Nhóm các nhà khoa học của Trung tâm nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam (EFS) thuộc Viện Thổ nhưỡng nông hóa đã nghiên cứu, sản xuất thành công và thử nghiệm Chitosan – axit amin có hoạt tính sinh học cao, sử dụng trong canh tác nông nghiệp an toàn và thân thiện với môi trường.
Theo TS Lâm Văn Hà, Phó Giám đốc EFS, ứng dụng các hoạt chất sinh học vào trong lĩnh vực nông nghiệp đang là xu hướng trên toàn cầu nhằm thay thế các hóa chất, bảo vệ môi trường. Chitosan có nguồn gốc từ các thành phần cấu trúc vỏ các loại giáp xác như tôm, cua,… Nó có hoạt tính sinh học cao, đa dạng, ít độc, đối kháng với nhiều loại nấm, vi khuẩn gây hại và vi rút. Ngoài ra, chitosan còn kích thích quá trình nảy mầm của hạt, chồi rễ phát triển mạnh, dễ dàng đi qua màng tế bào để cung cấp dưỡng chất (đa lượng, vi lượng, đạm sinh học,...) cho cây trồng.
Axit amin đóng vai trò quan trọng như là chất trung gian trong quá trình chuyển hóa cũng như tổng hợp protein. Nó cung cấp dinh dưỡng đạm sinh học, tăng sức đề kháng cho cây, thúc đẩy quá trình sinh tổng hợp trao đổi chất, sự ra hoa đậu quả,…
“Hiện chưa có đơn vị nào trong nước nghiên cứu sản phẩm dạng nước kết hợp giữa chitosan và axit amin mà chủ yếu là chế phẩm nano chitosan, nano axit amin” – TS Hà cho biết.
Để phối chế được sản phẩm nói trên, nhóm nghiên cứu sử dụng dung dịch nano chitosan 2,5%, dịch chiết axit amin và một số phụ gia cần thiết khác làm dung môi. Dung dịch hỗn hợp được khuấy trong máy đồng hóa mẫu với tốc độ tăng dần từ 2.000 – 5. 000 vòng/phút rồi giảm dần xuống 2.000 vòng/phút trong khoảng thời gian hơn 30 phút.
Với các tính năng của chitosan, axit amin, sau khi được phối trộn với tỷ lệ hợp lý, hỗn hợp chitosan – axit amin giúp cây trồng cân đối dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, cây sinh trưởng và phát triển tốt cho năng suất và chất lượng cao. Ngoài ra, chế phẩm gồm những hoạt chất tự nhiên có hoạt tính sinh học cao giúp an toàn và thân thiện với môi trường.
Chế phẩm đã được thử nghiệm tại trang trại trồng hoa lan của ông Nguyễn Văn Trung (Xuân Thới Sơn, Hóc Môn, TPHCM). TS Trần Thị Tường Linh, Trưởng bộ môn sinh thái học, Khoa sinh học, Trường ĐH sư phạm TPHCM, cho biết, sau khi thử nghiệm trên cây hoa lan Dendrobium Aridang Green, cây tăng chiều dài cành; năng suất và chất lượng, tuổi thọ hoa dài hơn so với hoa không phun chế phẩm khoảng 20%.
Chế phẩm cũng được thử nghiệm trên cây mùng tơi cho thấy năng suất rau tăng 15% so với cây không phun.
TS Linh khuyến cáo, nên sử dụng chế phẩm có nồng độ 3% cho cây lan trong giai đoạn sinh trưởng và nồng độ 5% từ giai đoạn phát triển hoa để đạt hiệu quả cao.
“Hiện nay chúng tôi đã nắm vững quy trình sản xuất chế phẩm, thử nghiệm cho kết quả tốt, nên mong muốn chuyển giao công nghệ để kết quả nghiên cứu có thể đưa vào thực tế” – TS Hà chia sẻ.