Mới đây, một nhóm nhà nghiên cứu đã tiến hành rà soát tất cả 237 cơ sở giáo dục đại học trong nước để cho ra đời Bảng xếp hạng Top 100 trường đại học Việt Nam (VNUR) năm 2023.
Nhân dịp này, ThS. Nguyễn Vinh San, thành viên chủ chốt của nhóm, trả lời phỏng vấn báo Khoa học & Phát triển về quá trình tạo ra VNUR cũng như lý giải vì sao một số kết quả xếp hạng có thể gây bất ngờ cho công chúng.
Xin anh cho biết, bảng xếp hạng VNUR có những điểm gì giống và khác so với các bảng xếp hạng quốc tế phổ biến hiện nay?
Xếp hạng các trường đại học hiện nay đã trở thành xu thế trên toàn thế giới. Kể từ năm 1983, khi bảng xếp hạng đại học quốc gia đầu tiên trên thế giới của Mỹ được công bố, đó là bảng US News and World Reports của America’s Best College Rankings, số lượng các bảng xếp hạng, cả quốc gia và quốc tế đã mở rộng theo cấp số nhân. Cho tới nay, ước tính có thêm ít nhất 20 bảng xếp hạng quốc tế.
Tuy có nhiều bảng xếp hạng, song thực ra các trường đại học Việt Nam chỉ sử dụng một số ít bảng như THE, QS, ARWU… - lý do đơn giản là một số trường đại học Việt Nam có tên trong đó. Số trường được các bảng này xếp hạng rất ít, chưa đến 3.000 trường, trong khi toàn thế giới có hơn 30 nghìn trường. Chính vì vậy số trường của Việt Nam xuất hiện trong các bảng này rất khiêm tốn, không quá 15 trường.
Duy nhất có bảng xếp hạng quốc tế khá nổi tiếng là Webometrics thường xuyên rà soát hơn 30.000 trường trên thế giới nên mới có 184 trường của Việt Nam có mặt. Cần thừa nhận rằng, trong lúc Việt Nam chưa có các bảng xếp hạng đầy đủ như vậy, Webometric được nhiều trường ở Việt Nam sử dụng để đối sánh và sử dụng cho các mục đích nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, bảng xếp hạng này chủ yếu đánh giá năng lực chuyển đổi số và sự xuất sắc về công bố quốc tế trên hệ thống Scopus và Google Scholar. Các tiêu chuẩn của nó rất đơn sơ, gồm:
- Chỉ số Impact (mức độ ảnh hưởng) có trọng số 50%, đo lường mức độ lan tỏa của website và nguồn tài nguyên số của cơ sở giáo dục đại học.
- Chỉ số Excellence (sự xuất sắc) có trọng số 40%, đo lường trong 10% số bài báo được trích dẫn nhiều nhất trong 27 lĩnh vực xuất bản của Scopus.
- Chỉ số Openess (độ mở học thuật) có trọng số 10%, đo lường số trích dẫn của 310 tác giả hàng đầu của các cơ sở giáo dục đại học trên hệ thống Google Scholar.
Năm trường dẫn đầu Việt Nam là ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Duy Tân. Nguồn: Chụp màn hình.
Rõ ràng với các tiêu chuẩn này, rất khó phản ánh đầy đủ chất lượng cũng như xu thế giáo dục đại học ở Việt Nam. Chưa kể, Webometrics còn tồn tại khá nhiều điểm không phù hợp như: xếp hạng cả trường cao đẳng (Cao đẳng cộng đồng Đồng Tháp, Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, Cao đẳng Thiết kế và Thời trang Luân Đôn Việt Nam, Cao đẳng Kiên Giang), trường trung cấp (Trung cấp Phương Nam) hay Trường Doanh nhân PACE… Điều này cho chúng ta thấy độ tin cậy của nó đối với giáo dục đại học Việt Nam còn khá hạn chế.
Với mong muốn tạo một bảng xếp hạng phù hợp với đặc thù đại học Việt Nam, khắc phục những hạn chế của các bảng xếp hạng quốc tế đối với giáo dục đại học Việt Nam, nhóm nghiên cứu chúng tôi quyết định xây dựng bảng xếp hạng đại học Việt Nam và công bố phiên bản đầu tiên năm 2023 với 191 trường được xếp hạng và công bố TOP 100 trường.
Nhân đây có thể nói, VNUR xuất hiện cũng đã tạo ra luồng gió mới cho hoạt động của các trường đại học, rất nhiều trường trong TOP 100 đã sử dụng kết quả xếp hạng như một phương thức truyền thông, quảng bá.
Vậy nhóm làm thế nào để xây dựng một bảng xếp hạng phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam, định lượng, khả tín, khách quan và hướng tới chuẩn mực quốc tế?
VNUR thiết kế và thực hiện xếp hạng theo Các nguyên tắc Berlin về xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học của IREG (International Ranking Expert Group) Observatory.
VNUR-2023 ra đời trên cơ sở tham khảo, kế thừa các bảng xếp hạng của thế giới và các nghiên cứu về xếp hạng đại học ở Việt Nam, bên cạnh việc bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí mang tính chất đặc thù của Việt Nam như: chất lượng được công nhận, cơ sở vật chất. Các bảng xếp hạng thế giới hiện nay chủ yếu tập trung vào nghiên cứu khoa học, đây là điểm các trường đại học Việt Nam chưa phát triển mạnh.
Trong quá trình xây dựng, VNUR đã tiến hành nhiều đợt lấy ý kiến các chuyên gia về quản lý giáo dục, xếp hạng, kiểm định đại học... Tiếp theo những kết quả bước đầu, VNUR sẽ còn cải tiến để phù hợp với từng giai đoạn của giáo dục Việt Nam.
Nhóm đã nêu rõ tiêu chí đánh giá xếp hạng, nhưng còn dữ liệu được sử dụng để xếp hạng thì sao khi mà thông tin về các trường đại học ở Việt Nam còn tản mát, không đầy đủ, thậm chí báo cáo công khai vẫn được cho là khá sơ sài?
Dữ liệu xếp hạng được nhóm thu thập từ nhiều nguồn khác nhau theo từng tiêu chí và đảm bảo tính tin cậy. Báo cáo công khai chỉ là một trong các nguồn thông tin và chúng tôi chỉ lấy một số dữ liệu từ báo cáo này chứ không phải lấy toàn bộ. Bên cạnh báo cáo công khai của các trường, chúng tôi còn thu thập dữ liệu từ đề án tuyển sinh hằng năm của các trường và dữ liệu từ các cơ quan quản lý của Nhà nước như Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Khoa học & Công nghệ.
Thực tế không có bảng xếp hạng nào đánh giá được toàn diện hay đầy đủ về năng lực của một trường đại học, nó chỉ phản ánh thứ hạng của các trường trên các tiêu chuẩn, tiêu chí, trọng số được xây dựng. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích các trường tham gia nhiều bảng xếp hạng khác nhau và sử dụng các phương thức kiểm định chất lượng khác nhau để có thể đánh giá đúng vị thứ của mình trên bản đồ giáo dục đại học Việt Nam.
Trong xếp hạng này, liệu các trường lớn có lợi thế hơn so với trường nhỏ, hoặc trường định hướng nghiên cứu có lợi thế hơn so với trường không định hướng nghiên cứu không?
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các bảng xếp hạng thường không phân biệt giữa trường lớn và trường nhỏ hay các trường có sự khác biệt. Các trường sẽ được đánh giá trên một tháng đo duy nhất nhưng VNUR có tạo ra các bộ lọc để có thể so sánh các trường có cùng đặc thù như: lĩnh vực đào tạo, vùng miền, loại hình… Như vậy khi cần so sánh các trường có cùng đặc thù thì chúng ta có thể chọn bộ lọc để tiện cho việc so sánh.
Các trường đại học dù lựa chọn định hướng là nghiên cứu hay ứng dụng cũng không nằm ngoài sứ mạng của một trường đại học là đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao và phục vụ cộng đồng. Tùy vào tiềm lực hiện tại mà các trường lựa chọn định hướng cho mình nhưng trong tương lai, chúng tôi tin rằng các trường đại học đều mong muốn phát triển mạnh mẽ về nghiên cứu chuyển giao, bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực.
Bằng cách tham gia nhiều bảng xếp hạng khác nhau và sử dụng các phương thức kiểm định chất lượng khác nhau, các trường đại học có thể đánh giá đúng vị thứ của mình trên bản đồ giáo dục đại học. Ảnh minh họa: Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong phòng thí nghiệm. Nguồn: tdtu.edu.vn
Anh có thể cho biết những thuận lợi và khó khăn của nhóm trong quá trình xây dựng xếp hạng VNUR?
Nhóm chúng tôi gồm các thành viên có thời gian nghiên cứu về xếp hạng tương đối lâu dài nên khi bắt tay vào xây dựng VNUR cũng có những thuận lợi nhất định. Bên cạnh đó, nhóm nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các đồng nghiệp có chuyên môn tốt về xử lý thống kê, kiểm định chất lượng giáo dục hay tham gia các bảng xếp hạng. Các tư vấn, góp ý trong quá trình xây dựng cũng giúp cho VNUR-2023 tiệm cận mức độ phù hợp cao đối với các trường đại học.
Khó khăn lớn nhất mà VNUR cũng như bất cứ bảng xếp hạng nào trên thế giới đều gặp phải là vấn đề thu thập dữ liệu. Thông tin các trường công khai tương đối tản mát và ở các kênh thông tin không đồng nhất, dẫn đến quá trình thu thập hết sức mất thời gian và đòi hỏi sự cẩn trọng. Có những dữ liệu nhóm phải dành rất nhiều thời gian để xử lý khi mà thông tin thu thập được còn chưa đầy đủ hoặc thuận lợi cho việc thống kê như số lượng tiến sĩ mà trường công bố hay số lượng người học từng ngành, từng bậc đào tạo.
Kết quả VNUR-2023 có gây bất ngờ nào cho bản thân những người tạo ra nó không?
Khi tính toán, chúng tôi phải bỏ qua các nhận định cá nhân về trường đại học qua thương hiệu, lịch sử, điểm đầu vào hay độ “hot”... Nếu có băn khoăn thì chúng tôi rà soát lại số liệu một lần nữa. Khi số liệu đã chính xác thì nhóm tôn trọng kết quả sau xử lý. Chính vì vậy, nhóm không bất ngờ về thứ hạng của bất cứ trường nào.
Sự “bất ngờ” về thứ hạng (nếu có) đối với công chúng có lẽ là một số trường chưa có vị thứ như suy nghĩ lâu nay của họ, vì chúng ta thường chỉ nhìn thấy một mặt/vấn đề của trường đại học, trong khi bảng xếp hạng xem xét nhiều tiêu chí khác nhau. Và khi kiểm tra số liệu thì chúng tôi nhận thấy các trường có thứ hạng thấp thường chưa có sự đầu tư đồng đều trên các lĩnh vực. Có thể họ có lựa chọn mũi nhọn phát triển riêng trong giai đoạn hiện nay. Khi các trường này quan tâm đến vị thứ của mình trên bảng xếp hạng thì sẽ có sự bứt phá rất nhanh.
Nhiều người nghi ngờ tuổi thọ của các bảng xếp hạng đại học trong nước cũng như sự kiên trì của các nhóm xây dựng bảng xếp hạng. Còn VNUR thì sao?
Năm 2017, một nhóm các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài đã công bố bảng xếp hạng 49 trường đại học, sau đó họ không tiếp tục cập nhật cho các năm tiếp theo, có thể vì lí do cá nhân hoặc có thể đó chỉ là một sản phẩm nghiên cứu của nhóm. Chính vì vậy, nhiều người cũng nghi ngờ tuổi thọ của VNUR. Đây là câu hỏi nhóm nhiều lần nhận được từ các cơ quan truyền thông và chính các đồng nghiệp tham gia hỗ trợ, góp ý xây dựng bảng xếp hạng.
Có thể nói, nhóm VNUR tập hợp những người có mong muốn tạo ra một sản phẩm hữu ích và lâu dài cho giáo dục đại học Việt Nam. Chính vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu và phát triển các phiên bản tiếp theo, chúng tôi đang tìm kiếm các đồng nghiệp sẵn sàng tham gia vào nhóm với vai trò là thành viên chính thức nhằm tăng cường nội lực cho nhóm.
Sau khi công bố VNUR-2023, nhóm đã tiếp nhận đề nghị tham gia tình nguyện của một số nhà khoa học Việt Nam đang nghiên cứu về xếp hạng cả ở trong và ngoài nước. Có thể nói VNUR-2023 là bước thử nghiệm đầu tiên cho một bảng xếp hạng đại học của Việt Nam. Sau khi công bố, nhóm nhận được rất nhiều góp ý có giá trị của các nhà quản lý, nhà khoa học. Hiện nay, nhóm đang triển khai phiên bản VNUR-2024 dựa trên các ý kiến đóng góp phù hợp.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Thu Quỳnh thực hiện