Nhiều cơ hội từ doanh nghiệp
Trong buổi làm việc với Báo Khoa học và Phát triển, các giảng viên bộ môn Tin học (Khoa Toán-Cơ-Tin) kể, không chỉ doanh nghiệp (DN) trong nước mà thậm chí, doanh nghiệp nước ngoài cũng đã tìm đến đặt vấn đề hợp tác. Đó là trường hợp một DN Thái Lan, “họ xem xét những công bố quốc tế của các thành viên của bộ môn rồi đặt hàng chúng tôi bài toán về xử lý ngôn ngữ tự nhiên”, TS. Lê Hồng Phương, một chuyên gia về xử lí ngôn ngữ tự nhiên và khai phá dữ liệu văn bản cho biết. Tuy kết quả trong công bố và công cụ từ công bố chưa khớp ngay với bài toán vốn xuất phát từ thực tế và yêu cầu cụ thể của họ nhưng điều đó cũng cho thấy “DN trong lĩnh vực CNTT có cách riêng để tìm hiểu năng lực của nhà khoa học”, anh nhận xét thêm.
Lý giải cho việc thu hút được nhiều DN trong khi từ trước đến nay, kết nối viện trường với DN vẫn luôn được coi là vấn đề nan giải, TS. Nguyễn Việt Anh (Viện CNTT, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) nói “mảng trí tuệ nhân tạo (AI) – một lĩnh vực rất “nóng” hiện nay và các ứng dụng của AI ngày càng phổ biến không chỉ trong DN mà còn cơ quan nhà nước - như ứng dụng chatbot trong chính phủ điện tử, thì DN không thể làm tốt như viện nghiên cứu hay trường đại học bởi họ thường tập trung nhân sự cho các mảng khác”.
Mặt khác, quá trình số hóa đã đem lại dữ liệu dưới nhiều dạng văn bản, hình ảnh… cho các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, không chỉ trong lĩnh vực CNTT. Nhiều nơi sở hữu lượng dữ liệu rất lớn nhưng chưa biết khai thác nó một cách hiệu quả, “họ có nhiều dữ liệu hay nhưng chưa biết cách trích xuất, xử lý để phục vụ cho chính công việc của mình như thế nào, đấy là lúc bài toán được đặt ra”, TS. Nguyễn Minh Huyền nói.
Đại diện Ban Công nghệ Tập đoàn FPT thảo luận nội dung hợp tác với đại diện Khoa Toán - Cơ - Tin học. Nguồn: Khoa Toán - Cơ - Tin học (Trường Đại học Khoa học tự nhiên).
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc với DN, chị cho rằng, nhiều DN và cơ quan nhà nước cũng nghĩ đến chuyện sử dụng dữ liệu nhưng chưa hình dung được có thể dùng nó vào việc gì và như thế nào, “rất nhiều thứ, một loạt các vấn đề từ chuyện tôi có dữ liệu giao thông, y tế, dữ liệu văn bản điện tử…, làm sao lấy được tri thức từ nó, cái gì có thể xử lý được, cái gì không? Câu chuyện là bản thân họ cũng không biết có thể làm gì được với dữ liệu”.Vì thế, nhiều trường hợp, họ tìm đến bộ môn không phải là có sẵn bài toán trong tay mà là “nhờ” giúp họ tìm ra bài toán.
Do đó, vài năm trở lại đây, số lượng DN tìm đến bộ môn để đặt hàng, mời các chuyên gia giải quyết bài toán về CNTT của họ ngày càng tăng, “trung bình mỗi năm có khoảng 10 DN đặt hàng về R&D”, TS. Nguyễn Thị Huyền, Phó trưởng Khoa Toán - Cơ - Tin học, trường ĐH Khoa học tự nhiên nói. Nhưng vì cả bộ môn chỉ có 16 người, không có đủ người để triển khai mọi bài toán nên “nhiều lúc đã phải từ chối bớt”. Để giải quyết vấn đề “thiếu nguồn cung”, khoa đã mở thêm chương trình cao học Khoa học dữ liệu (khóa đầu tiên 2018-2020) nhằm đào tạo nhân lực “làm được việc”, phục vụ nhu cầu nhân lực ngày càng tăng của DN.
Sự chủ động của nhà nghiên cứu
Cũng giống như những lĩnh vực ứng dụng khác, thu hút các DN chỉ là bước đầu tiên, còn muốn duy trì được mối quan hệ hợp tác lâu dài thì vấn đề cốt lõi vẫn là giải quyết hiệu quả các bài toán DN đưa ra. TS. Lê Hồng Phương nhấn mạnh, “tính chủ động của nhà khoa học đóng vai trò rất quan trọng trong việc hợp tác”.
Câu chuyện hợp tác với doanh nghiệp đôi khi cũng bắt đầu từ sự chủ động tìm hiểu về nhu cầu doanh nghiệp, “biết họ cần gì, các bài toán cụ thể là gì để mình tập trung vào đấy cho ‘khớp’ những cái người ta cần. Chứ còn cứ nói deep learning hay lắm, làm được đủ các thứ nhưng không rõ đem lại ích lợi gì, ứng dụng vào đâu thì họ cũng chả muốn hợp tác”, TS. Nguyễn Việt Anh nhận xét.
Mặt khác, do tính liên ngành của CNTT ngày càng cao nên để làm ra một sản phẩm ứng dụng, cần tích hợp rất nhiều loại công nghệ từ các lĩnh vực chuyên ngành hẹp, nghĩa là theo TS. Việt Anh, “phải dùng đủ thứ mới làm được bởi ngay cả phát triển một phần mềm đơn giản thôi đã phải sử dụng một loạt công nghệ rồi”. Vì vậy, để có thể hợp tác với doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu cần chủ động học hỏi nhiều lĩnh vực khác của công nghệ thông tin, dù có thể nằm ngoài chuyên môn hẹp của mình.
TS. Lê Hồng Phương nhận xét, việc tích hợp nhiều công nghệ trong một sản phẩm công nghệ thông tin là xu hướng hiện nay, “ví dụ như với bài toán phân tích ảnh hưởng của marketing trên mạng xã hội, nhà khoa học cần phải nắm được những kiến thức cơ bản về đồ thị, cả những phương trình vi phân, lập trình… Nếu chỉ cục bộ thôi, chuyên về phương trình vi phân, chuyên về lý thuyết đồ thị chẳng hạn, thì không làm tốt được bài toán này. Không có được sự chủ động học hỏi thì chắc chắn nhà khoa học sẽ gặp khó”.
Cùng với quá trình tự học hỏi, TS. Lê Hồng Phương nhấn mạnh vào việc các nhà khoa học thiết lập mạng lưới kết nối, không chỉ có thể dễ hợp tác trong cùng giải quyết vấn đề mà còn giúp các DN có thể dễ tìm ra người phù hợp, bởi các DN Việt Nam vẫn còn quen cách tìm qua các mối quan hệ chứ không phải qua các trang web giới thiệu.
Tác động ngược trở lại đào tạo và nghiên cứu
Không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế, việc hợp tác với DN đã mang lại nhiều tác động tích cực tới hoạt động đào tạo và nghiên cứu. “Có hợp tác thì mới biết thực tế DN đang cần gì, từ đó tránh được việc dạy cho sinh viên những thứ viển vông”, TS. Đỗ Thanh Hà, chuyên gia về xử lý ảnh đồng thời là Phó trưởng bộ môn, cho biết. Đặc trưng của CNTT là thay đổi rất nhanh, nếu không tìm hiểu, cập nhật thì rất dễ bị “lỗi thời”.
Hiện nay, có khoảng 50 DN hợp tác thường xuyên với Khoa Toán – Cơ – Tin học về đào tạo. Nhờ vậy, việc mời DN tham gia giảng dạy đã được triển khai thường xuyên trước khi có chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2017 về yêu cầu phải có sự tham gia của DN trong đào tạo CNTT trình độ đại học. Sự quan tâm của các DN còn thể hiện qua các chương trình học bổng và những thỏa thuận hợp tác đào tạo nhân lực từ nhiều DN như FPT, Viettel,…Số lượng lớn DN có hợp tác về đào tạo cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực tập của sinh viên trong khoa. Ngoài chương trình thực tập dành cho sinh viên năm 2 và năm 4 của nhà trường, sinh viên có nhiều cơ hội thực tập khác trong suốt 4 năm học.
Hoạt động hợp tác của các thầy cô đã có nhiều tác động tích cực cho hoạt động học tập rèn luyện của sinh viên. Ngược lại, sau này sinh viên có thể trở thành “đầu mối” cho DN hợp tác với khoa. Thực tế có một số DN tìm đến khoa qua sự giới thiệu của nhân viên – vốn là cựu sinh viên của khoa. “DN chấp nhận đề nghị của sinh viên cũng là nhờ năng lực thể hiện trong quá trình làm việc”, chị Thanh Hà nói vui: “Chất lượng sinh viên chính là cách marketing hiệu quả nhất”.