Hiện nay, tại các khu vực nông thôn miền núi Tây Bắc nói chung và vùng lưu vực suối Tà Vải, tỉnh Hà Giang nói riêng tình trạng nước cấp cho sinh hoạt không đảm bảo chất lượng là vấn đề đáng quan ngại, tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe mà người dân đang phải đối mặt.

Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ màng lọc kết hợp với vật liệu lọc đa năng để xử lý nước suối vùng biên giới tây bắc cấp nước sinh hoạt” thuộc chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm Nhà nước “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn 2013 - 2018 do ĐHQGHN là cơ quan chủ quản Chương trình. Viện Kỹ thuật và Công nghệ Môi tường là cơ quan chủ trì, ThS. Đặng Xuân Thường – Viện trưởng Viện Kỹ thuật và Công nghệ môi trường là chủ nhiệm đề tài.

Công trình ứng dụng công nghệ màng lọc kết hợp vật liệu lọc đa năng được thí điểm tại thị trấn Yên Minh, tỉnh Hà Giang

Công trình ứng dụng công nghệ màng lọc kết hợp vật liệu lọc đa năng được thí điểm tại thị trấn Yên Minh, tỉnh Hà Giang

Sau thời gian 2 năm triển khai nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn đề tài tại tỉnh Hà Giang, ngày 6/6/2019, Văn phòng Chương trình Tây Bắc, ĐHQGHN đã phối hợp với Viện Kỹ thuật và Công nghệ môi trường, trực thuộc Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam Nam tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ màng lọc kết hợp với vật liệu lọc đa năng để xử lý nước suối vùng biên giới tây bắc cấp nước sinh hoạt”.

Mẫu máy lọc nước sử dụng màng xử lý nước suối
Mẫu máy lọc nước sử dụng màng xử lý nước suối

Đến dự buổi Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước gồm 9 thành viên do GS.TS Trần Hiếu Nhuệ - Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường làm chủ tịch, cùng đại diện Bộ Khoa học Công nghệ, Văn phòng chương trình Tây Bắc, ĐHQGHN và đại diện đơn vị đặt hàng - Sở KH&CN tỉnh Hà Giang; đại diện các đơn vị thụ hưởng - lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh Hà Giang, lãnh đạo UBND Huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang; và các đơn vị phối hợp thực hiện, các nhà khoa học có quan tâm;

ThS. Đặng Xuân Thường – Viện trưởng Viện Kỹ thuật và Công nghệ môi trường, Chủ nhiệm đề tài đã trình bày báo cáo kết quả của đề tài sau 2 năm thực hiện nghiên cứu và ứng dụng thực nghiệm. Chủ nhiệm đề tài chia sẻ, song song với việc nghiên cứu, thí nghiệm các phương án phù hợp trong phòng thí nghiệm, Ban chủ nhiệm Đề tài đã tổ chức khảo sát địa điểm xây dựng, lắp đặt 02 hệ thống xử lý nước tại Trung đoàn 877 và huyện Yên Minh tỉnh Hà Giang. Trong quá trình triển khai thi công, lắp đặt dây truyền xử lý nước tại 2 địa điểm cũng gặp phải rất nhiều khó khăn như vị trí lắp đặt mô hình xa nguồn nước ; công tác vận chuyển thiết bị để lắp đặt xây dựng mô hình khó khăn, Các mẫu nước ở nhiều nguồn khác nhau do đó khó khăn trong việc lấy mẫu nước kiểm tra. Tuy nhiên với quyết tâm cao nhất để xây dựng mô hình, Ban chủ nhiệm đã phối hợp chặt chẽ với nhà thầu thi công và chính quyền địa phương như Trung đoàn 877 và huyện Yên Minh, các sở, ngành của tỉnh Hà Giang để đẩy nhanh tiến độ dự án với chất lượng cao nhất.

ThS. Đặng Xuân Thường Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo tổng kết đề tài sau 2 năm nghiên cứu và ứng dung thực tế tại buổi nghiệm thu tại ĐHQGHN
ThS. Đặng Xuân Thường Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo tổng kết đề tài sau 2 năm nghiên cứu và ứng dung thực tế tại buổi nghiệm thu tại ĐHQGHN

Ban chủ nhiệm Đề tài đã cử 2 nhóm nghiên cứu thực hiện lấy mẫu nước phân tích đồng thời đánh giá chất lượng thủy văn. Qua phân tích cho thấy nguồn cung cấp nước đảm bảo an toàn. Đến thời điểm này bà con tại thị trấn Yên Minh và các cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 877 tỉnh Hà Giang đã được sử dụng nguồn nước sạch được xử lý bằng ứng dụng công nghệ màng lọc kết hợp với vật liệu lọc đa năng của đề tài nghiên cứu.

Chủ nhiệm đề tài mong muốn, kết quả của đề tài sẽ được áp dụng và nhân rộng trong thực tiễn và sẽ tiếp tục nghiên cứu tự động hóa hệ thống gắn liền với cảm biến cảnh báo về chất lượng nước đầu vào, đầu ra.

Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu, đánh giá đạt các tiêu chí, bám sát và cụ thể hoá định hướng mục tiêu theo đặt hàng, đây là đề tài mang tính đột phá, có tính ứng dụng thực tiễn cao trong xử lý nước sạch cho người dân vùng Tây Bắc.

Thông qua buổi nghiệm thu các ý kiến của các chuyên gia đánh giá cho rằng, đề tài đã đạt hiệu quả cao và có thể sớm chuyển giao nhân rộng mô hình.

Đại diện đơn vị đặt hàng, Đại tá Nguyễn Thế Đàm – Phó Chỉ huy trưởng, Bộ chỉ huy Quân sự Tỉnh Hà Giang đánh giá cao đề tài và nhận xét hiếm có đề tài nào mà nghiên cứu xong là ứng dụng thực tiễn luôn giống như đề tài này. Ông bày tỏ đây là một công trình hết sức ý nghĩa đối với cán bộ chiến sĩ Trung đoàn, đề tài được triển khai đã đảm bảo thiết thực cho cán bộ chiến sĩ ăn uống sinh hoạt, đặc biệt đảm bảo bảo cho chiến sĩ có sức khỏe để sẵn sàng thực hiện chiến đấu và thực hiện những nhiệm vụ khác của BCHQS Tỉnh. Đại tá cho rằng cần nhân rộng phương án lọc nước này cho tỉnh Hà Giang và vùng núi phía Bắc.

Đại diện đơn vị đặt hàng đánh giá cao về đề tài và cần nhân rộng mô hình
Đại diện đơn vị đặt hàng đánh giá cao về đề tài và cần nhân rộng mô hình

Ông Nguyễn Xuân Diệu – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang có đánh giá cao ý nghĩa dân sinh của mô hình đề tài triển khai trên địa bàn huyện. Vì đây là công trình khoa học công nghệ đầu tiên tại Yên Minh và có tính thực tiễn cao như vậy. Đơn vị triển khai nhanh, tập trung xây dựng mô hình từ tháng 8 đến tháng 10/2018 là hoàn thành. Trước đó, huyện Yên Minh là địa bàn cực kỳ thiếu nước sạch và nguồn nước ô nhiễm nặng ecoli. Mô hình triển khai trên địa bàn huyện đã giải quyết vấn đề nước sạch của khoảng 2.000 người dân trong vùng và được chính quyền huyện đánh giá cao. Đại diện lãnh đạo huyện Yên Minh cũng mong muốn đề tài sẽ được tiếp tục nhân rộng mô hình thêm 02 mô hình nữa trên địa bàn huyện.

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ nhận định, đây là đề tài có tính thực tiễn cao, có nghĩa cao về mặt ứng dụng trong thực tiễn về cả chính trị cho tỉnh biên giới và dân sinh. Đề tài đã đạt được mục tiêu nghiên cứu của đơn vị đặt hàng.

Quy mô công suất của Hệ thống xử lý nước cấp cho sinh hoạt là 50 m3/h.Chất lượng đầu ra của Sản phẩm sau khi xử lý đạt chất lượng theo quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT do Bộ Y Tế cho phép cấp nước cho sinh hoạt. Với lưu lượng, chất lượng nước của suối Tà Vải ổn định theo các mùa trong năm (mùa mưa, mùa khô) sẽ là cơ sở để nhân rộng mô hình cho các tỉnh vùng Tây Bắc.

Đề tài nghiên cứu, xây dựng mô hình xử lý nước sông suối phục vụ cho sinh hoạt bằng ứng dụng công nghệ màng lọc kết hợp vật liệu đa năng, sẽ mở ra triển vọng mới trong việc xử lý nước sông suối để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân ở những vùng có điều kiện tương tự. Góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đảm bảo an ninh quốc phòng và phục vụ sự phát triển bền vững tại địa phương.