Khi những nhà làm sách bàn luận để chọn tựa sách “Cố định một đám mây”, đã có người là độc giả lâu năm của Nguyễn Ngọc Tư phản bác, với lý lẽ rằng, đây là một tựa sách gợi cảm giác lý trí, không phù hợp với “lối văn chương miền Tây” của nhà văn này.
Sự việc nhỏ, có tính bếp núc trên cho thấy, người đọc đã có định kiến ăn sâu về một thứ gọi là “lối văn miền Tây” (được hiểu là lối viết tự sự, chú trọng lay động tình cảm, xa rời lý trí hay phương pháp).
Nhưng nhà văn có nên tiếp tục ở lại trong vùng hình dung và định kiến đó? Cố định một đám mây, do Phanbook và NXB Đà Nẵng vừa ấn hành, là một cuộc vượt thoát độc đáo, một cách trả lời thú vị. Nhà văn thuộc về một vùng miền tự trị khác, có tên Sáng tạo chứ không nhất thiết là một vùng miền văn hóa địa lý nào, theo hình dung của số đông. Và phong cách văn chương được hiểu là sự thống nhất trong đa dạng; không thể, không là thứ lý lẽ biện hộ cho cái nhàm chán, đơn điệu và lặp lại.
Điều thú vị, một phần câu trả lời ấy cũng nằm trong chính những tình thế sống của các nhân vật trong cuốn sách. Đó là lối nghĩ (hay sự huyễn hoặc về sự đổi thay trong đời sống) của hai anh lính đóng quân trên đảo trong truyện Vào ngày linh ái nở. Hai anh lính trẻ, một hôm không còn chấp nhận được đời sống nhàm chán, đã lập mưu làm cho hòn đảo nổ tung. Có lực lượng chống phá nào đứng giật dây đằng sau, có sự tự diễn biến nào trong tinh thần hay có cơn điên cấp tính nào đã xảy ra trong đầu họ?... – đó là những câu hỏi nghiêm trọng mà giới điều tra viên nêu ra, tất cả đều xuất phát từ các vùng định kiến và áp đặt mang tính chụp mũ khi sự việc vỡ lở. Nhưng đồng thời cũng có một câu hỏi tưởng giản đơn mà day dứt gieo vào trong lòng độc giả, đó là, người ta sẽ phải làm gì để phá tan sự vắng câm, cho dù là hành động “tào lao”, không từ một lý tưởng nào?
Câu chuyện của nhân vật “mình”, người sống cheo leo giữa thực và mơ, đã bắt đầu, thật đơn giản như vầy: “Trưa đó vắng câm, yên tĩnh ghê người, đến muốn phát khùng bởi tiếng dạ dày sôi…”.
Thường thì mỗi tập truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư sẽ có một truyện mang dung lượng lớn, không gian rộng như một truyện dài hay thậm chí, có thể xem là tiểu thuyết nhỏ (novella). Những truyện này định giọng chủ cho toàn tập truyện. Giọng chủ cũng chính là triển khai sức nén một giai đoạn sáng tạo của nhà văn. Vậy thì thử đặt ra hai dấu mốc, một, từ tập truyện Cánh đồng bất tận của gần chục năm trước và Vào ngày linh ái nở trong tập Cố định một đám mây, người đọc có thể thấy được gì? Nhà văn đã không còn ở lại nơi cánh đồng đã từng tạo ra một sức hấp dẫn đặt biệt trong quá khứ, như một cuộc khai phá gây kinh ngạc, mà tiếp tục “mở cõi”, sâu vào trong đời sống nội tâm cồn cào và day dứt. Đó không hẳn là sự khước từ, mà là một cuộc chuyển hóa mạnh mẽ để đổi thay và làm phong nhiêu địa hạt sáng tạo. Trang viết của Nguyễn Ngọc Tư qua tập truyện này đã minh chứng cho một chọn lựa khác mang tính phương pháp. Truyện ngắn không còn chứa đựng một cách kể thuần túy phóng chiếu hiện thực mà là một cuộc đối thoại với hiện thực, khi nhà văn đã bước qua vai trò của một người kể chuyện mà khao khát mở ra nhiều khả năng đằng sau mỗi câu chuyện.
Và đến lúc, chuyện kể không còn quan trọng tiên quyết nữa, mà người đọc bắt đầu nhận thấy nhà văn hướng đến những tình thế sống. Tình thế của đôi vợ chồng đi biển, người chồng lặn xuống và biến mất; tình thế đôi vợ chồng đón ông khách lạ vào nhà và ông ta dần dần tự tiện đi vào đời sống của họ, thậm chí, thay thế vai trò của họ; tình thế của một kẻ đuổi theo ông sơn đông mãi võ mua thuốc ghẻ và đi lạc đến vài mươi năm sau; hay tình thế của những ngày bước ra đường là trôi dạt qua những ngã rẽ mịt mùng…
Vẫn không gian giao động giữa miền quê và đô thị, vẫn với một lối tự sự tửng và duyên hiếm thấy, nhưng ở giai đoạn này, văn chương Nguyễn Ngọc Tư đã sắc lạnh, tiết chế và hàm chứa nhiều ẩn ngữ hơn. Cuộc sống bất định, tình thế sống bất định, không khí bất định đã len lỏi sâu vào trong từng câu chữ… làm nẩy lên những giai điệu trầm buồn, khắc khoải của thời hiện đại.
Cố định một đám mây, còn là sự xao xuyến không cùng, sự bất khả ổn định trong sáng tạo của nhà văn.