Những khác biệt riêng có trong việc nghiên cứu, phát triển và lưu hành vaccine cho thấy, không thể có được vaccine đặc hiệu cho bệnh tả lợn châu Phi trong một sớm một chiều, dù quá trình này được cả hệ thống chính trị ủng hộ và thúc đẩy.

Các nhà khoa học Trung Quốc lấy mẫu bệnh phẩm. Nguồn: Geopolitical Futures
Các nhà khoa học Trung Quốc lấy mẫu bệnh phẩm. Nguồn: Geopolitical Futures

Vào trung tuần tháng 5, Viện nghiên cứu thú y Cáp Nhĩ Tân – một cơ sở nghiên cứu thú y lâu đời nhất Trung Quốc, đã tuyên bố có được hai ứng cử viên cho loại vaccine dịch tả lợn châu Phi, mới được thử nghiệm có khả năng miễn dịch với bệnh dịch. Ngay sau đó Đài Phát thanh quốc gia Trung Quốc thông báo, trong bước tiếp theo, Viện Hàn lâm Khoa học nông nghiệp Trung Quốc sẽ thúc đẩy tiến trình thử nghiệm trên quy mô nhỏ và các đợt điều trị lâm sàng cũng như sản xuất vaccine.

Thông báo này gây chia rẽ các nhà khoa học trên thế giới. Nhiều người có kinh nghiệm nghiên cứu về vaccine cho vật nuôi dường như cẩn trọng hơn. “Có thể tìm ra được các loại vaccine có hiệu lực trong phòng thí nghiệm nhưng việc áp dụng nó vào thực tế lại ẩn chứa nhiều điều khác biệt”, một chuyên gia quốc tế về dịch tả lợn châu Phi giấu tên, nói. Từ việc đưa một vaccine vào thử nghiệm lâm sàng và sau đó đưa ra thị trường thương mại phải mất nhiều năm. Mặt khác, có tới hai chủng virus tả lợn châu Phi đang lưu hành ở Trung Quốc và một loại vaccine có thể không đủ khả năng chống lại cả hai, ông cho biết thêm.

Tăng đầu tư cho nghiên cứu

Theo một công bố xuất bản vào tháng 10/2018, hai tháng sau khi virus được tìm thấy ở Trung Quốc, đã có trên 100.000 con lợn chết và làm nền kinh tế Trung Quốc mất đi 20 triệu USD.

Chính quyền Trung Quốc cho biết Trung Quốc có khoảng 440 triệu con lợn và theo ước tính không chính thức thì số lượng nhiễm virus có thể chiếm 10% đến 40%.

Chính quyền Trung Quốc đang ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu về loài virus này, khoảng 100 triệu nhân dân tệ (15 triệu USD) cho các dự án, George Gao, Phó chủ tịch Quỹ Khoa học tự nhiên quốc gia ở Bắc Kinh, cho biết.

Việc thực hiện các nghiên cứu này sẽ giúp lấp đầy những thiếu hụt trong hiểu biết về loài virus này, bao gồn cả cấu trúc chi tiết virus và cách nó lan truyền tới vật chủ, sau đó tấn công hệ miễn dịch của chúng. “Chúng tôi không biết mấy về loại virus này,” Gao nói.

Trước khi dịch bệnh bùng phát, các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã bị cấm nghiên cứu loài virus sống này vì bị lo ngại nó sẽ phát tán từ một phòng thí nghiệm nào đó để lây nhiễm trên lợn. Giờ đây thì virus đã hoành hành ở Trung Quốc, các nhà khoa học trong các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp độ hai có thể nghiên cứu trên tế bào của virus, còn các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cao nhất có thể nghiên cứu trên vật nuôi, Gao tiết lộ. “Trong một vài tháng tới, tôi hi vọng là các nhà khoa học Trung Quốc sẽ có nhiều đóng góp cho lĩnh vực này”, ông nói.

Viện Nghiên cứu thú y Cáp Nhĩ Tân (HVRI) là một trong số ít các viện nghiên cứu được phép sử dụng virus sống trong nuôi cấy tế bào, và là nơi duy nhất ở Trung Quốc đủ tư cách để kiểm tra thử khả năng lây nhiễm trên lợn, điều thiết yếu trong phát triển vaccine, Viện trưởng Bu Zhigao cho biết, họ đang tìm hiểu sự miễn dịch tự nhiên ở lợn với bệnh dịch tả nhằm tìm ra các loại thuốc và phát triển các kỹ thuật chẩn đoán mới nhưng do virus đang lan rộng và việc phát triển vaccine được ưu tiên hàng đầu, Zhigao hé lộ thông tin, dẫu không cho biết chi tiết về nghiên cứu này.

Pfeiffer nói, ông đã nghe các nhà nghiên cứu HVRI trình bày nghiên cứu về một loại vaccine tiềm năng tại hội thảo về dịch tả lợn tại Bắc Kinh vào ngày 9/4/2019 và được biết là loại vaccine đang được thử nghiệm này có sử dụng một chủng ít độc lực của virus gây bệnh nhằm kích hoạt sự phản hồi của hệ miễn dịch – được biết với tên gọi vaccine giảm độc lực – thay vì sử dụng một chủng bị bất hoạt hay một phần của loài virus này. Ưu điểm của các vaccine giảm độc lực là chúng có xu hướng tạo ra một phản ứng mạnh và lâu dài hơn so với các vaccine bất hoạt, Dixon nhận xét.

Áp lực chính trị

Nhưng cả Pfeiffer và Dixon đều lo ngại về áp lực chính trị quá lớn tại Trung Quốc với mục tiêu nhanh chóng có bằng được một loại vaccine. “Phát triển vaccine là một thứ cần được thực hiện với sự thận trọng cao độ,” Pfeiffer nói.

Các loại vaccine giảm độc lực được làm trên virus sống, và đó là một rủi ro bởi loài vi sinh vật này có thể vẫn sống một cách dai dẳng để lan truyền, và là nguyên nhân dẫn đến những phản ứng ngược trên lợn, Pfeiffer cho biết thêm. “Nó không khác gì đùa với lửa,” ông ví von.

Một điều khác là để giám sát xem liệu một vaccine có ngăn ngừa sự sao chép của loài virus này trên vật chủ hay không, Dixon nói. Nếu vaccine không làm được điều đó, các con lợn được tiêm vaccine có thể không lộ rõ triệu chứng mắc bệnh, dẫn đến khả năng lây nhiễm sang những con chưa được tiêm. Vào những năm 1960, một lượng lớn vật nuôi ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã được tiêm một loại vaccine giảm độc lực của một bệnh, dẫn đến tình trạng nguy hiểm do nhiễm virus mãn tính và vẫn lây nhiễm lan truyền.

Với kinh nghiệm từng tham gia nhóm nghiên cứu đầu tiên phát hiện ra chuỗi biến dị mới của virus tả lợn châu Phi tại Georgia năm 2007 - một cuộc bùng phát đưa virus này từ Caucasus lan rộng tới châu Âu, Dixon cho rằng, việc có một loại vaccine mới là tốt nhưng có thể vẫn cần nhiều năm theo dõi nó.

Những nghiên cứu khác

Vào tháng 1/2019, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Sức khỏe và miễn thú y Trung Quốc ở Thanh Đảo đã công bố một công trình về giải trình tự hệ gene của chủng virus địa phương, trong đó họ cho biết nó tương tự với một biến dị bị phân ly ở Ba Lan năm 2015 và hiện vẫn đang có mặt ở châu Âu. Vào tháng 2/2019, các nhà nghiên cứu của HVRI cho biết, đã xác định được là virus có trong lá lách lợn bị lây nhiễm là độc nhất, có khả năng làm lợn chết và vẫn giữ nguyên độc tính khi lây truyền từ lợn sang lợn. Zhigao – tác giả chính của nghiên cứu, nhận xét, các kết quả này sẽ giúp tăng cường các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Các trang trại nuôi lợn quy mô nhỏ cũng là nguồn thu vô cùng quan trọng với hàng triệu gia đình Trung Quốc, anh nói. Vì thế “chúng tôi phải kiểm soát được dịch bệnh này, vấn đề mất bao nhiêu tiền không quan trọng“, anh cho biết thêm.

Bên ngoài Trung Quốc, có lo ngại là dịch bệnh này sẽ lan rộng tới những quốc gia thiếu nguồn lực và cơ sở hạ tầng để có thể kiểm soát chúng, Dixon nhận xét. Hiện virus này đã băng qua biên giới tới các quốc gia láng giềng như Mông Cổ, Việt Nam, Campuchia. “Có lẽ Lào sẽ là điểm lây nhiễm tiếp theo”, Dixon dự đoán. Các quan chức ở Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… đang hết sức lo ngại, bà cho biết.