Delta được phát hiện lần đầu tiên cách đây một năm và giờ đây đang là biến thể chiếm ưu thế trên toàn cầu. Delta có thực sự là biến thể kết thúc của Covid-19 hay có điều gì đó đáng ngại hơn đang xuất hiện và đe dọa tương lai? Đó là một câu hỏi mà cho đến giờ không ai hoàn toàn chắc chắn về câu trả lời.

Kể từ lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 12/2020, biến thể Delta của virus Sars-CoV-2 đã trở nên phổ biến đến mức theo Tổ chức Y tế Thế giới, 99,5% tất cả các trình tự gene Covid-19 được ghi nhận cho cơ sở dữ liệu hiện nay đều là Delta. Cho đến gần đây, một số chủng mới bắt đầu xuất hiện, chẳng hạn như AY. 4.2 hoặc biến thể Delta Plus thuộc loại “cháu của Delta” ở Anh. Các nhà khoa học ước tính các biến chủng này có khả năng lây truyền cao hơn 10-15% và gần như giống hệt với biến thể Delta, ngoại trừ một vài đột biến nhỏ.

Các nhà dịch tễ cho rằng chỉ phủ vaccine là không đủ, mà vẫn cần có một số hạn chế để hạn chế sự lây lan của virus và giảm cơ hội để nó nhân đột biến lên.

Chúng ta sẽ thấy một siêu biến thể?

Đến nay các nhà khoa học vẫn quét các cơ sở dữ liệu y sinh mỗi tuần là để kiểm tra và dự đoán điều gì có thể xảy ra tiếp theo. Delta có thực sự là biến thể kết thúc của Covid-19 hay có điều gì đó đáng ngại hơn đang xuất hiện và đe dọa tương lai? Đó là một câu hỏi mà cho đến giờ không ai hoàn toàn chắc chắn về câu trả lời.

Một khả năng đầu tiên mà các nhà khoa học dự đoán có thể xảy ra là: sau những bước nhảy đáng kể trong trình tự di truyền của virus, tạo ra biến chủng Alpha đầu tiên, sau đó là Delta, Sars-CoV-2 giờ đây sẽ đột biến từ từ và ổn định, cuối cùng vượt được ra khỏi tầm bảo vệ của các loại vaccine hiện tại. Nhưng các nhà khoa học cũng chưa thực sự biết bao lâu nữa thì Sars-CoV-2 sẽ đạt đến ngưỡng này. Ý kiến của giới khoa học vẫn còn khá khác nhau, trong khi một số nhà khoa học cho rằng đây mới chỉ là suy đoán bước đầu, một số khác lại cho rằng đây sẽ là kết quả có khả năng xảy ra nhất.

Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền UCL, cho biết: “Tôi dự đoán virus dần dần tiến hóa để thoát khỏi hệ thống miễn dịch”. Nghiên cứu về virus cúm và các loại coronavirus khác mà các nhà khoa học đã biết khá rõ thì cho thấy rằng khoảng thời gian để virus tích lũy đủ những thay đổi tới mức mà các kháng thể trong máu không nhận ra được là 10 năm.

Nhưng cũng có khả năng xảy ra là sẽ có một chủng hoàn toàn mới, với khả năng lây truyền mạnh hơn, độc lực cao hơn hoặc các đặc tính né tránh miễn dịch có thể thay đổi tiến trình đại dịch sớm hơn thế. Ravi Gupta, giáo sư vi sinh lâm sàng tại Đại học Cambridge, gọi những chủng này là “siêu biến thể” và nói rằng ông tin chắc 80% rằng một chủng khác sẽ xuất hiện. Gupta nhận định đang có một đại dịch Delta vào lúc này nhưng ông cũng dự báo là “điều không thể tránh khỏi rồi sẽ có một biến thể quan trọng khác trong hai năm tới, nó sẽ cạnh tranh với Delta và nó có thể vượt xa Delta”.

Câu hỏi là khi nào?

Thời gian gần hai năm qua của đại dịch cho chúng ta thấy một hiện tượng được gọi là tái tổ hợp virus, trong đó các biến chủng khác nhau của Sars-CoV-2 “giao lưu” trao đổi các đột biến và kết hợp để tạo thành một chủng hoàn toàn mới. Dù may mắn là quá trình tái tổ hợp này không quá phổ biến đến mức con người liên tục phải đối diện với những chủng mới siêu nguy hiểm mà chỉ có một số biến thể như chúng ta đã biết nhưng tái tổ hợp vẫn đang là một nguồn đáng chú ý để sinh ra một siêu biến thể mới, đặc biệt là ở những nơi trên thế giới chưa thể tiêm chủng cho phần lớn dân số khiến các chủng virus có thể lưu hành tự do.

Gupta nhận định: “Bây giờ Delta đang là chủng chủ chốt áp đảo. Nhưng có những vùng đất rộng lớn trên hành tinh này mà chúng tôi không lấy mẫu được và chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Vì vậy, [việc sẽ sinh ra biến chủng mới] là một khả năng rất thực tế”.

Điều thứ hai mà các nhà khoa học lo ngại là một loạt các đột biến lớn, có thể dẫn đến khả năng là sẽ có một “phiên bản Delta được nâng cấp mạnh hơn” hoặc một điều gì đó rất khác mà các nhà khoa học chưa biết tới. Chủng Delta vẫn còn “dư địa” để phát triển thêm khả năng này.

Trong những tuần gần đây, khi một số loại thuốc kháng virus như thuốc Molnupiravir được đưa vào sử dụng thì các nhà khoa học đã bắt đầu lo ngại những thuốc kháng virus này có thể gây ra một tác dụng phụ không mong đợi là góp phần “khuyến khích” Sars-CoV-2 phát triển hơn. Thuốc kháng viurs Molnupiravir hoạt động bằng cơ chế can thiệp vào khả năng tái tạo của virus đến khi nó không thể sinh sản được nữa. Một số nhà virus học lo ngại rằng nếu bất kỳ đột biến virus nào trong số này vẫn tiếp tục lọt lưới tồn tại và lây lan sang những người khác, thì về mặt lý thuyết, điều đó có thể thúc đẩy sự gia tăng của các biến thể mới.

Không dừng lại ở đó, Gupta còn đang nghĩ tới một vấn đề lớn hơn, đó là một nguy cơ với các nước đã phủ đủ vaccine như nước Anh nhưng sau đó để xảy ra tình trạng lây lan không kiểm soát. Gần đây con số người lây nhiễm ở Anh đã tăng do Delta vẫn lây truyền giữa những người đã được tiêm chủng đầy đủ cả hai mũi. Ông cho biết: “Càng có nhiều ca nhiễm mỗi ngày, thì càng có nhiều khả năng có ai đó ngoài kia, chẳng hạn như một bệnh nhân X, bị nhiễm bệnh và các tế bào T của họ không đủ mạnh để loại bỏ nhiễm trùng vì chúng bị ức chế miễn dịch”. Vì vậy, khi họ bị nhiễm virus trong một số ngày; sẽ có một số kháng thể cố gắng hạ gục virus nhưng sau đó virus lại có phản ứng chống lại, học cách thoát khỏi vaccine và lại tràn ra ngoài.

Đầu năm nay, Gupta đã xuất bản một công bố cho thấy quá trình này có thể xảy ra ở những bệnh nhân bị bệnh nặng đã được sử dụng huyết tương chứa kháng thể diệt virus. Bởi vì hệ thống miễn dịch của họ vẫn không thể loại bỏ virus nên virus đã học cách đột biến để kháng lại các kháng thể. Các nhà khoa học cũng đã suy đoán rằng việc sử dụng rộng rãi huyết tương chứa kháng thể để chống virus trong thời kỳ đầu của đại dịch cũng là một nguyên nhân thúc đẩy sự xuất hiện của các biến thể.

Vaccine thế hệ thứ hai

Các nhà dịch tễ học đang cố gắng mô hình hóa một hình dung về siêu biến thể mới trông như thế nào. Cho đến nay, những biến đổi chính trong virus đã giúp tăng khả năng lây truyền của nó. Một trong những nguyên do tại sao biến thể Delta lại có tác động như vậy là bởi vì nó phát triển cực kỳ nhanh chóng bên trong các tế bào của con người, trước khi hệ thống miễn dịch bắt đầu hoạt động và chiến đấu chống trả lại virus. Kết quả là, những người bị nhiễm Delta mang tải lượng virus (tức là số hạt virus) trong mũi nhiều hơn khoảng 1.200 lần so với những người bị nhiễm chủng Sars-CoV-2 ban đầu từ Vũ Hán. Đồng thời người bệnh nhiễm Delta xuất hiện các triệu chứng sớm hơn từ hai đến ba ngày so với chủng gốc.

Đây là kết quả của một quá trình chọn lọc tự nhiên. Virus sinh sôi phát triển bằng cách tự sao chép chính mình, nhưng những bản sao tồn tại và trở nên thống trị hơn là những bản sao có khả năng lây nhiễm sang người mới cao hơn. Tuy nhiên, ở các quốc gia như Anh, nơi tỷ lệ dân số không được tiêm chủng đang giảm dần, điều này có thể bắt đầu thay đổi. Các chủng có thể vượt qua các kháng thể có khả năng chiếm ưu thế hơn, khiến cho siêu biến thể tiếp theo có nhiều khả năng có thể né tránh phản ứng miễn dịch hoặc ít nhất một số phần của phản ứng miễn dịch.

Mặc dù điều này nghe có vẻ gây kinh hãi cho công chúng, nhưng đó không phải là một tin quá xấu. Vì vaccine Covid-19 được thiết kế với mục đích hướng tới sự tiến hóa của virus và vì thế rất khó dẫn tới đợt bùng phát nghiêm trọng nào nữa. Ngoài ra, vaccine Covid-19 thế hệ thứ hai đã được phát triển. Nhà phát triển vaccine Novavax đang hy vọng sẽ nhận được sự chấp thuận trong vài tháng tới, trong khi nhiều loại vaccine khác dự kiến ​​sẽ được tung ra thị trường từ nay đến năm 2023. Các nhà phát triển vaccine đều đang nỗ lực để nghiên cứu cập nhật, chống lại các biến thể tiềm năng trong tương lai.

Karin Jooss, Phó Chủ tịch điều hành kiêm trưởng phòng R&D của Công ty Dược phẩm Gritstone tại Mỹ, có vaccine Covid-19 thế hệ thứ hai trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I, cho biết rằng các công ty đang giải trình tự tất cả các chủng Sars-CoV-2 hiện có và hướng tới tạo ra các phản ứng kháng thể vô hiệu hóa.

Nhưng các nhà dịch tễ học cũng lưu ý rằng chỉ dựa vào vaccine là không đủ. Gupta nói rằng ngay cả khi người ta đang cố gắng tìm cách sống chung với Covid-19 ở Anh, thì vẫn cần có một số hạn chế để hạn chế sự lây lan của virus và giảm cơ hội để nó nhân đột biến lên.

Điều không thể tránh khỏi là sẽ có một biến thể quan trọng khác trong hai năm tới - và nó có thể vượt xa Delta.

GS. Ravi Gupta - Đại học Cambridge

Nguồn: The Guardian