Năm 2020, ngành KHXN&NV tại Việt Nam đạt những mốc quan trọng về năng suất, năng lực, và ảnh hưởng.
Các kết quả được trình bày sau đây dựa trên dữ liệu được trích xuất vào 12 giờ trưa ngày 26/1/2021 từ cơ sở dữ liệu SSHPA.
Số lượng: Tăng 20%
Năm 2020, ngành KHXH&NV Việt Nam công bố 1.064 bài báo quốc tế - gồm các bài nghiên cứu gốc, bài rà soát tổng quan, bài quan điểm. Như vậy, đây là năm đầu tiên ngành KHXH&NV Việt Nam vượt qua mức 1.000 công bố.
Kết quả này đạt được trong điều kiện nghiên cứu khó khăn do dịch Covid-19. Ví dụ, thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội có thể gây gián đoạn các khảo sát thực địa để thu thập dữ liệu hoặc gây khó khăn trong việc trao đổi thông tin giữa các tác giả, dẫn đến giảm số bài nghiên cứu. Theo thông tin cơ sở dữ liệu ghi nhận được đến ngày 26/1/2021, số công bố của ngành KHXH&NV năm 2020 chỉ tăng 20% so với năm 2019, trong khi số công bố năm 2019 tăng 50% so với năm 2018. Ngoài ra, nhiều hội thảo quốc tế cũng bị hủy hoặc hoãn do dịch Covid-19, dẫn đến giảm số bài công bố hội thảo.
Dù gây nhiều trở ngại, không thể phủ nhận dịch Covid-19 đồng thời mang đến cơ hội hiếm có cho các nhà nghiên cứu thuộc nhiều ngành khác nhau. Sự xuất hiện của chủ đề “Covid-19” không chỉ thu hút mối quan tâm của các học giả trong lĩnh vực Y Dược mà còn lan tỏa đến các lĩnh vực khác - từ Kinh tế đến Giáo dục, Xã hội.
Ảnh hưởng quốc tế: Có bài báo được trích dẫn gần 900 lần
Năm qua cũng là quãng thời gian các bài báo liên quan đến Covid-19 được ưu tiên xử lý và xuất bản. Theo ghi nhận của CSDL SSHPA, trong năm 2020, các nhà nghiên cứu Việt Nam đóng góp 70 bài về Covid-19; trong đó, Y học đóng góp nhiều nhất với 39 bài (55,7%); tiếp đến là Kinh tế với 19 bài (27,1%); Giáo dục và Xã hội học đóng góp 8 bài (11,4%).
Các nghiên cứu không chỉ cho thấy dịch Covid-19 đã tác động đến nhiều ngành nghề, mà còn kịp thời đưa ra bằng chứng và tư liệu khoa học phục vụ công tác phòng chống dịch tại Việt Nam và các quốc gia khác. Ví dụ, nhóm tác giả tại Viện Pasteur TPHCM và Bệnh viện Chợ Rẫy đã được đăng dưới dạng thư liên lạc (correspondence) trên tạp chí The New England Journal of Medicine (JIF = 74.699) về trường hợp lây nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam. Bài được đăng vào ngày 28/1/2020, trước khi dịch bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều quốc gia, và được trích dẫn 887 lần (tính đến ngày 26/1/2020, theo Google Scholar).
Các nghiên cứu của Việt Nam đã được sử dụng trong nhiều báo cáo, công bố khoa học trên thế giới. Nghiên cứu “The first infant case of Covid-19 acquired from a secondary transmission in Vietnam” (tạm dịch: Trường hợp trẻ sơ sinh đầu tiên nhiễm Covid-19 do lây truyền thứ cấp ở Việt Nam), được thực hiện bởi nhóm tác giả ở Viện Nhi Trung ương và đăng trên tập san The Lancet Child & Adolescent Health, đã được trích dẫn bởi các bài báo quốc tế từ nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Ý, Ireland, Tây Ban Nha, Trung Quốc, và Ai Cập. Sức lan tỏa cho thấy ảnh hưởng quốc tế của các tác giả Việt Nam trong nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 trên thế giới.
Năm qua, ngoài các vấn đề liên quan tới Y tế và Covid-19, các tác giả Việt Nam cũng tiếp tục đóng góp các công bố trên một số tạp chí quốc tế uy tín thuộc chuyên ngành khác. Ví dụ, ngày 19/10/2020, nhóm nghiên cứu do tác giả Nguyễn Thị Thu Hà (Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học KHXH&NV Hà Nội) đứng đầu đã công bố trên tạp chí Learned Publishing (JIF = 2.606) bài viết về Hội nhập công bố quốc tế trong cộng đồng học thuật Việt Nam giai đoạn 1986-2020. Learned Publishing là một trong những tạp chí khoa học hàng đầu về truyền thông và xuất bản khoa học.
Số tác giả mới: Lần đầu giảm sau gần một thập kỷ
Số lượng công bố tăng cao trong năm vừa qua, nhưng số lượng tác giả tham gia công bố trong năm 2020 chỉ tăng thêm 198 người (8%) so với năm 2019. Trong số 2.461 tác giả có bài trong năm 2020, 605 tác giả lần đầu tiên có bài công bố trong cơ sở dữ liệu (tác giả mới), giảm 40 tác giả so với năm 2019. Điều này đã làm tạm dừng sự tăng trưởng số lượng tác giả mới liên tục gần một thập kỷ. Có thể thấy, đại dịch Covid-19 đã lấy đi cơ hội tham gia nghiên cứu của một số tác giả mới trong ngành. Sự tăng trưởng về số bài nghiên cứu phần lớn là do các tác giả hoặc nhóm tác giả đã có công bố vào các năm trước.