Bộ sưu tập thực vật được thu thập từ sườn đồi Bologna 500 năm về trước đang mở ra cho các nhà khoa học một con đường xuyên về quá khứ, soi tỏ cách những biến chuyển về khí hậu và hoạt động di cư lẫn giao thương của con người đang làm thay đổi cảnh quan ở miền Bắc nước Ý như thế nào.
Từ năm 1551 đến năm 1586, nhà tự nhiên học thời Phục hưng Ulisse Aldrovandi đã chọn lọc từng bông hoa chiếc lá để từ đó cắt và sấy khô 5.000 loại thực vật tinh xảo, tạo thành một trong những bộ sưu tập phong phú nhất vào thời đó.
Mục đích ban đầu của ông là xác định các loài thực vật và tìm hiểu xem loài nào có thể được sử dụng cho mục đích bào chế dược phẩm. Theo nghiên cứu mới được Hiệp hội Hoàng gia công bố, gần nửa thiên niên kỷ sau, các mẫu vật được ép cẩn thận của Aldrovandi đang giúp các nhà thực vật học ghi lại những thay đổi to lớn diễn ra trong thiên nhiên khu vực.
Vào thời của Aldrovandi, những ngọn đồi ở Bologna tràn ngập cây cỏ - nhiều loài trong số đó ngày nay đang bị đe dọa hoặc thậm chí đã biến mất, chẳng hạn như cây ích mẫu (Leonurus cardiaca), được sử dụng cho mục đích y học và hiện rất có thể đã biến mất khỏi khu vực. Các nhà nghiên cứu cho biết tổng số loài đã tăng lên kể từ những năm 1500, nhưng chất lượng của hệ thực vật lại giảm, với nhiều loài quý hiếm đang dần biến mất. Kể từ đó đến nay, dân số Ý đã tăng 560%.
Bộ sưu tập tiêu bản của Aldrovandi gồm 15 cuốn sổ, mỗi cuốn chứa tới 580 mẫu vật được dán vào các tờ giấy. Bộ sưu tập bao gồm các ghi chú về mức độ hiện diện, sự phong phú, sinh thái học, tên gọi dân gian và công dụng của loài trong y học dân gian. Các nhà nghiên cứu tin rằng đây là bộ sưu tập tiêu bản thực vật lâu đời nhất có chứa những ghi chú chi tiết như vậy. “Từ góc độ lịch sử và khoa học, không thể đánh giá hết tầm quan trọng của những tiêu bản này”, các nhà nghiên cứu viết. “Bộ sưu tập của Aldrovandi lưu giữ ký ức về những dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự chuyển đổi cơ bản của hệ thực vật và môi trường sống ở châu Âu”.
Một phần của sự biến đổi đó là tình trạng xâm lấn của các loài ngoại lai. Vào thời điểm Aldrovandi thực hiện bộ sưu tập, chỉ có 4% số hoa là loài du nhập từ Mỹ, hầu như chỉ được trồng trong các vườn tư nhân hoặc vườn bách thảo. Các loại cây như ớt ngọt và bí xanh được nhập khẩu từ Trung và Nam Mỹ. Kể từ đó, số lượng thực vật từ châu Mỹ đã tăng 10 lần, điều này cho thấy vai trò của các tuyến đường giao thương Mỹ-Châu Âu từ thời Phục hưng trở đi ngày càng gia tăng.
“Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thấy con số tăng lên khủng khiếp đến vậy", trưởng nhóm nghiên cứu, TS. Fabrizio Buldrini thuộc Đại học Bologna, cho biết. “Xét theo nghĩa nào đó, mức độ gia tăng này thật đáng sợ bởi vì chúng là dấu hiệu rõ ràng cho thấy tác động sâu rộng của con người lên tự nhiên.”
Nhóm của TS. Buldrini đã so sánh các loài thực vật do Aldrovandi thu thập với những bộ sưu tập do Girolamo Cocconi thực hiện năm 1883 và cả các hồ sơ ghi chép về thực vật trong vùng Emilia-Romagna từ năm 1965 đến năm 2021. Các nhà khoa học đối chiếu dữ liệu khu vực đồng bằng bao bọc xung quanh Sông Po và các nhánh của nó.
Dữ liệu cũng cho thấy ảnh hưởng của “thời kỳ băng hà nhỏ” kéo dài đến giữa những năm 1800. Các loài sinh trưởng ở vùng núi cao như hoa phong lữ thường được tìm thấy ở độ cao hơn 1.700 mét so với mực nước biển, nhưng Cocconi lại tìm thấy nó ở độ cao 800 mét so với mực nước biển. Mao lương hoa vàng núi hiện chỉ được tìm thấy ở độ cao trên 1.000 mét, nhưng trong “thời kỳ băng hà nhỏ” nó đã sinh trưởng ở độ cao 300 mét.
Aldrovandi đã giúp dựng nên vườn thực vật của thành phố - một trong những vườn thực vật sớm nhất ở châu Âu, đưa Bologna trở thành “cái nôi của thực vật học và thảo mộc hiện đại”.
Tiếp nối nỗ lực này, từ những năm 1970, đã có một dự án lập bản đồ toàn bộ hệ thực vật trong khu vực, tạo ra một cơ sở dữ liệu với hơn 500.000 hồ sơ.
Các nhà nghiên cứu cho biết, nhìn chung, phát hiện này nêu bật tầm quan trọng việc lưu giữ thực vật ép khô. “Gần đây, giới khoa học có xu hướng loại bỏ những bộ sưu tập này - bởi họ cho rằng chúng quá bụi bặm, cồng kềnh, tạo ra gánh nặng không cần thiết, tốn nhiều tiền để duy trì và thực tế không có tiềm năng ứng dụng vào nghiên cứu hiện đại. Định kiến này hoàn toàn sai lầm: các tiêu bản thảo mộc là ngân hàng dữ liệu không thể thiếu và không thể thay thế trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu,” Buldrini nói.
Theo nền tảng tra cứu thảo mộc trực tuyến Index Herbariorum, hiện tại các nhà khoa học trên thế giới đang lưu giữ khoảng 390 triệu mẫu vật thảo mộc. “Việc loại bỏ chúng chẳng khác gì loại bỏ các kho lưu trữ lịch sử, dấu ấn kỷ niệm, hay bộ sưu tập nghệ thuật của chính chúng ta”, Buldrini nói thêm.