt trăng và sau đó là sao Hỏa. Dự thảo ngân sách năm 2019 đã bao gồm kinh phí cho nhiệm vụ này. Không lâu sau đó, Vladimir Putin cũng lên tiếng về ý định trong việc du hành đến Mặt trăng và sao Hỏa. Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, và Cơ quan Không gian châu Âu đều đang nghiên cứu các dự án Mặt trăng, trong đó một số đang được thực thi. Trung Quốc đã phóng thành công tàu Hằng Nga 4, là tàu tự hành đầu tiên đổ bộ lên vùng tối của Mặt trăng. Họ dự kiến thu thập mẫu vật ở đây mang về Trái đất bằng các tàu Hằng Nga thế hệ tiếp theo sẽ được phóng từ cuối năm 2019. Ấn Độ cũng vừa phóng thành công tàu lên Mặt trăng nhưng đổ bộ bất thành.
Thậm chí gần đây chính phủ và tư nhân cùng hợp tác với nhau trong khám phá không gian. “Những năm tới đây sẽ rất thú vị,” Dewitt nói. Ông kỳ vọng “hàng tá cơ quan, tổ chức đang thực hiện sứ mệnh [Mặt trăng] của họ và đem lại hiểu biết mới cũng như tạo đà cho làn sóng thám hiểm tiếp theo - từ đó bắt đầu một chu trình vận hành bền vững trong việc khai thác Mặt trăng phục vụ cho lợi ích của tất cả chúng ta.”