Nhà linh trưởng học nổi tiếng người Anh – Jane Goodall, người có biệt danh “Hiệp sĩ môi trường” – đã lên tiếng cảnh báo về một thực tế không xa rằng loài người có thể trở thành giống loài thông minh nhất từng có mặt trên Trái Đất đã tự tay phá hủy căn nhà duy nhất của mình….
Bà viết:
Trong những năm nghiên cứu về loài tinh tinh ở công viên quốc gia Gombe tại Tanzania, tôi đã trải nghiệm được sự kỳ diệu của rừng mưa nhiệt đới. Tôi đã hiểu được rằng mọi sinh vật đều có sự kết nối lẫn nhau, và mỗi loài, dù nhỏ bé đến đâu đều đóng một vai trò trong bản giao hưởng phong phú của cuộc sống. Ngày nay người ta gọi điều này là “đa dạng sinh học”. Ngay cả việc thiếu hụt dù chỉ một loài cũng có thể tạo nên hiệu ứng lan tỏa và dẫn đến thiệt hại to lớn cho toàn bộ hệ thống.
Tôi đã rời tỉnh Gombe (đông bắc Nigeria) vào năm 1986 khi chứng kiến môi trường sống của tinh tinh bị phá hủy cũng như số lượng của chúng bị suy giảm nhanh chóng như thế nào. Tôi đã trực tiếp đến 6 quốc gia nơi tinh tinh sinh sống và biết được nhiều điều về tỷ lệ phá rừng tăng cao, do các tập đoàn nước ngoài đã tiến hành việc khai thác gỗ, dầu mỏ và khai khoáng cùng với việc tăng dân số ở trong và xung quanh môi trường sống của loài tinh tinh, dẫn đến việc gia tăng nhu cầu về đất mở rộng làng xã, nông nghiệp và chăn thả gia súc.
Số lượng tinh tinh đã bị giảm bởi nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã. Tôi đã tận mắt thấy những con tinh tinh nhỏ bị tổn thương khi mẹ chúng bị giết chết để lấy thịt hoặc buôn bán bất hợp pháp để bán tại các chợ, hoặc bị nhốt lại trong các vườn thú tạm bợ sau khi chính quyền địa phương đến tịch thu.
Tôi cũng nhận thấy những vấn đề mà rất nhiều cộng đồng châu Phi phải đối mặt ở trong và xung quanh môi trường sống của loài tinh tinh. Khi tôi đặt chân đến Gombe vào năm 1960, nơi nằm trong vành đai rừng xích đạo, kéo dài từ Đông Phi qua lưu vực sông Congo đến bờ biển Tây Phi. Đến năm 1980, nó là một hòn đảo nhỏ bé được bao quanh bởi rừng và đồi trọc, với mật độ dân cư đông đúc, còn đất đai và cây cối đã bị con người khai thác quá mức để lấy thức ăn hoặc kinh doanhthan.
Tôi hiểu được rằng nếu không cải thiện cuộc sống của con người nơi đây thì đừng nói đến việc bảo vệ những con tinh tinh.
Tinh tinh cũng như nhiều loài khác vẫn đang đối diện với nguy cơ bị tuyệt chủng. Trong 100 năm qua, số lượng tinh tinh đã giảm từ khoảng 2.000.000 đến 340.000, một số con sống trong các mảnh rừng nhỏ. Hàng ngàn con vượn bị giết hoặc bị bắt vì nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Đười ươi và vượn đang mất đi môi trường sống do sự phát triển của các khu đồn điền chuyên trồng cây dầu cọ. Chúng ta đang trải qua cuộc Đại tuyệt chủng lần thứ 6. Theo báo cáo gần đây nhất, WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên) đã mô tả tình hình là rất nghiêm trọng, cụ thể, trong 40 năm qua, chúng ta đã mất khoảng 60% số lượng các loài động vật và thực vật trên Trái đất.
Chúng ta đang làm ô nhiễm đất đai thông qua các hoạt động nông nghiệp và công nghiệp quy mô lớn. Các loài xâm lấn đang tàn phá sự sống của động vật và thực vật bản địa tại nhiều nơi. Nhu cầu về thịt gia tăng không chỉ kéo theo sự độc ác kinh khủng với hàng tỷ động vật trong các trang trại/nhà máy, mà môi trường sống hoang dã cũng đang bị tàn phá trên diện rộng để trồng cây lấy thức ăn chăn nuôi.
Chất thải của động vật cùng với dư lượng hóa học khi làm nông nghiệp kiểu công nghiệp hóa đang gây ra sự ô nhiễm cho đất đai và các con sông, đôi khi cũng gây ra hiện tượng tảo độc nở hoa (khi có quá nhiều tảo độc sinh sản nhanh trong nước ô nhiễm, làm cho nước bị đục thành màu xanh lục và gây hại cho các loài thủy sinh) lan rộng khắp đại dương.
Sinh vật thông minh nhất trên Trái đất đang phá hủy ngôi nhà duy nhất của chính mình. Tại sao điều này lại xảy ra?
Trên thực tế, nhiều nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp cũng như cá nhân thường có xu hướng đưa ra quyết định dựa trên suy nghĩ: “Điều này sẽ ảnh hưởng đến tôi, ảnh hưởng đến cuộc họp cổ đông tiếp theo, chiến dịch chính trị tiếp theo như thế nào?” thay vì cách nghĩ: “Điều này sẽ ảnh hưởng đến thế hệ tương lai ra sao?”
Mẹ thiên nhiên đang bị phá hủy với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết vì những lợi ích ngắn hạn. Điều này, cùng với sự bùng nổ dân số khủng khiếp hay nghèo đói đã làm người ta phải hủy hoại môi trường để mưu sinh; cùng lối sống tham lam của những người còn lại – luôn muốn nhiều hơn những gì mình cần, chính là nguyên nhân gốc rễ của mọi điều tai ương đang diễn ra trên hành tinh này.
Thật đáng buồn khi chứng kiến biết bao nhiêu sự thay đổi trong suốt 84 năm cuộc đời của tôi. Tôi đã thấy băng tan ở Greenland, các sông băng biến mất trên núi Kilimanjaro và trên toàn thế giới nói chung. Khi tôi đến Gombe, các quần thể tinh tinh sống trải dài hàng dặm dọc theo bờ hồ Tanganyika. Trâu, một loài tương đối phổ biến lúc bấy giờ, đã bị tuyệt chủng tại địa phương và chỉ còn sót lại một vài loài báo.
Nước trong hồ đã từng trong vắt, với lượng lớn cá và rắn hổ mang nước sinh sống, còn có cả loài cá sấu. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi do việc đất bị rửa trôi xuống hồ và đánh bắt cá quá mức. Khi tôi đến Serengeti và Ngorongoro vào những năm 60 và đầu thập niên 70, loài tê giác và voi chiếm số lượng rất đông đảo. Ngày nay chúng đang ở trong tình trạng cực kỳ nguy cấp với việc bị giết để lấy ngà và sừng.
Tôi lớn lên ở miền Nam nước Anh nơi mà tiếng chim hót lúc bình minh nghe rất mê hoặc, tuy nhiên, nhiều con trong số đó, cùng với loài nhím gai châu Âu thường xuyên phát ra tiếng kêu xào xạc giữa đám lá cây vào ban đêm, cũng đã rời đi. Thời điểm tháng 5 và tháng 6 hàng năm, mọi người hay phải kéo màn cửa vào ban đêm để tránh hàng trăm con bọ da bay vào nhà do bị thu hút bởi ánh sáng. Hiện nay hiếm khi có thể thấy được dù chỉ một con, thậm chí những con muỗi cũng hầu như đã biến mất.
Tuy nhiên, tôi tin rằng chúng ta vẫn còn cơ hội, dù nhỏ, nếu cộng đồng chung tay để khắc phục các tác hại do con người gây ra.
Ở bất cứ đâu, nếu thế hệ trẻ hiểu được các vấn đề này và được trao quyền hành động, khi chúng ta lắng nghe tiếng nói của họ thì nhóm người này sẽ tạo nên sự khác biệt. Với trí tuệ vượt trội, chúng ta đang đưa ra các giải pháp công nghệ để nhân loại có thể sống hòa hợp hơn với thiên nhiên và giảm thiểu dấu chân sinh thái của chính chúng ta.
Chúng ta có thể lựa chọn việc mình muốn làm mỗi ngày như mua gì, ăn gì, mặc gì. Còn thiên nhiên lại có khả năng phục hồi đáng kinh ngạc, ví như việc biến mất của các đồi trọc xung quanh Gombe. Các loài đang bên bờ tuyệt chủng đã được trao thêm một cơ hội nữa. Chúng ta có thể đưa vấn đề này ra thế giới thông qua phương tiện truyền thông xã hội theo cách chưa từng có trước đây. Con người có ý chí kiên cường, nhờ đó, chúng ta có thể giải quyết được những vấn đề tưởng chừng như không thể. Tôi luôn muốn mang đến hy vọng cho mọi người, vì nếu không có nó, chúng ta chỉ thờ ơ và không hành động gì cả.
Video: Tinh tinh ôm bà Jane Goodall sau khi được thả tự do: