Liệu pháp kháng thể đã giúp điều trị COVID-19 cho Tổng thống Trump, tuy nhiên cho đến nay chưa thể nhân rộng liệu pháp này vì chi phí quá cao và khó thực hiện.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mắc COVID-19, ông đã được các bác sĩ điều trị bằng một loạt các loại thuốc, trong đó có kháng thể virus corona do Regeneron Pharmaceuticals sản xuất.

Đơn thuốc điều trị cho Tổng thống Trump bao gồm hỗn hợp kháng thể REGN-COV2 do công ty dược Regeneron Pharmaceuticals phát triển và thuốc kháng virus remdesivir có tên Veklury, sản phẩm của công ty dược phẩm sinh học Gilead Sciences; ngoài ra còn có có Famotidine, Vitamin D, Melatonin, Aspirin. Ngày 22/10, thuốc kháng virus remdesivir của Gilead Sciences đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép sử dụng trong điều trị bệnh nhân nhập viện vì COVID-19, trở thành loại thuốc đầu tiên và duy nhất được chấp nhận dùng trong điều trị căn bệnh này ở Mỹ, tuy nhiên kết quả thử nghiệm của WHO được công bố trước đó lại cho thấy remdesivir không có tác dụng điều trị COVID-19.

Các kháng thể là thành phần quan trọng trong phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể đối với SARS-CoV-2 (virus gây COVID-19), và các nhà nghiên cứu đang tìm cách phát triển các liệu pháp khai thác khả năng của kháng thể: liên kết trực tiếp với các protein của virus và ngăn chặn virus sinh sôi.

Trong điều trị bằng liệu pháp kháng thể, có thể sử dụng huyết tương từ những người phục hồi sau COVID-19 để truyền kháng thể của họ sang cho bệnh nhân khác. Một cách khác là sản xuất các kháng thể đặc hiệu chống lại virus để hỗ trợ cho phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể bệnh nhân. Cách tiếp cận sản xuất kháng thể này đã được chứng minh là thành công trong việc chống Ebola: ngày 14/10 vừa qua, FDA đã phê duyệt một loại hỗn hợp gồm ba kháng thể do Regeneron Pharmaceuticals sản xuất để điều trị Ebola.

Sức mạnh 'chữa COVID' của phương pháp điều trị bằng kháng thể này vẫn chưa được chứng minh, tuy nhiên các nghiên cứu cỡ nhỏ ban đầu ở những người có các triệu chứng COVID-19 nhẹ tỏ ra khá hứa hẹn.

Hình minh họa các kháng thể tấn công virus corona.

Thành công ban đầu

Regeneron ở Tarrytown, New York và Eli Lilly ở Indianapolis, Indiana, hiện dẫn đầu cuộc đua trong việc phát triển các phương pháp điều trị kháng thể chống lại COVID-19. Mỗi công ty đang thử nghiệm các kháng thể độc quyền của riêng mình và đã nộp đơn xin Giấy phép Sử dụng Khẩn cấp từ FDA sau những nghiên cứu ban đầu đầy hứa hẹn.

Trong đó, liệu pháp kháng thể đầu tiên của Eli Lilly đã giúp giảm số ca phải nhập viện từ 6% ở nhóm bệnh nhân COVID-19 dùng giả dược xuống còn 1,7% ở những người được dùng kháng thể. Còn liệu pháp của Regeneron kết hợp 2 kháng thể và đã có tác dụng làm giảm các triệu chứng và lượng virus.

Các nhà nghiên cứu đặt mục tiêu là các liệu pháp kháng thể có thể ngăn COVID-19 nhẹ khỏi trở nên nghiêm trọng. Không có nhiều hy vọng rằng các phương pháp này điều trị sẽ điều trị được cho các trường hợp COVID-19 nghiêm trọng - khi thiệt hại không chỉ do virus SARS-CoV-2 mà còn do chính phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với virus.

Ít nhất mười kháng thể COVID-19 đang được thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng. Nhà hóa học Zhiaqiang An tại Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Texas ở Houston cho biết, “Có thể có sự khác biệt về mức độ,” An nói, “nhưng hầu hết các kháng thể này có thể có một số loại hiệu quả.”

Các nhà nghiên cứu cũng đang tìm cách giảm thiểu khả năng virus kháng lại các phương pháp điều trị bằng kháng thể. Khi chỉ sử dụng một kháng thể, virus có thể phát triển các đột biến kháng thuốc - ví dụ như biến đổi vị trí liên kết - cho phép virus trốn tránh kháng thể. Trong liệu pháp Regeneron dùng cho ông Trump, nguy cơ kháng thuốc được giảm xuống nhờ sử dụng nhiều kháng thể liên kết với các vị trí khác nhau trên virus.

Tuy nhiên, đến nay liệu pháp này vẫn có những hạn chế. Kháng thể đắt và khó chế tạo, ngoài ra, lại cần sử dụng với liều lượng tương đối cao. Một số nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng, ông Trump đã phải sử dụng 8 gam kháng thể - liều lượng cao nhất được thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng. "Đó là một liều lượng khổng lồ," nhà virus học Gerald McInerney thuộc Viện Karolinska ở Stockholm nhận xét. "Ngay cả khi có tác dụng, liều lượng 8 gram sẽ đắt kinh khủng." Các liều đang được thử nghiệm dù thấp hơn - thấp nhất là 2,4 gam - vẫn có chi phí vẫn quá cao để sử dụng rộng rãi như một phương pháp điều trị phòng ngừa.

"Kháng thể" dưới dạng thuốc xịt dự phòng

Một số nghiên cứu đang phát triển các phân tử nhỏ giống như kháng thể được gọi là nanobody, dựa trên một loại kháng thể được sản xuất tự nhiên bởi một số loài lạc đà, bao gồm lạc đà không bướu và lạc đà alpaca. Các nanobody dễ chế tạo hơn kháng thể, và thường có thể được sản xuất trong các tế bào vi khuẩn (có chi phí phát triển và duy trì rẻ hơn nhiều so với các tế bào động vật có vú dùng để sản xuất kháng thể thông thường). Năm ngoái, FDA đã phê duyệt nanobody trị liệu đầu tiên, được gọi là caplacizumab, một phương pháp điều trị một bệnh đông máu hiếm gặp.

Các nhà nghiên cứu đã dùng các protein của virus corona để tạo miễn dịch cho lạc đà alpaca, sau đó phân lập các nanobody do lạc đà tạo ra.

Có nhóm đã phân lập được một nanobody chống lại SARS-CoV-2 từ lạc đà alpaca. Họ đã thiết kế nanobody để cải thiện hoạt tính, độ ổn định và khả năng hoạt động ở người, tuy nhiên nanobody này vẫn chưa được thử nghiệm trên động vật.

Một số nhà nghiên cứu đang hy vọng phát triển các nanobody dưới dạng xịt hoặc hít để bảo vệ trực tiếp các vị trí phơi nhiễm quan trọng: mũi và phổi. Ở Thượng Hải, Trung Quốc, Novamab Biopharmaceuticals đang phát triển các nanobody hít để điều trị bệnh hen suyễn, nhưng đã chuyển sang phát triển các nanobody COVID-19. Yakun Wan, người sáng lập và giám đốc điều hành của công ty cho biết hiện công ty đang tìm kiếm các đối tác quốc tế - đặc biệt là ở các khu vực COVID-19 lây lan mạnh - để giúp họ thử nghiệm lâm sàng.

Nhà hóa sinh học Peter Walter tại Đại học California, San Francisco, hy vọng rằng phương pháp hít trực tiếp vào mũi và phổi sẽ cho phép các nanobody có hiệu quả với liều lượng thấp hơn nhiều so với các kháng thể tiêu chuẩn (cần tiêm và phải di chuyển qua máu đến các vị trí cần thiết). "Chúng tôi dự đoán nanobody sẽ được sử dụng như một loại thuốc xịt dự phòng trước khi bạn lên máy bay hoặc đi dự tiệc," Walter, người cũng đang nghiên cứu một nanobody, cho biết.

Nguồn: