Các nhà khoa học Mỹ đã xác định cụ thể tình trạng ô nhiễm không khí khiến tuổi thọ bị giảm như thế nào ở các nước khác nhau trên thế giới, theo đó, người dân những nước ô nhiễm không khí nhất châu Á bị giảm tuổi thọ trung bình 1,5 - 2 năm.
Theo tạp chí Environmental Science & Technology Letters, ai cũng biết ô nhiễm cướp đi tuổi thọ của chúng ta. Nhưng nay các nhà khoa học mới có tính toán cụ thể tình trạng ô nhiễm không khí khiến tuổi thọ bị giảm như thế nào ở các nước khác nhau trên thế giới. Theo đó, ô nhiễm không khí rút ngắn tuổi thọ trung bình trên thế giới trong khoảng 1 năm, ở các nước bị ô nhiễm nhất ở châu Á và châu Phi – 1,5- 2 năm và ở Nga là 9 tháng.
Nguy cơ ô nhiễm không khí chủ yếu là do các hạt nhỏ hơn 2,5 micromet. Chúng có thể kích thích bệnh phổi, bệnh tim mạch và gây tử vong sớm. Mức ô nhiễm được chấp nhận là 10 microgam hạt trên một mét khối không khí. Tiêu chuẩn an toàn này có thể quan sát thấy ở một số nước phát triển. Tuy nhiên, theo thống kê, 95% dân số thế giới sống ở các thành phố phải hít thở không khí ô nhiễm nặng nề.
Các nhà khoa học ở Đại học Texas, Mỹ, đã phân tích số liệu thống kê của năm 2016, liên quan đến 185 quốc gia. Hóa ra, tình trạng ô nhiễm trung bình vượt quá giới hạn an toàn, giảm tuổi thọ trung bình 1,03 năm (hút thuốc cướp đi tuổi thọ chừng 1,82 năm, chất lượng nước uống kém 0,57 năm, ăn uống không lành mạnh 2,67 năm).
Điều đáng chú ý là ở các nước có khí hậu tương đối sạch (Mỹ, các nước EU, Úc), ô nhiễm không khí chỉ làm giảm tuổi thọ trung bình có vài tháng. Ở 42 quốc gia (chủ yếu ở châu Á và châu Phi), tình trạng ô nhiễm các hạt mịn trong không khí khiến tuổi thọ của người dân giảm hơn 1 năm. Tình trạng nghiêm trọng nhất là ở Nam Á. Nơi đây, không khí bẩn được đánh giá thậm chí còn nguy hiểm hơn tất cả các loại bệnh ung thư gộp lại.