Tính đến ngày 1/11, thế giới có 7,1 tỷ dân và dự kiến vào giữa thế kỷ, con số này sẽ là 10 tỷ và tới năm 2100 sẽ có khoảng 12 tỷ dân.
Nhật báo kinh tế Les Echos ngày 13/11 dẫn số liệu trên trang chủ của Viện Nghiên cứu Dân số Pháp (Ined) cho biết mỗi giây có 2,7 công dân mới, mỗi năm dân số thế giới tăng thêm 89 triệu người (150 triệu sinh ra và 61 triệu người qua đời).
Trong một bài viết cùng ký tên đăng trên báo Le Monde, khoảng 20 nhà khoa học và chủ doanh nghiệp cùng rung hồi chuông báo động và kêu gọi “kìm hãm đà tăng dân số.”
Theo họ, đây là nguyên nhân làm đảo lộn môi trường và khí hậu, kéo hành tinh đến thảm họa thực sự.
Bài viết khuyến cáo cần tài trợ cho các chương trình kế hoạch hóa gia đình và tránh thai, đặc biệt ở châu Phi.
Câu hỏi đang được đặt ra là liệu Trái Đất có khả năng chứa bao nhiêu người. Ngay từ năm 1679, nhà nghiên cứu tiên phong người Hà Lan về sinh học tế bào, Antoni van Leeuwenhoek, cho rằng không quá 13,4 tỷ người.
Từ đó, nhiều nghiên cứu khác đưa ra số liệu mới, từ vài trăm triệu đến vài chục tỷ.
Năm 2017, trong một diễn đàn chung trên tạp chí BioScience, 15.000 nhà khoa học từ 184 nước khẳng định khả năng tiếp nhận của Trái Đất đã đạt đến giới hạn, nhưng không đưa ra con số cụ thể, đồng thời kêu gọi xác định lâu dài tổng dân số mà Trái Đất có thể "cưu mang."
Một cá nhân tiêu thụ càng nhiều nguồn tài nguyên thì họ để lại càng ít cho những người khác và với mức tiêu thụ hiện nay, nhân loại cần đến 1,5 Trái Đất để được hưởng các dịch vụ của thiên nhiên.
Hằng năm, tổ chức Global Footprint Network công bố “ngày vượt giới hạn” - ngày nhân loại đã tiêu thụ hết tài nguyên Trái Đất có thể tái tạo trong một năm.
Trong thập niên 1970, mốc này được đánh giá là ngày 29/12, nhưng trong năm 2018 này, nhân loại đã bắt đầu ăn lạm vào nguồn tài nguyên từ ngày 1/8.
Một nghiên cứu do tổ chức phi chính phủ Mỹ Union of Concerned Scientists công bố tháng 10/2017 chỉ đích danh 90 công ty chính chuyên sản xuất dầu lửa, khí đốt, than và ximăng gây ra 57% lượng khí CO2 trong khí quyển, một nửa của mức tăng nhiệt độ trên thế giới và khoảng 30% mức tăng của mực nước biển so với năm 1880./.
Theo Vietnamplus