Tài liệu chính là thực tiễn
Tiến sỹ (TS) Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - cho biết nghiên cứu về phụ nữ trở thành một ngành khoa học từ thập kỷ 1970, gắn với các chương trình phát triển kinh tế do Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới… tài trợ. Nội dung nghiên cứu tập trung vào vấn đề địa vị phụ nữ trong xã hội, chính trị, kinh tế. Những năm 1980, giới khoa học nhận thấy việc nghiên cứu riêng về phụ nữ không đủ để giải quyết các vấn đề của giới này nên chuyển hướng nghiên cứu phụ nữ trong mối quan hệ với nam giới.
Ở Việt Nam, lĩnh vực này được quan tâm từ đầu thập kỷ 1990 khi Việt Nam nhận được nhiều hỗ trợ của các định chế quốc tế. Đây cũng là thời điểm GS-TS Lê Thị Quý - một trong những nhà nghiên cứu phụ nữ hàng đầu Việt Nam - bắt đầu công việc vất vả hơn hình dung của số đông này tại Trung tâm Nghiên cứu phụ nữ và gia đình (nay là Viện Gia đình và Giới), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
“Để nghiên cứu nạn mại dâm - vấn đề hồi đó được xem là nhạy cảm nên đồng nghiệp không ủng hộ, ngoài việc tìm hiểu qua báo chí, công an, hết giờ hành chính, tôi đạp xe sang Trung tâm Phục hồi nhân phẩm tận cầu Đuống để phỏng vấn gái mại dâm. Tôi cũng tìm cách nói chuyện với các cô gái bán dâm ở hồ Thiền Quang hay các tiệm thư dãn… để có tài liệu gốc. Nhiều khi tôi phải đi cùng hoặc đóng giả công an, có lần bị bảo kê đuổi chạy tóe khói. Bên cạnh đó là nỗi sợ gặp người quen khiến tôi luôn phải đội mũ sùm sụp” - GS Quý kể. Kết quả của nghiên cứu này là các giải pháp đề xuất cho Ủy ban Phòng - chống AIDS quốc gia, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội.
Cán bộ của UN Women đi thực địa trong một dự án về phụ nữ tại Việt Nam năm 2016. Ảnh: Hoàng Hiệp
Theo TS Hồng, đa số nghiên cứu về phụ nữ ở Việt Nam là nghiên cứu ứng dụng, lý giải và đề xuất giải pháp cho một vấn đề thực tiễn nên dễ dàng nhìn thấy kết quả. Chẳng hạn, nghiên cứu xây dựng mô hình chống buôn bán phụ nữ và trẻ em mà GS Lê Thị Quý phối hợp với Liên minh Chống buôn bán phụ nữ toàn cầu thực hiện tại 3 tỉnh miền Bắc từ năm 1997-2000, đã giúp nhiều phụ nữ từng bị bán sang Trung Quốc ổn định kinh tế, xóa bỏ mặc cảm; đưa ra khuyến nghị về xây dựng chính sách chống buôn bán người và kế hoạch bảo vệ, giúp đỡ nạn nhân.
Mô hình nhà tạm lánh mà Tổ chức Dân số thế giới phối hợp với các nhà nghiên cứu Việt Nam xây dựng từ năm 2003 (4 năm trước khi Luật Phòng - chống bạo lực gia đình được ban hành) cũng là một kết quả tốt của ngành nghiên cứu về giới. Bắt đầu từ Thái Bình, mô hình nhà tạm lánh kết hợp với đường dây nóng, đội can thiệp nhanh… đã được nhân rộng ở nhiều nơi.
Đích đến là xóa bất bình đẳng giới
Theo các chuyên gia, tác động đến việc hoạch định chính sách để phụ nữ được hưởng nhiều lợi ích hơn là một sứ mệnh của ngành nghiên cứu về phụ nữ. Những chính sách tiến bộ về giới có tác động rõ rệt cả về kinh tế và xã hội. Do đó, để tiến tới một xã hội giàu có và văn minh, ngành nghiên cứu về phụ nữ ngày nay xác định xóa bất bình đẳng giới là một trong những mục tiêu quan trọng nhất.
“Công cuộc giải phóng phụ nữ phải dựa trên nghiên cứu khoa học, bắt đầu bằng nghiên cứu khoa học. Từ đó, nhà hoạch định chính sách mới có thể đưa ra các quyết sách hợp lý liên quan đến vấn đề giới” - GS Quý khẳng định. Thực tế cho thấy, một số chính sách liên quan đến phụ nữ của Việt Nam rất tiến bộ so với các nước. Thời gian nghỉ sinh của phụ nữ Việt là 6 tháng, trong khi Pháp, Nga, Trung Quốc, Singapore chỉ 4-4,5 tháng, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ chỉ 3-3,5 tháng. Phụ nữ Việt Nam được hưởng 100% lương trong suốt thời gian nghỉ sinh, trong khi sản phụ Mỹ không được hưởng chế độ lương thai sản.
Tuy nhiên dưới con mắt nghiên cứu, GS Quý cho rằng việc ban soạn thảo Luật Lao động (sửa đổi) đề xuất bỏ quy định cho phép lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày khi hành kinh và 60 phút mỗi ngày khi nuôi con dưới 12 tháng tuổi là một bước lùi của luật pháp. Theo TS Khuất Thu Hồng, cho nghỉ thêm không phải ưu tiên phụ nữ, mà là quy định phù hợp với chức năng, vai trò của họ trong chăm sóc trẻ em: “Việc bỏ quy định này sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của phụ nữ và trẻ em”.
GS Quý cũng nhận xét, càng nghiên cứu, bà và các đồng nghiệp càng nhận thấy pháp luật chưa giải quyết một cách căn bản vấn đề bất bình đẳng giới - một trong ba loại bất bình đẳng lớn nhất của xã hội loài người (gồm giới, giai cấp và chủng tộc), mặc dù Luật Bình đẳng giới năm 2006 đã là bước tiến lớn trong nhận thức của xã hội.
“Các nghiên cứu cho thấy sự bất bình đẳng giới ở Việt Nam có gốc rễ sâu dày, vẫn luôn thể hiện qua thói quen, phong tục, tập quán… Vì thế, các nhà khoa học về giới vẫn còn rất nhiều việc phải làm” - GS Quý nói.