Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc Đại học Stanford và Harvard, Mỹ đã chỉ ra rằng, biến thể gene GDF5 gây ra đột biến giúp người tiền sử sống sót được trong khí hậu tê cóng, khắc nghiệt lại là nguyên nhân tăng khả năng bị bệnh viêm khớp.
Theo các nhà nghiên cứu, biến thể của gen GDF5 - có liên quan tới sự phát triển của xương cũng như sự hình thành khớp nối – gây ra 2 tác dụng đối với người mang nó: giảm sự gia tăng chiều dài của xương (đồng nghĩa với giảm chiều cao) và làm gia tăng khả năng bị bệnh viêm khớp.
“Biến thể làm giảm chiều cao làm giảm hoạt động của GDF5 trong các mảng tăng trưởng của xương. Điều thú vị là vùng chứa biến thể này lại có liên quan tới đột biến khác, có ảnh hưởng tới hoạt động của GDF5 trong khớp nối, từ đó làm tăng nguy cơ bị viêm xương ở đầu gối và hông” – nhà sinh học tiến hóa người Terence Capellini thuộc Đại học Harvard cho hay.
Trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học cũng tìm thấy một vùng DNA chưa từng được biết đến, bao quanh gene GDF5. Trong vùng này, họ tìm thấy có sự thay đổi của nucleotide – điều thường thấy ở người châu Á, châu Âu mà ít thấy ở người châu Phi. Họ cho rằng, chính sự thay đổi gene này đã giúp loài người hiện đại thích ứng với khí hậu vùng đất mới khi rời châu Phi khoảng 50-100.000 năm trước.
“Đột biến gene này là lựa chọn có điều kiện. Nó xuất hiện ở hàng tỷ người và có vẻ như nó là nguyên nhân khiến hàng triệu người bị viêm khớp trên toàn thế giới” – David Kingsley – một nhà sinh học thuộc Đại học Standford cho hay.
Các nhà khoa học cho rằng một cấu trúc hoàn hảo với xương ngắn hơn có thể giúp người hiện đại giảm thiểu nguy cơ bị gãy xương và gặp phải những chấn hương nguy hiểm. Và chính lợi ích này đã thắng được những cơn đau khớp.
“Có thể việc phải trèo leo trong thời tiết giá lạnh là một yếu tố nguy cơ dẫn tới việc lựa chọn biến thể gene, dù điều này có thể mang lại một số căn bệnh có liên quan tới tuổi tác về sau khi bệnh viêm khớp” – Kingsley giải thích.
Ngoài việc giảm thiểu gẫy xương, có vẻ như việc giảm chiều cao giúp người hiện đại chống chọi được với những hiểm nguy khác, gây ra bởi khí hậu lạnh.
“Việc giảm chiều cao giúp con người bảo toàn được hơi ấm và giảm nguy cơ bị tê cóng trong thời tiết khắc nghiệt” - David Kingsley giải thích thêm.
Hiền Thảo (theo SA)