Trong khi một số nước đang lo ngại về làn sóng Covid-19 thứ hai có thể quay lại thì tình hình bệnh dịch ở nước Mỹ vẫn phức tạp và được dự đoán là vẫn đang hoành hành ở những nơi mất cảnh giác. Và dường như làn sóng dịch bệnh đầu tiên sẽ không thể thực sự kết thúc ở Mỹ.

Coronavirus. Nguồn: Pixabay
Coronavirus. Nguồn: Pixabay

Một số tiểu bang đang có số ca nhiễm mới giảm hoặc duy trì ổn định ở mức thấp, nhưng tình hình bệnh dịch đang tăng mạnh ở nhiều nơi khác. Vào cuối tháng 6 vừa qua, tốc độ lây lan đã vượt đỉnh cao nhất hồi đầu tháng Tư nhưng nước Mỹ vẫn dỡ bỏ bớt các lệnh hạn chế, giãn cách xã hội.

Khi nhìn thấy những con số gia tăng này vào tháng 6 vừa qua, nhiều người thắc mắc liệu đây có phải là làn sóng thứ phát đầy đáng sợ của đại dịch? Coronavirus lại trỗi dậy và hoành hành thêm một lần nữa?

Thực ra là vẫn chưa có một định nghĩa dịch tễ chính xác về thời điểm một làn sóng bắt đầu hay kết thúc (ở Mỹ). Melissa Hawkins, một nhà dịch tễ học và nhà nghiên cứu y tế cộng đồng tại Sở Nghiên Cứu Sức Khỏe, American University cho rằng hai yếu tố cần thiết phải được đáp ứng trước khi tuyên bố một làn sóng đại dịch thứ phát diễn ra. Đầu tiên, virus sẽ phải được kiểm soát và việc lây truyền giảm xuống mức rất thấp. Đó sẽ là kết thúc của làn sóng đầu tiên. Sau đó, virus sẽ xuất hiện trở lại, dẫn đến sự gia tăng lớn các ca nhiễm và các trường hợp nhập viện.

Nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Á đã kết thúc làn sóng đầu tiên và kiểm soát thành công. New Zealand và Iceland cũng tương tự. Hiện tại ở những nước này về cơ bản là không có ca nhiễn coronavirus trong cộng đồng, với mức độ lan truyền rất thấp và chỉ có một số ít trường hợp lây nhiễm nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Còn ở Mỹ, sự tăng đột biến diễn ra vào tháng 3 và tháng 4. Sau đó, tình hình có xu hướng giảm do các hướng dẫn và thực hiện cách li xã hội. Tuy nhiên, Mỹ đã không thể giảm lây lan xuống con số thấp được và rất khó duy trì mức giảm theo thời gian. Cho đến tháng Năm và đầu tháng Sáu, con số mắc mới vẫn không suy suyển – với khoảng 25.000 trường hợp mắc bệnh mới mỗi ngày.

Mỹ đang dần mất đi sự ổn định, các ca nhiễm không ngừng tăng lên. Ngoài ra, tỷ lệ các xét nghiệm coronavirus dương tính đang tăng mạnh. Điều này cho thấy không chỉ đơn giản là kết quả của nhiều thử nghiệm, mà còn thể hiện sự gia tăng và lan rộng của đại dịch.

Mặc dù số lượng tử vong mỗi ngày không leo thang, nhưng một số đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) của bệnh viện gần đây đã đạt đến công suất tối đa. Vào ngày 22 tháng 6, Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ cho biết, “cái chết sẽ sớm theo sau sự gia tăng của các trường hợp nhiễm mới”.

Tiểu bang khác nhau, xu hướng khác nhau

Số ca nhiễm mới vẫn tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại trong khi tình hình dỡ bỏ giãn cách xã hội ở các bang rất khác nhau.
Số ca nhiễm mới vẫn tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại trong khi tình hình dỡ bỏ giãn cách xã hội ở các bang rất khác nhau.

Trong tình hình hiện nay, có thể phân làm bốn trạng thái khác nhau về tình hình dịch bệnh của các tiểu bang ở Mỹ:

1. Những nơi mà làn sóng đầu tiên kết thúc: Các tiểu bang ở Đông Bắc và một vài nơi rải rác trải qua những đợt tăng lớn ban đầu nhưng sau đó có thể kìm mức độ lây lan lại và thực sự đã làm giảm các ca nhiễm trùng mới. New York là một ví dụ tốt về điều này.

2. Các khu vực vẫn nằm trong làn sóng bệnh dịch đầu tiên: Một số bang ở miền Nam và miền Tây như Texas và California đang chứng kiến ​​sự gia tăng lớn và không có dấu hiệu chậm lại.

3. Các địa điểm ở giữa: Nhiều tiểu bang bùng phát dịch sớm trong đợt đầu tiên đã cố gắng làm chậm quá trình lây lan như Bắc Dakota - hoặc hiện đang tăng mạnh - như Oklahoma.

4. Những nơi đang trải qua làn sóng thứ hai: Nhìn nhận ở cấp độ tiểu bang, Hawaii, Montana và Alaska có thể được xem là đang trải qua làn sóng thứ hai. Mỗi tiểu bang trải qua các đợt bùng phát ban đầu tương đối nhỏ và có thể kiểm soát. Nhưng hiện tại, tất cả đều đang trải qua sự tăng đột biến một lần nữa.

Các chuyên gia không ngạc nhiên về các xu hướng khác nhau này vì các tiểu bang đã xử lý việc mở cửa trở lại khá khác nhau. Và nếu chưa thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lan rộng đại dịch ra toàn quốc, virus có thể đi đến bất kì đâu và làn sóng đầu tiên sẽ không kết thúc.

Làn sóng thứ 2 sẽ như thế nào?

Mặc dù thời điểm hiện tại chưa có dấu hiệu cho thấy Mỹ kiểm soát bệnh dịch thành công trên quy mô cả nước, nhưng các chuyên gia cũng vẫn giả định rằng Mỹ sẽ kiểm soát được virus trước khi vaccine được phát triển. Nếu làm được điều đó thì Mỹ sẽ phải bắt đầu nghĩ đến làn sóng bùng phát đại dịch thứ cấp. Câu hỏi về bùng phát đại dịch lần thứ hai này sẽ như thế nào, phụ thuộc phần lớn vào hành vi của mọi người.

Ví dụ, đại dịch cúm năm 1918 bắt đầu bằng một làn sóng nhẹ vào mùa đông 1917-1918 và kết thúc vào mùa hè. Sau khi các lệnh hạn chế và cách li được dỡ bỏ, mọi người nhanh chóng quay lại cuộc sống bình thường. Nhưng làn sóng chết người thứ hai vào mùa thu 1918 và thứ ba vào mùa xuân 1919 đã quay trở lại. Tổng cộng, 500 triệu người bị nhiễm bệnh và hơn 50 triệu người chết trong ba đợt bùng phát đại dịch trên. Chính sự trở lại nhanh chóng cuộc sống bình thường và sự đột biến trong bộ gene của virus cúm đã khiến nó trở nên nguy hiểm và dẫn đến kết quả khủng khiếp như vậy.

Rất may, coronavirus dường như ổn định về mặt di truyền hơn nhiều so với virus cúm, và do đó ít có khả năng biến đổi thành một biến thể nguy hiểm hơn. Phần còn lại của yếu tố rủi ro chính phụ thuộc vào hành vi của con người.

Cho đến khi có các điều trị có hiệu quả hoặc vaccine được phát triển, các biện pháp y tế cộng đồng đang cho thấy sự đúng đắn trong thời gian vừa qua. Cách li xã hội, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, tránh tụ tập đông đúc,… là những cách để ngăn chặn sự lây nhiễm của virus, từ đó ngăn chặn các làn sóng thứ phát. Một khi có những đợt bùng phát như những gì đang xảy ra ở Mỹ, các chính sách mở cửa trở lại cần phải được hoãn.

Tác giả: Melissa Hawkins, Giám đốc Chương trình nghiên cứu sức khỏe, American University

Nguồn: Discovermagazine.com