Các nhà nghiên cứu nên học cách sử dụng thì, dùng câu ngắn, viết tóm tắt và nhan đề bài báo sau cùng, chú trọng khả năng ứng dụng của dữ liệu nghiên cứu trong tương lai.
Đó là những lời khuyên của ông Nicholas Pak, chuyên gia tư vấn khách hàng của NXB Elsevier, tại Hội thảo “Kỹ năng khai thác nguồn tin KHCN và viết bài báo khoa học quốc tế”
do ĐHQG-HCM tổ chức vào sáng 27/4.
Tại Elsevier, ông Pak phụ trách phát triển và thúc đẩy sự tham gia của các nhà khoa học trong cộng đồng học thuật Đông Nam Á.
Chia sẻ với các nhà khoa học, nghiên cứu sinh, học viên cao học, ông Pak cho biết, thứ nhất, mỗi thành phần trong bài báo khoa học sẽ có cách sử dụng thì tương ứng, giúp cho văn phong học thuật đạt chuẩn mực. Theo đó, đối với phần tóm tắt (abstract/summary), phương pháp và kết quả nghiên cứu, tức đề cập những việc tác giả đã hoàn thành, nên sử dụng thì quá khứ để diễn đạt. Trong khi đó, ở phần dẫn nhập bài báo, dùng thì hiện tại đơn sẽ ổn thỏa hơn. Ở phần thảo luận, các trao đổi của bài nghiên cứu khoa học, tác giả có thể dùng cả thì quá khứ và hiện tại để diễn đạt.
Nhà nghiên cứu cũng cần chú ý đến số từ trong câu, bởi các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao không hy vọng nhận được những bài báo có câu văn quá dài. Một số nghiên cứu cho thấy người Mỹ hoặc Anh sẽ bắt đầu thấy khó hiểu khi phải đọc 20 từ tiếng Anh trong một câu. Nhà khoa học nên viết ngắn gọn, trung bình một câu văn sẽ khoảng 12-17 từ. Ngoài ra, chúng ta nên tránh việc kết hợp sử dụng các thì trong một câu.
Bên cạnh văn phong, một khía cạnh khác các nhà nghiên cứu cần lưu tâm là thứ tự viết các phần trong bài báo. Với kinh nghiệm làm việc tại nhà xuất bản, ông Pak nhận thấy thông thường các nhà nghiên cứu sẽ viết tựa đề bài báo, tóm tắt, đưa ra từ khóa sau đó mới đi vào nội dung chi tiết; tuy nhiên, ông cho rằng nhà nghiên cứu nên làm ngược lại.
Đầu tiên, người viết cần các dữ liệu và lựa chọn phương pháp phù hợp để viết bài. Sau đó tìm ra các kết quả và thảo luận với nhau. Phần dẫn nhập sẽ là sự tổng hợp của những thảo luận về kết quả đó. Sau cùng, người viết mới đặt tựa cho bài báo, tóm tắt và cung cấp các từ khóa chính cho bài báo của mình. Trong đó, quan trọng nhất là phần tóm tắt - phần này phải tổng hợp được tất cả các vấn đề, phương pháp và đưa ra kết quả của nghiên cứu, vì các biên tập viên cần nắm được những thông tin cốt lõi nhất của bài báo thông qua tóm tắt. Do đó, nó nên được viết sau khi đã hoàn thành bài.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu nên tránh sử dụng các công bố trước đó của mình để trích dẫn trong bài báo mới - việc sử dụng quá nhiều trích dẫn từ các nghiên cứu của bản thân sẽ làm bài báo khoa học mới không có tính đột phá. Nếu muốn bài báo được chấp nhận đăng một cách thuận lợi, nhanh chóng, họ cần nghiên cứu xem các dữ liệu của mình sẽ được phát triển và ứng dụng như thế nào trong 2-3 năm tới. Khi đó, biên tập viên sẽ dễ dàng chấp nhận bài báo hơn.
Cuối cùng, một vấn đề khác mà các nhà nghiên cứu thường gặp phải là tìm tạp chí phù hợp với bài báo khoa học. Để làm được việc đó, trước nhất nhà nghiên cứu phải tìm hiểu mục tiêu của tạp chí mà mình dự định công bố là gì; những ý tưởng nghiên cứu nào sẽ được tổng biên tập, biên tập viên của tạp chí đó quan tâm. Ông Nicholas Pak cho rằng có thể bản thảo của nhà khoa học không sai, nhưng những ý tưởng, cách tiếp cận và niềm tin khoa học của tổng biên tập hay biên tập viên của tạp chí đó không phù hợp với bài báo của chúng ta nên bài viết của chúng ta không được chấp nhận.
NXB Elsevier có trụ sở tại Hà Lan, hiện được xem là nhà xuất bản ấn phẩm khoa học lớn nhất thế giới. Vào năm 2021, Elsevier đã xuất bản hơn 600.000 bài báo trên khoảng 2.700 tạp chí khoa học đa lĩnh vực; kho lưu trữ của Elsevier có hơn 17 triệu tài liệu và 40.000 sách điện tử, với hơn một tỷ lượt tải xuống hằng năm. Sản phẩm tiêu biểu của Elsevier bao gồm các tạp chí nhưThe LancetvàCell, cuốn sách nhưGray Anatomy, bộ sưu tập tạp chí điện tửScienceDirect, cơ sở dữ liệu trích dẫn trực tuyến Scopus. |