Theo NASA, trong một thập niên tới là thời điểm thích hợp nhất để du hành vũ trụ vì Mặt Trời sẽ chuyển sang chu kỳ hoạt động mới, với mức hoạt động yếu nhất trong 2 thập niên qua.
Cụ thể, Mặt Trời thường xuyên chuyển chu kỳ hoạt động từ mức hoạt động cao, sang mức hoạt động thấp cứ 11 năm một lần. Ở mức hoạt động thấp, Mặt Trời sẽ ít tạo ra các cơn bão Mặt Trời hơn và ít phun các tia bức xạ nguy hiểm có thể gây chết người hơn.
Một trong những mối nguy hiểm lớn nhất đối với các du hành gia là nguồn bức xạ của Mặt Trời. Dù trên Trái đất chúng ta thấy Mặt Trời vẫn hoạt động bình thường, nhưng ngôi sao này có những chu kỳ biến đổi hoạt động mà con người vẫn chưa hiểu hết.
Hiện tại, các nhà khoa học biết được Mặt Trời hoạt động theo chu kỳ 11 năm, với 11 năm hoạt động yếu hơn và 11 năm hoạt động mạnh. Chu kỳ hoạt động này được đánh dấu bằng sự tăng giảm số lượng các vết đen trên bề mặt của Mặt Trời, là những khu vực có bão từ hoạt động mạnh hơn hàng ngàn lần so với từ trường của Trái đất.
Nếu số các vết đen nhiều, Mặt Trời nhiều khả năng sẽ phóng ra các cơn bão Mặt Trời lớn, gây nguy hiểm cho các tàu vũ trụ cũng như các phi hành gia đang hoạt động bên ngoài bầu khí quyển, vốn không được từ trường của Trái đất bảo vệ. Ngược lại, nếu số vết đen ít thì Mặt Trời sẽ ít hoạt động và ánh sáng bức xạ sẽ ở mức tối thiểu.
Theo NASA chu kỳ Mặt Trời tiếp theo sẽ bắt đầu vào năm 2020, và mức hoạt động cao nhất của chu kỳ này là vào năm 2025. Nhưng số vết đen trên Mặt Trời khi đạt đỉnh trong chu kỳ này sẽ thấp hơn từ 30 đến 50% so với chu kỳ trước. Điều này khiến chu kỳ hoạt động này của Mặt Trời sẽ là chu kỳ yếu nhất trong 2 thập niên qua.
Hoạt động dự báo thời tiết không gian này của NASA được thực hiện dựa vào kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu môi trường vùng Vịnh thuộc Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA ở Thung lũng Silicon, California thực hiện. Nghiên cứu dự báo khí hậu không gian này sử dụng dữ liệu được thu thập từ năm 1976 của các sứ mệnh không gian của Đài quan sát Mặt Trời và Heliospheric (Solar and Heliospheric Observatory) và Đài thiên văn Động lực học Mặt Trời (Solar Dynamics Observatory). Các nhà nghiên cứu có thể đưa ra dự đoán bằng cách quan sát trực tiếp từ trường mặt trời thay vì chỉ đếm các vết đen mặt trời vốn chỉ là nghiên cứu thô, ít có tính dự báo.
NASA nói rằng những dự đoán này sẽ không chỉ giúp bảo vệ các phi hành gia, mà cả các nhiệm vụ không người lái cũng như các mạng lưới vệ tinh quay quanh Trái đất đang ngày càng nhiều mà nền văn minh của chúng ta đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn.
Theo Motthegioi