Đoạn video trên mô tả sao Mộc, hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt Trời và Vết Đỏ Lớn nổi tiếng của nó. Những quan sát từ Kính viễn vọng không gian Hubble thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy Vết Đỏ Lớn, cơn bão xoáy khổng lồ hoành hành trên sao Mộc suốt 300 năm qua đang tiếp tục co lại và thay đổi màu sắc.
Vết Đỏ Lớn lần đầu tiên được quan sát vào cuối những năm 1800. Khi đó, nó rộng 41.000 km, đủ lớn để chứa 3 Trái Đất nằm gọn bên trong.
Theo ABC News, hai tàu vũ trụ Voyager-1 và Voyager-2 của NASA bay qua hành tinh khí khổng lồ vào năm 1979. Chúng đo được kích thước Vết Đỏ Lớn khoảng 23.300 km. Hình ảnh sau đó do Kính viễn vọng không gian Hubble chụp lại chỉ ra rằng, kích thước Vết Đỏ Lớn tiếp tục giảm xuống còn 21.000 km trong năm 1995, và 18.000 km trong năm 2009.
Năm 2012, các nhà quan sát nghiệp dư nhận thấy sự gia tăng đáng kể trong tỷ lệ thu hẹp của Vết Đỏ Lớn, khoảng 933 km mỗi năm. Nó thay đổi hình dạng từ bầu dục sang tròn. Tuy nhiên, những phép đo gần đây cho biết tỷ lệ nói trên đã chậm lại. Hiện nay, Vết Đỏ Lớn chỉ rộng 16.500 km, nhỏ hơn khoảng 240 km so với năm 2014 và có màu da cam.
"Mỗi lần chúng tôi nhìn vào sao Mộc, chúng tôi đều nhận được những dấu hiệu cho thấy có điều gì đó thú vị đang diễn ra. Lần này cũng không ngoại lệ", Huffington Post dẫn lời Amy Simon, nhà khoa học hành tinh thuộc Trung tâm Vũ trụ Goddard của NASA ở Greenbelt, bang Maryland (Mỹ), nói.
Vết Đỏ Lớn không phải là sự thay đổi duy nhất mà Kính viễn vọng không gian Hubble ghi lại được. Một đặc điểm khác cũng đáng chú ý là cấu trúc sóng hiếm gặp nằm ở phía Bắc của đường xích đạo sao Mộc. Nó xuất hiện trong khu vực có nhiều gió xoáy và vùng xoáy nghịch.
Giới khoa học từng quan sát thấy cấu trúc sóng tương tự vào tháng 7 năm 1979, nhưng nó chỉ vừa đủ để nhìn và các nhà thiên văn nghĩ rằng sự xuất tiện này là do may mắn.
Những hình ảnh mới về sao Mộc do máy ghi hình Wide Field Camera 3 của Hubble chụp trong khoảng thời gian 10 giờ, tạo ra hai tấm bản đồ của cả hành tinh. Dữ liệu thu được giúp các nhà khoa học xác định tốc độ gió, quan sát những cơn bão và đám mây tạo nên bầu khí quyển đầy màu sắc trên sao Mộc.
|
Hình ảnh mới về sao Mộc được ghi lại trong chương trình OPAL của NASA. Ảnh: NASA
|