GS-TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn, Hà Nội.
"Do chưa được quan tâm nhiều, đầu tư rất ít nên khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) phát triển chưa tương xứng. Trong một thời gian dài, sự hội nhập quốc tế về mặt khoa học - đặc biệt là KHXH&NV - còn nhiều hạn chế do có nhiều rào cản về ngôn ngữ, ý thức hệ, giao tiếp. Do đó, KHXH&NV mới chỉ có đóng góp bước đầu như trong bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giới thiệu kết quả đổi mới...
Chúng ta chưa giới thiệu được nhiều công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài đến Việt Nam. Nhiều người làm nghiên cứu nhưng không biết thế giới đang làm gì và như thế nào. Sự hiểu biết của người nước ngoài, cộng đồng người Việt ở nước ngoài về thành tựu đổi mới của Việt Nam còn hạn chế, chưa toàn diện. Kinh nghiệm quốc tế cho quá trình đổi mới ở Việt Nam vẫn chưa được biết đến nhiều. Rõ ràng, nếu được chia sẻ, chúng ta sẽ biết các nước trong khu vực giải quyết vấn đề tương tự như thế nào, mô hình phát triển ra sao.
Việc nghiên cứu về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng cần được quan tâm bởi đây là bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Trong hơn 4 triệu người Việt ở nước ngoài, có rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng và xuất sắc. Đây là nguồn lực mà chúng ta chưa thu hút được.
Khoa học - nhất là KHXH&NV - phải làm được việc thu hút người tài về nước. Khoa học cũng phải giúp khẳng định vị thế của Việt Nam, làm thế giới hiểu được Việt Nam, “làm bạn và đối tác tin cậy” như đường lối của Đảng, Chính phủ. Điều này chúng ta đã làm được nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của nước có hơn 90 triệu dân, vị thế địa chiến lược quan trọng và bề dày truyền thống lịch sử" - GS-TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV, Hà Nội cho biết.