Với nhiều năm kinh nghiệm tham gia khảo sát, nghiên cứu và phòng chống dịch cúm gia cầm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang triển khai cùng lúc nhiều nhiệm vụ nhằm góp sức phòng chống dịch cúm gia cầm do virus H5N6, một biến thể mới của chủng cúm gia cầm H5N1, được nhận định là có độc lực cao và khả năng lây truyền rộng.
Theo thống kê của Cục Thú y, kể từ khi ổ dịch cúm gia cầm H5N6 đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Quảng Ninh vào đầu tháng 1/2020, đến chiều 12/2/2020, cả nước đã ghi nhận thêm 9 ổ dịch khác tại Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An và Bắc Ninh; tổng số gia cầm phải tiêu hủy trên cả nước lên đến hơn 43.000 con.
PGS.TS Nguyễn Bá Hiên (Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam), người có nhiều kinh nghiệm tham gia phòng chống dịch cúm gia cầm từ năm 2003, cho biết, virus cúm gia cầm A/H5N6 là chủng có độc lực cao và rất nguy hiểm.
“Đây là một biến thể của chủng cúm gia cầm H5N1 thuộc nhóm cúm A - nhóm thường xuyên có sự biến đổi. Với 18 loại protein H và 11 protein N, tổ hợp giữa hai protein bề mặt này sẽ cho ra 198 phân nhóm cúm A và trên thực tế đã ghi nhận 131 phân nhóm xuất hiện trong tự nhiên. Trong đó, các virus có chứa H5 hầu hết thuộc phân nhóm có độc lực cao cùng khả năng lây truyền rộng rãi bởi tính đa vật chủ, thích ứng cả trên người và động vật, do đó có thể lây truyền và gây bệnh nặng cho con người,” ông nói.
Đánh giá về dịch lần này, PGS Hiên cho biết, virus cúm H5N6 đang có nguy cơ bùng phát và lây lan mạnh do đây là một chủng bệnh mới và khả năng miễn dịch quần thể ở gia cầm còn thấp. Bên cạnh đó, thời tiết mưa ẩm chính là một yếu tố khác khiến nguy cơ gia tăng. “Các mầm mống bệnh tiềm ẩn sẵn trong các đàn gia cầm khi gặp điều kiện thuận lợi như nhiệt độ thấp và độ ẩm cao sẽ làm suy giảm sức đề kháng của các con vật và tạo cơ hội cho các virus trỗi dậy.”
Sau khi được ghi nhận lần đầu tiên ở nước ta vào tháng 8/2014, chủng cúm gia cầm H5N6 tiếp tục được phát hiện lẻ tẻ tại một số điểm chăn nuôi trên địa bàn nhiều tỉnh thành. Theo PGS Hiên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một trong những đơn vị phát hiện sớm nhất virus H5N6 ở nước ta. Trong khoảng thời gian từ tháng 7/2015 đến tháng 7/2016, khi khảo sát sự lưu hành của virus cúm A tại các tỉnh biên giới phía Bắc giáp với Trung Quốc, nhóm nghiên cứu của Khoa Thú y thuộc Học viện bất ngờ xác định được 49 mẫu dương tính với virus H5N6 ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Lào Cai từ 1.500 mẫu thử gộp của gia cầm tại chợ địa phương.
Hỗ trợ phát hiện nhanh ổ dịch
Từng có nhiều năm kinh nghiệm tham gia khảo sát, nghiên cứu và phòng chống dịch cúm gia cầm kể từ khi dịch cúm H5N1 bùng phát vào năm 2003, tại thời điểm này, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang tích cực tham gia công tác dập dịch H5N6.
Tuần trước, Phòng thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ sinh học Thú ý thuộc Học viện đã phát đi thông báo xét nghiệm miễn phí phát hiện virus cúm gia cầm chủng H5N1, H5N6, H7N9 trên các đối tượng gia cầm, thủy cầm (gà, vịt, ngan, chim, v.v.) cho mọi đơn vị chăn nuôi. Đây cũng là lần đầu tiên Học viện cung cấp hỗ trợ này trong các đợt cúm gia cầm.
Xét nghiệm sớm để “phát hiện nhanh, tiêu diệt gọn,” xử lý và tiêu hủy kịp thời các đàn gia cầm bị bệnh, không để dịch có cơ hội lan rộng là điều hết sức quan trọng - theo PGS Hiên. “Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời thì nguy cơ lan rộng và bùng phát dịch bệnh là rất cao, không chỉ làm giảm số đầu ra của ngành chăn nuôi mà còn ảnh hưởng đến sinh mạng con người,” PGS Hiên nhấn mạnh.
Người dân nghi ngờ gia cầm của mình mắc bệnh có thể liên hệ và gửi mẫu bệnh phẩm đến phòng thí nghiệm thuộc Bệnh viện Thú y của Học viện Nông nghiệp Việt Nam tại Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội, để được kiểm tra. Mẫu thử là dịch hầu họng của con vật nghi ngờ điển hình, được cho vào trong túi kín, bọc kín trong thùng xốp và gửi đến phòng thí nghiệm. Kết quả xét nghiệm sẽ có trong vòng 24 - 48h sau khi phòng thí nghiệm nhận được mẫu.
Phòng thí nghiệm của Học viện đã được trang bị các máy móc, thiết bị khá hiện đại, đạt tiêu chuẩn ISO 17025/2005, thực hiện được nhiều kỹ thuật cao như giải trình tự gene, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giám sát và phòng chống dịch cúm gia cầm tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, tại cuộc họp vào ngày 13/2, Học viện xác định tập trung tối đa nhân lực và vật tư để phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm trong quý 1 năm 2020. Một nhiệm vụ đột xuất (Đề tài trọng điểm cấp Học viện) về cúm gia cầm H5N6 sẽ được triển khai nhằm nghiên cứu sâu hơn về tiến trình ổ dịch, đặc điểm bệnh lý, độc lực của virus H5N6. Đồng thời, Học viện cho biết, sẽ ứng dụng kết quả nghiên cứu từ đề tài các cấp trong những năm qua để giám sát lưu hành cúm gia cầm. Các kiến thức khoa học về bệnh cúm gia cầm cũng được Học viện bổ sung, cập nhật, phổ biến tới các nhà khoa học, bác sĩ thú y và người chăn nuôi qua các kênh internet, tạp chí, hội thảo chuyên ngành…
“Trong hoàn cảnh có dịch, nếu được giao các vấn đề nghiên cứu, Học viện với đội ngũ cán bộ đông đảo và được đào tạo bài bản từ các nước phát triển, hoàn toàn có thể đáp ứng được nhiệm vụ. Chúng tôi cũng luôn sẵn sàng huy động lực lượng sinh viên xuống các địa phương để tiêm phòng cho vật nuôi; sát cánh cùng Cục Thú y trong công tác giám sát và phòng chống dịch bệnh,” PGS.TS Bùi Trần Anh Đào - Phó Trưởng Khoa Phụ trách Khoa Thú y, khẳng định.
Chăn nuôi quy mô công nghiệp là xu hướng tất yếu Theo PGS Nguyễn Bá Hiên, dù cấu trúc của virus H5N6 có sự biến đổi so với H5N1, vẫn nên sử dụng các loại vaccine phòng cúm gà hiện nay để tiêm phòng.
Ông nói thêm, Chính phủ từng xác định, biện pháp xử lý dịch cúm gia cầm triệt để nhất là không để dịch xảy ra. Muốn vậy, ngoài tiêm vaccine đầy đủ cho gia cầm, còn phải đảm bảo các nguyên tắc về an toàn sinh học trong chăn nuôi, giữ cho đàn vật nuôi trong môi trường được bảo vệ như khu vực chăn nuôi cách biệt khu dân cư; hạn chế tham quan, người lạ ra vào nhiều; có hố sát trùng ở những vị trí cần thiết; định kỳ tiêu độc khử trùng; xử lý chất thải chăn nuôi đúng kỹ thuật… Đó là những đòi hỏi mà mô hình chăn nuôi hộ gia đình khó đáp ứng được. “Vì vậy, chăn nuôi theo quy mô công nghiệp sẽ trở thành xu hướng tất yếu,” ông nhận định. |