‘Không kịp đổi mới sáng tạo’ (ĐMST) là lý do gây ra sự sụp đổ của một đế chế như Nokia. Để thúc đẩy doanh nghiệp phải luôn thay đổi, Nokia luôn là bài học nhãn tiền điển hình nhất.
Ý tưởng KH&CN tốt là chưa đủ
ĐMST được xem là động lực phát triển của nền kinh tế, xã hội. Theo ông Douglas Abrams - chuyên gia về đổi mới sáng tạo trong quản trị, giảng viên ĐH Quốc gia Singapores cho rằng, ĐMST được định nghĩa là những ý tưởng mới, nhằm giải quyết một vấn đề của xã hội đi kèm các hành động để hiện thực hóa ý tưởng đó, dẫn đến sự tăng trưởng, phát triển hoặc tạo ra lợi nhuận. Theo định nghĩa này, nhiều nhà khoa học thậm chí có ý tưởng tốt nhưng không được coi là ĐMST.
“Lâu nay, nói đến ĐMST, mọi người hay nghĩ đến công nghệ. Tuy nhiên, ngoài công nghệ ra, nhiều hình thức khác cũng cần được tiến hành như thay đổi mô hình kinh doanh, xây dựng sản phẩm, vận hành công ty. Miễn sao những thay đổi này có thể tạo ra sự đột phá và phát triển cho công ty” - ông Douglas Abrams nhấn mạnh.
Một ví dụ có thể kể tới sự ra đời của máy nghe nhạc. Năm 1998, Diamond là công ty đầu tiên trên thế giới cho ra mắt thị trường máy nghe nhạc bỏ túi. 5 năm sau đó, Apple cho ra mắt máy nghe nhạc iPod và lập tức chiếm lĩnh đến 95% thị phần, đánh bật Diamond khỏi vị trí đã chiếm giữ suốt 5 năm liền. Phân tích về sự đánh bại ngoạn mục này, ông Douglas cho rằng, về công nghệ, Apple không có nhiều ưu điểm nổi bật hơn Diamond. Thứ mà Apple khác Diamond là Apple xây dựng mô hình kinh doanh độc đáo, sáng tạo kết hợp hài hòa giữa phần cứng và phần mềm. Khách hàng mua iPod không chỉ mua máy nghe nhạc, họ mua cả âm nhạc trong hệ sinh thái của Apple.
Như vậy, đổi mới công nghệ chỉ là một phần của ĐMST. Sự phát triển kinh tế, xã hội đòi hỏi các doanh nghiệp phải đổi mới nhiều hơn thế để tồn tại.
Đưa ra danh sách 5 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại và 10 năm trước, ông Douglas cho thấy, các công ty khổng lồ từ 10 năm trước đã biến mất ở thời điểm này. Công ty duy nhất còn tồn tại là Microsoft. Những công ty như Apple, Google… đều rất mới và cung cấp các giải pháp, sản phẩm đột phá hoàn toàn mới cho thế giới.
“Sự so sánh này cho thấy ý nghĩa của đổi mới sáng tạo với sự sống còn của một doanh nghiệp. Nó không chỉ giúp các công ty tạo ra lợi nhuận mà còn tạo động lực kéo theo sự phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia và thế giới”- ông Douglas nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc ĐMST phụ thuộc nhiều vào ý chí và quan điểm của người đứng đầu công ty. Khi người chủ ý thức được việc cần phải làm, họ sẽ có những động thái thay đổi cơ cấu, chính sách trong doanh nghiệp của mình. Lấy kinh nghiệm từ Thái Lan, ông Douglas cho rằng, cần triển khai các khóa đào tạo về ĐMST cho người đứng đầu doanh nghiệp. Những năm qua, nhờ triển khai đào tạo mà nhận thức của người quản lý doanh nghiệp, cơ quan nhà nước đã thay đổi đáng kể, tạo ra các động lực tích cực cho ĐMST.
Mô hình kinh doanh quyết định thành công
Đồng tình với suy nghĩ của ông Douglas về ĐMST trong các doanh nghiệp, TS Đỗ Ngọc Chung – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh thêm: ‘mô hình kinh doanh có vai trò quan trọng và quyết định thành công của doanh nghiệp hơn sản phẩm’. Thực tế, TS Đỗ Ngọc Chung đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm của chính mình. Từ năm 2015 đến nay, TS Chung cho biết đã tiêu thụ ra thị trường 1 triệu chiếc máy làm giá đỗ. Mà theo như lời anh chia sẻ: “Tôi bán hàng còn tốt hơn đại lý”.
TS Đỗ Ngọc Chung giới thiệu sản phẩm máy làm giá đỗ của mình.
Theo TS Chung, doanh nghiệp muốn thành công cần có 3 yếu tố “thương hiệu tốt, đổi mới sáng tạo và chuỗi cung ứng”. Trong đó, thương hiệu tốt sẽ tạo ra cho khách hàng niềm tin vào sản phẩm của doanh nghiệp. Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp tồn tại lâu dài, nhờ những thay đổi liên tục từ công nghệ tới sản phẩm, cách thức tiếp cận khách hàng.... Chuỗi cung ứng là sự hợp tác giữa nhà cung ứng, nhà khoa học và người điều hành doanh nghiệp để tạo ra sự nhịp nhàng từ khâu nghiên cứu, nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đưa ra thị trường.
“Nếu gắn kết được 3 yếu tố, doanh nghiệp mới ĐMST được. Nếu không, mọi thành công chỉ là may mắn hoặc cá biệt. Nhưng tôi muốn nó trở thành quy luật để ai cũng có thể thành công” - TS Chung chia sẻ.
Cũng theo TS Chung, trong quá trình thương mại hóa, mô hình kinh doanh quan trọng hơn sản phẩm. Mô hình kinh doanh độc đáo, sáng tạo sẽ thúc đẩy việc sản phẩm tiếp cận với nhiều người, theo từng phân khúc riêng. Khi đó, sản phẩm có thể hoàn thiện dần theo thị hiếu của khách hàng.
Kinh nghiệm của người đã bán cả triệu chiếc máy làm giá đỗ trong và ngoài nước đã giúp TS Chung tự tin cho rằng, nhà khoa học hay doanh nghiệp phải có niềm tin vào đối tượng khách hàng và sản phẩm. Mỗi sản phẩm được nghiên cứu ra đều có ích với người dùng. Khi đã có niềm tin, nhà khoa học sẽ cùng doanh nghiệp tìm được hướng đi trong việc tiếp cận các thị trường lớn với tâm thế chủ động hơn.
ĐMST đã không còn là câu chuyện của những tập đoàn trên thế giới, mà trở thành yêu cầu bức thiết với mỗi doanh nghiệp dù ở quy mô nào. Việc thay đổi đó quyết định sự sống –còn của họ trong tương lai rất gần.